Thuyết Tiến hóa
QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI
Charles Darwin (1807-1882)
Cách đây vài ba năm, tại một trường THPT nọ, có một
cuộc “tranh luận” khá gay gắt giữa một bên là thầy dạy môn Sinh vật và một bên
là học sinh Công Giáo. Thầy căn cứ vào sách để dạy ; học sinh căn cứ vào Cựu
Ước để “phản bác”…
Thầy Hiệu trưởng không “phạt” ai cả: Thầy cứ căn cứ
vào sách chính thống của Bộ mà dạy. Trò cứ tin những gì trò tin. Cách xử lý của
thầy Hiệu trưởng thật đáng khâm phục!
Đôi
khi chúng ta cũng phân vân không biết Giáo Hội quan điểm thế nào về “Thuyết
Tiến Hóa” ? Người Giáo dân:
- Có người bảo: Thuyết Tiến Hóa nhảm nhí không
đáng tin!
- Kẻ khác: Khoa học nghiên cứu về tự nhiên; Đức Tin
thuộc tâm linh nên không cùng chân lý?
- Người hơi thoáng: Tin Thuyết Tiến Hóa cũng được : tin Sáng
Thế (Kinh Thánh Cựu Ước) cũng được.
- Kẻ kia nói: Thiên Chúa can thiệp vào sự tạo dựng con người
hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp.
- Người thì lập luận: Chúng ta không nên hiểu Sáng
Thế theo nghĩa đen! KT dùng ngôn ngữ
của con người để nói với con người về sự Tạo dựng của Tạo Hóa, mà nói trên dưới bốn ngàn
năm nay rồi, lúc đó KH chưa phát triển? Nên diễn đạt có thể không như KH nói. Nhưng
ý chính là muốn nói sự Tạo dựng của Thiên Chúa.
- Người khác : Tiến trình TẠO DỰNG vũ trụ của Thiên Chúa có
thể không phải “một buổi sáng và một buổi chiều” theo nghĩa một ngày (24 giờ)
mà có thể hiểu hằng mấy tỷ năm?
- Bạn nghĩ, bạn hiểu, bạn nói, bạn bảo:…? ….
Chúng
tôi, không đến nỗi không hiểu về “Thuyết Tiến Hóa”. Nhưng
bài viết này, chúng tôi không trình bày Thuyết Tiến Hóa mà chỉ Sưu tầm các
bài viết có uy tín mà chúng tôi thường đọc:
Quan điểm
của Giáo Hội Công Giáo
về Thuyết
Tiến Hóa
Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, con người
từng phải đối diện với những thách đố của các vấn nạn về tự nhiên, xã hội và tâm linh. Một trong số
các vấn nạn gây nhiều tranh cãi nhất và kéo dài suốt từ thời thượng cổ cho đến
nay chính là vấn nạn về nguồn gốc loài người.
Thực ra, vấn đề này tưởng chừng như được khép lại nơi học thuyết tiến hóa của
J.B. Lamark và C. Darwin trong thế kỷ XVIII và XIX, nhưng nó càng trở nên ầm ĩ
hơn khi người ta bắt đầu nảy sinh những hoài nghi
về độ chính xác của những chứng cứ và những mâu thuẫn
với quan điểm cổ truyền của Giáo Hội về thần
học sáng tạo. Cũng từ đó, ngày càng xuất hiện
nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề tiến hóa: hoặc là
chấp nhận, hoặc là chống đối hay dung hòa cả hai. Trong khuôn khổ của bài viết, chỉ
xin lược nêu một vài quan điểm của Giáo Hội về
thuyết tiến hóa và trên cơ sở đó đưa ra một cái nhìn
chủ quan về vấn đề này.
1.KHÁI QUÁT VỀ HỌC
THUYẾT TIẾN HÓA
Tiến hóa là quá trình phát triển của giới hữu
sinh từ đơn giản đến phức tạp, trải qua quá trình tiệm tiến của những hoạt động chọn lọc nhiều thế kỷ. Học thuyết
tiến hóa được Lamark khởi xướng, được Darwin
hoàn thành và tiếp tục được phát triển với tư tưởng của G. Mendel, De Vries và
phái tân Darwin.
Jean Baptiste de Lamark (1744 – 1829)
Lamark
cho rằng, các loài sinh vật có cùng nguồn gốc, loài nọ biến thành loài kia,
tiến triển từ những sinh vật đơn giản đến những sinh vật ngày càng phức tạp
hơn. Hai nguyên nhân của sự tiến hóa là:
- Xu
hướng tự phát muốn hoàn chỉnh của các sinh vật: việc năng dùng đến một bộ phận
nào sẽ dần dần kiện toàn và phát triển bộ phận đó. Bộ phận nào ít sử dụng sẽ
dần suy yếu và biến mất.
- Di
truyền các tính trạng tập nhiễm: Những tính trạng tập nhiễm mà sinh vật thu
nhận được có thể di truyền được cho thế hệ sau.
Charles Darwin (1807-1882)
Trong tác
phẩm: “Về nguồn gốc các loài”, Darwin
bắt đầu bằng việc mô tả chi tiết hàng loạt những thay đổi di truyền ở gia súc
và trong tự nhiên. Sau đó ông mô tả cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các loài và
những chủng loại riêng lẻ. Đặc biệt trong chương bốn với tựa đề: “Sự chọn lọc tự nhiên hay là sinh tồn
của các loài có khả năng nhất”, Darwin cho rằng: “Sự biến đổi của các loài riêng biệt và
cuộc đấu tranh sinh tồn của mỗi loài là một quá trình có điều kiện tương hỗ mà
kết quả của nó chỉ có những loài có khả năng nhất sẽ tồn tại mà thôi để cốt sao
duy trì nòi giống, truyền lại cho con cháu những đặc điểm cho phép chúng tồn
tại”[1] . Nhìn chung, học thuyết của Darwin được tóm lược trong
những điểm cơ bản sau:
- Số
lượng cá thể sinh ra trong mỗi thế hệ nhiều hơn số cá thể được sống sót và sinh
sản.
- Có sự
biến dị trong các cá thể làm cho chúng không hoàn toàn giống nhau về tất cả các
đặc tính. Đó là kết quả của chọn lọc tự nhiên.
- Trong
đấu tranh sinh tồn, những cá thể mang các tính trạng có lợi sẽ có nhiều cơ hội
sống sót và sinh sản hơn là các cá thể mang các tính trạng không có lợi.
- Một số
đặc điểm kết quả của sự sống sót và sinh sản có thể di truyền.
- Tất cả
các loài sinh vật đều tiến hóa từ một vài tổ tiên chung.
- Cần có
một thời gian rất lớn để cho sự tiến hóa xảy ra.
Gregor Mendel
Mặc dù
học thuyết của Darwin
được tán thành và chào đón ngay từ thời ông, nhưng một số nhà sinh vật học vẫn
nhận thấy sự thiếu sót cơ bản của nó là không giải thích được trên quan điểm di
truyền học. Một trong số các nhà sinh vật học đó là G. Mendel, một thầy tu
người Áo. Mendel đã tiến hành một loạt các thí nghiệm di truyền học trên cây
đậu và cho biết: “…những thế
hệ sau đặc điểm cơ bản như chiều cao, hình dáng, màu sắc và cấu tạo thì những
đặc điểm này bị phai nhạt dần và.. chỉ đến thời kỳ phân chia được tế bào mới có
thể nhìn vào được cơ chế của sự tiến hóa” [2].
Hugo De Vries (1848- 1925)
Nhà thực
vật Hà Lan, khám phá ra hiện tượng được gọi là “đột biến”, hệ tại ở việc
thay đổi thình lình nơi một hay một số gene của một cá thể mới sinh, và tạo ra
những thay đổi hơn kém đáng kể trong những nét loại biệt của động vật. Người ta
nghiên cứu sâu rộng những đột biến như thế và ngay cả làm ra các sinh vật cách
nhân tạo trong phòng thí nghiệm, đặc biệt là loài ruồi, chúng xảy ra tự phát
trong thiên nhiên.
Phái Tân- Darwin
Đặt riêng
rẽ ra, sự thích ứng được Lamark nhấn mạnh, sự tuyển chọn tự nhiên của Darwin,
hoặc sự đột biến được De Vries khám phá ra dường như không đủ để giải thích
tiến hoá. Ngày nay các nhà khoa học cố gắng liên kết những giải thích này lại
với nhau trong học thuyết được gọi là “lý thuyết tổng hợp về tiến hoá”
hay “chủ thuyết tân Darwin”; theo đó, những đột biến xảy ra nơi những
chốn định cư thú vật. Lý thuyết nhấn mạnh đến những đột biến vốn bé nhỏ và
thường không được chú ý, nhưng lại tạo ra những tác động lâu dài. Về cái gọi là
“những đột biến vi tiểu”, thì những thú vật không thích hợp bị đào thải
do sự tuyển chọn tự nhiên, còn những thú vật thích hợp được tồn tại.
2. QUAN ĐIỂM CỦA
TRIẾT HỌC VỀ TIẾN HOÁ
Khi nhìn
nhận sự vật hiện tượng, các nhà khoa học chỉ xét đến bình diện nguyên nhân tác thành mà bỏ quên đi cái bên trong và năng lực quy tâm. Nhưng triết học thì không thể chấp
nhận như vậy. Triết gia cắt nghĩa về những dữ kiện tiến hoá, xét đến bình diện
nhân quả khác với khoa học.. Ngay từ thời cổ đại, nơi một số triết gia Hy Lạp,
chúng ta đã gặp thấy một vài ý niệm tiến hoá hay biến đổi từ dạng thức này của
sự sống sang dạng thức khác. Điển hình có Héraclite, Aristotle, Démocrite… Tuy
nhiên, thuyết tiến hoá là sản phẩm đặc biệt của thời hiện đại
và được coi là một lý thuyết
có cơ sở khoa học; do đó,
cũng có nhiều quan điểm triết học đã được vận dụng để giải thích sự kiện tiến
hoá.
Với H.
Bergson, ông chống lại chủ trương giải thích sự kiện tiến hoá chỉ theo quan điểm duy vật mà thôi. Ông phi bác lối giải thích
của Spencer, nó ít mang tính chất khoa học và đề nghị quan điểm triết học về
tiến hoá, dựa trên kết quả khoa học. Theo ông, cả thuyết tiến hoá “duy cơ”
cũng như thuyết tiến hoá “hướng đích” đều khép kín trước thực tại mới mẻ
của “đà sống”. Để giải quyết những bế tắc mà cả hai phái nói trên gặp
phải và diễn tả viễn tượng tiến hoá luôn mở rộng trước sự phong phú khôn lường
của tinh thần, ông đề nghị một quan niệm mới: “tiến hoá sáng tạo”.
Dù chia
sẻ quan điểm “tiến hoá sáng tạo” với H. Bergson, Teilhard de Chardin vẫn
đặc biệt đề cao chiều kích định hướng của tiến hoá. Vũ trụ của Teilhard de
Chardin là một vũ trụ tiến hoá có định hướng: từ vật chất vô cơ tiến lên vật
chất hữu cơ, ngang qua sự sống để tiến tới con người và cuối cùng tiến về Trung
Tâm Hội Tụ. Chính Thiên Chúa tác động qua tiến hoá để
hoàn tất công trình sáng tạo của Ngài. Theo Teilhard de Chardin, sự can thiệp của Thiên Chúa không
nằm bên ngoài thực tại vật lý và sinh vật. Trái lại, chính Thiên
Chúa đã phú bẩm nơi tạo vật một định hướng nội tại để tự động phát triển qua
tiến trình tiến hoá.
Teilhard de Chardin còn cho biết, sự chuyển biến từ thú vật sang con người có
nghĩa là cuộc vượt qua từ ý thức tới tự thức, từ tri giác tới suy tư (phản
tỉnh), từ một chân trời giới hạn đến một chân trời vô giới hạn. Nhà triết học
đòi phải giải thích “bước nhảy vọt” này.
Triết gia truyền thống chủ trương rằng, chỉ có thể giải thích được bằng việc Thượng
Đế tạo dựng linh hồn con người vốn khác biệt cách cốt yếu với hồn của động vật
cao nhất và thực sự
lời giải thích này dường như là lời giải thích duy nhất có thể chấp nhận được.
3. Quan điểm của
Giáo Hội về thuyết tiến hóa
3.1 Nền
tảng đức tin về sáng tạo
Nguồn mạc
khải Thánh Kinh cho biết, Thiên Chúa là Đấng dựng nên
vũ trụ vạn vật, trong đó, con người là loài cao trọng nhất và được Thiên Chúa
dựng nên giống hình ảnh Ngài. Theo sách Sáng thế ký: “Thiên Chúa sáng tạo
con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên
Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ” (St 1, 27). “Thiên
Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở
nên một sinh vật” (St 2, 7). Sau khi Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài đã
ban phúc lành cho họ, Thiên Chúa phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho
đầy mặt đất...” (St 1, 28).
Truyền
thống đức tin Công giáo cũng dạy rằng, con người chính là một thọ
tạo do Thiên Chúa dựng nên.
Kinh Tin Kính của các Tông đồ thời Giáo Hội sơ khai cũng đã tuyên tín về quyền
phép của Thiên Chúa trong việc tạo dựng vũ trụ và con người: “Tôi tin kính
Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”. Với sự tuyên tín
đó, Giáo Hội đã khẳng định, con người được chính Thiên Chúa dựng
nên và được dựng nên theo hình ảnh của Ngài.
Như vậy,
trong Thánh Kinh cũng như truyền thống đức tin của Giáo Hội Công giáo đều tuyên
tín và xác quyết: “Vũ trụ vạn vật và con người là chính Thiên Chúa dựng nên,
vì Ngài quyền phép vô cùng. Ngài có thể dựng nên mọi sự theo ý Ngài muốn”.
3.2. Lập trường của Tòa thánh Vaticanô về
thuyết tiến hóa
Năm 1950,
với thông điệp Humani Generis của Đức Thánh Cha Piô XII, vấn đề tiến
hoá được Giáo Hội chính thức bàn đến. Kể từ năm 1950 đến nay, qua sáu triều
Giáo hoàng thì đã có ba Đức
giáo hoàng nhắc tới thuyết
tiến hoá, đó là các Đức giáo
hoàng Piô XII, với thông điệp Humani Generis; Đức John Paul II, với bài
huấn từ cho Hàn Lâm Viện khoa học giáo hoàng, ngày 22/10/1996; và Đức Bênêđíctô
XVI, với cuốn sách mang tựa đề “Sáng tạo và tiến hoá”, phát hành tại
Đức, ngày 11-3-2007.
Đức Piô XII:
Khi bàn
về thuyết tiến hóa, Đức Piô XII viết: “Giáo Hội không ngăn cấm việc nghiên cứu và tranh luận về vấn
đề nguồn gốc thân xác con người từ một sinh vật có sẵn trước, Giáo Hội chỉ dạy
phải tin linh hồn do Thiên Chúa trực tiếp tạo
dựng…” [3].
Như vậy,
theo Đức PiôXII, có thể chấp nhận thuyết tiến hoá, nhưng “phải tin linh hồn
do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng”. Ngài cũng nói rõ: “Đây không
phải là lý thuyết do các nhà thần học đề ra và triển khai, mà bắt nguồn từ bên
ngoài đoàn chiên Chúa Kitô”[4] . Nên các nhà triết học và thần học
cần phải đào sâu chứng cứ “như
thể nó là một thuyết đã được chứng minh cách chắc chắn” [5].
Đức John Paul II
Trong bài
huấn từ cho Hàn lâm viện khoa học giáo hoàng, ngày 22/10/1996, khi đề cập đến
thuyết tiến hoá, Đức giáo hoàng John Paul II nói:
“Đến nay,
gần một nửa thế kỷ trôi qua, sau khi cho xuất bản thông điệp, thì sự am hiểu
mới cho kết quả là thừa nhận thuyết tiến hoá hơn là giả thiết. Kết quả đáng ghi
nhận là thuyết này không ngừng được các nhà nghiên cứu chấp nhận, theo sau là
hàng loạt các khám phá trong nhiều lĩnh vực tri thức. Điểm chung, không tự tìm
thấy cũng không tự tạo ra, của những thành quả trong công việc, mà được thực
hiện một cách độc lập, chính là một lý lẽ đáng ghi nhận trong việc chấp thuận
học thuyết này” [6]
Như vậy,
Đức Piô XII chỉ thừa nhận
thuyết tiến hoá như là một giả thuyết không chắc chắn, còn Đức Gioan PhaolôII chấp nhận nó
như: “là một sự kiện được chứng minh có hiệu quả”. Tuy nhiên, ngài chấp
nhận thuyết tiến hoá nhưng không phải hoàn toàn như các nhà khoa học đưa ra
thuyết này, mà theo định hướng của thông điệp Humani
Generis: “tin linh hồn
do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng”.
Đức Bênêđíctô XVI:
Trong tác
phẩm mang tựa đề “Sáng tạo và tiến hoá”, được phát hành hôm 11/3/2007,
tại Đức, khi bàn về thuyết Tiến hóa, Đức thánh cha Bênêđíctô XVI cho rằng, thuyết tiến hoá là thuyết không thể chứng
minh đầy đủ được và khoa học không nhất thiết hạn chế cái nhìn tạo dựng của
nhân loại. Ngài viết: “Vấn
đề không phải là một quyết định ủng hộ cho một thuyết sáng tạo có nội dung loại
trừ khoa học ra ngoài, hoặc tán thành một lý thuyết về tiến hoá còn chứa nhiều
lỗ hổng và không muốn nhìn thấy những vấn đề vượt lên trên các khả năng về
phương pháp luận của khoa học tự nhiên” [7].
Đức thánh cha
cho rằng, thời gian mênh mông mà thuyết tiến hoá đưa ra là không khả
thi đối với các cuộc thử nghiệm, ngài viết: “Chúng ta không thể kéo cả 10.000 thế hệ vào phòng thí
nghiệm được” [8].
4.
MỘT CÁI NHÌN CHỦ QUAN
Dựa trên
quan điểm của Giáo Hội, thiết nghĩ không hề có sự mâu thuẫn giữa thuyết
tiến hóa với vấn đề thần học tạo dựng. Darwin đã từng quả quyết rằng, học thuyết của ông không hề có
mâu thuẫn với Giáo Hội; do đó, ông đề nghị học giả ngẫm nghĩ thật kỹ học thuyết
chọn lọc tự nhiên như là một phương pháp của Thiên Chúa để phân bố các loài
trên trái đất [9].
Cũng nên nói thêm, Thánh Kinh mà cụ thể là sách Sáng thế không dạy những chân lý khoa học, nhưng có ý chuyển tải một ý nghĩa rằng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và tất cả mọi loài, trong đó có con người. Mặt
khác, với nhãn quan của người
cổ đại, họ chỉ có thể
trình bày chân lý Thiên Chúa sáng tạo bằng phương pháp trực quan sinh động hay dung hợp do vay mượn từ các nền văn hóa khác
cùng thời, chứ không theo phương pháp khám phá của khoa học ngày nay. Vì vậy,
việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người từ bùn đất, hay là từ sự
tiến hóa của các loài đơn giản đến phức tạp thì cũng cùng một nghĩa rằng: thân xác con người được tạo nên từ một dạng của vật chất, nghĩa là sự sống tự nhiên. Hơn nữa, nhờ Đức tin mà chúng ta khám phá ra rằng: nguyên nhân cùng đích của sự tiến hoá thành người chính là
Thiên Chúa. Và con
người không chỉ có thể xác là một dạng của vật chất, mà còn có
linh hồn, tức sự sống siêu nhiên vì được tham dự vào sự sống của chính
Ngài. Do đó, dựa theo quan điểm của Đức Piô XII, có thể chấp nhận được thuyết
tiến hóa, nhưng: “phải tin linh hồn do Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo”. Cũng từ đây, một vấn nạn nữa nảy sinh: Khi nào thì linh hồn một nhân
vị hình thành? Thiết nghĩ, đó
là vấn đề lớn của thần học vì thuộc phạm vi Đức Tin. Dẫu vậy, với nỗ lực của lý
trí, chúng ta chỉ có thể khẳng định: khi mầm sống nhân vị xuất hiện thì đồng thời
xuất hiện linh hồn của
nhân vị đó, nghĩa là hồn xác phải hợp nhất nơi nhân vị hiện hữu, vì nếu tách biệt (như quan điểm của Descartes), “Nó”
chỉ còn là sự sống siêu nhiên - một tồn tại vĩnh hằng của linh hồn trong thế
giới vô hình.
G.B. Nguyễn Văn Chiến
Giải Đáp và Hướng Dẫn:
Lm. Phi Quang
“Thuyết tiến hóa” là một giả thuyết, hay đúng hơn,
nhiều giả thuyết, nhiều lối giải thích khác nhau về sự hiện hữu của các hữu thể
- vật chất và con người. Darwin
đã đưa ra một giả thuyết về sự tiến hóa của sinh vật – Một giả thuyết cho rằng
mọi chủng loại hữu cơ xuất hiện và phát triển qua sự “Biến Thiên Ngẫu Hữu”
(=Chance Variation) và Sự “Chọn Lọc Tự Nhiên “ (= Natural Selection) khiến gia
tăng khả năng của cá thể để tranh sống, tồn tại, và truyền sinh. Thuyết này
được nhiều người khai triển và biến thái áp dụng trong nhiều lãnh vực, dù còn
gặp nhiều những vấn nạn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Giáo
Hội có thái độ thế nào đối với thuyết Tiến Hóa? Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo
đề cập thoáng qua đến thuyết này khi viết: “Vấn đề nguồn gốc của vũ trụ và
của con người đã là đối tượng của nhiều cuộc nghiên cứu khoa học, đã làm phong
phú cách tuyệt diệu cho những hiểu biết của chúng ta về tuổi và kích thước của
vũ trụ, về cuộc tiến hóa của các hình thức sinh vật , về sự xuất hiện của con
người. Các khám phá này càng mời gọi chúng ta hãy cảm phục sự cao cả của Đấng
Sáng Tạo, và hãy cảm tạ Ngài vì các công trình của Ngài và vì trí thông minh và
sự khôn ngoan Ngài đã ban cho các nhà bác học và các nhà nghiên cứu. Các vị này
có thể cùng với Salomôn phát biểu rằng: ‘Chính Ngài đã ban cho tôi trí thức
đích thực về sự vật, đã cho tôi hiểu biết cơ cấu của vũ trụ và những đặc tính
của các nguyên tố (…), bởi vì chính sự khôn ngoan người thợ tạo thành mọi sự, đã
giáo huấn tôi’ (Kn 7:17-21)”
(GLCG 283).
Giáo
Hội không nhận một giả thuyết khoa học nào là của mình nhưng Giáo Hội cũng
không cấm cản các nhà nghiên cứu khoa học tìm tòi khám phá. Những kết luận nào
trái nghịch với đức tin thì Giáo Hội lên tiếng hướng dẫn các thành viên của
mình vì bảo vệ kho tàng đức tin là trọng trách chính yếu của Giáo Hội. Đức
Thánh Cha Piô XII đã viết: "Huấn Quyền của Giáo Hội không cấm, trong sự
hòa điệu với hiện trạng của các khoa học và thần học, nghiên cứu và thảo luận, về
phần những người có kinh nghiệm về cả hai lãnh vực, liên quan đến thuyết tiến
hóa, trong phạm vi nghiên cứu về nguồn gốc thân xác con người như là phát xuất
từ chất thể sống động có trước nó – vì đức tin Công giáo bắt buộc ta phải nắm
giữ rằng linh hồn được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên…” (Thông điệp Humani Generis, n. 36).
Thực ra về tiến hóa, có nhiều thuyết khác nhau và
đương nhiên loại trừ nhau và chưa có đủ những bằng chứng để kiểm chứng những
giả thuyết ấy một cách thỏa đáng. Chúng ta nên lắng nghe những giáo huấn của
Giáo Hội trong những vấn đề liên quan đến đức tin của ta. Đức Thánh Cha
Benedictô XVI nói với chúng ta: “Chúng ta không phải là sản phẩm của một
cuộc tiến hóa tình cờ, vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là một kết quả của một ý
tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng được Thiên Chúa muốn, mỗi người chúng ta
được Thiên Chúa yêu thương, và mỗi người chúng ta là cần thiết.”
KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA
THÌ CŨNG CHẲNG CÓ GÌ CẢ
Lm Nguyễn Hữu Thy
Trên nguyên tắc, thì thuyết
tiến hóa của vạn vật không hề đi ngược lại đức tin Kitô giáo cho rằng Thiên Chúa đã sáng tạo nên
trời đất và vạn vật; hay nói cách khác và vắn tắt hơn, đức tin Kitô giáo không phủ nhận thuyết
tiến hóa.
Nhưng nếu sự
tương quan giữa thuyết tiến hóa và đức tin về sự sáng tạo vũ trụ không có được
một sự nhận thức rõ ràng,
thực tiễn và đúng đắn, thì
các cuộc tranh cãi về sự sáng tạo vũ trụ và sự tiến hóa, về cứu cánh tính
(téléologie) và sự ngẫu nhiên, ở trong thiên nhiên, ở trong xã hội và trong
Giáo Hội sẽ không bao giờ hết sôi nổi.
Trong một cuộc phỏng vấn thăm dò dư
luận của viện Gallup-Institut, thì có tới 50% người dân Hoa Kỳ không tin rằng
sự sống con người được bắt đầu từ trạng thái những tế bào đơn thuần và rồi phát
triển liên tục trong thời gian mà thành. Theo cuộc phỏng vấn thăm dò dư luận
của Forsa thì chỉ có 1/3 dân chúng tin có như vậy.
Ngay ở Vatican, vấn đề này cũng rất được
quan tâm theo dõi. Vào tháng 9.2006 tại Castel Gandolfo,
sau cuộc họp mặt và hội thảo giữa Đức Bênêđíctô XVI và các học trò cũ của ngài,
người ta đã cho xuất bản một tài liệu nghiên cứu tựa đề là «Công trình tạo dựng và sự tiến
hóa». Thực ra những gợi ý cho đề tài của cuộc gặp gỡ họp mặt các học trò cũ
như trên, là phát xuất từ Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục Wien/Áo
quốc.
Chính ĐHY Schönborn, trong một bài báo với tựa đề là «Finding Design in Nature» đăng trên tờ Báo «New York Times» năm
2005, đã đưa ra một quan điểm về thuyết tiến hóa như sau: «Sự tiến hóa theo nghĩa một sự xuất
phát chung (của tất cả mọi sinh vật) có thể là một điều đúng, nhưng đó không
phải là sự tiến hóa theo nghĩa của phái Tân Đác-vin, tức một sự diễn tiến tự
nhiên và đột biến của một sự thay đổi tình cờ và của một sự đào thải tự nhiên.
Một hệ thống tư duy phủ nhận hay tìm cách tránh giải thích một sự hoàn toàn
hiển nhiên trong sinh vật học, thì chỉ là một học thuyết, chứ không phải là
khoa học.»
Sự phát biểu của ĐHY Schönborn đã gây
nên một sự chú ý rộng lớn trong giới khoa học trên khắp thế giới: Cách diễn tả
quá dè dặt cho rằng thuyết tiến hóa có thể đúng, cũng như sự sử dụng ý niệm
tiếng Anh «design» - mà trong tiếng Việt có nghĩa là kế hoạch hay chủ đích –
làm cho người ta có cảm tưởng rằng ĐHY Schönborn tìm kiếm sự tương quan đồng
thuận giữa Giáo Hội Công Giáo và cái mà người ta gọi là «kế hoạch chuyển động thông minh»,
một hình thức của trào lưu ôn hòa của thuyết sáng tạo. Nếu sau phản ứng về bài
báo, mà Đức Hồng Y rút lại quan điểm của mình về thuyết sáng tạo, về thuyết
tiến hóa và về ý tưởng học của chủ thuyết tiến hóa, thì theo ông Albert
Käuflein, giám đốc trung tâm đào tạo Roncalli ở Krarlsruhe: «Đức Hồng Y lại tạo ra sự
bất đồng mới giữa Giáo Hội với những thành quả theo nhãn quan khoa học về
thuyết tiến hóa». Trong bài thuyết trình về chủ đề «Sự tiến hóa, Design thông minh, và
Tư tưởng về sáng tạo» tại
trung tâm đào tạo này của Giáo phận Freiburg, Dr. Helmut Hoping, giáo sư về Tín
Lý, đã đưa ra những suy tư dựa theo tài liệu cuộc họp mặt của các học trò cũ
Josef Ratzinger «Công trình
sáng tạo và sự tiến hóa». Dựa theo Thông điệp «Humani Generis» của Đức Giáo Hoàng Piô XII, giáo sư
Hoping đã nhấn mạnh: «bao lâu
người ta không phủ nhận linh hồn thiêng liêng đã được chính Thiên Chúa trực
tiếp dựng nên, thì thuyết tiến hóa và công trình sáng tạo không hề có sự mâu
thuẫn lẫn nhau.»
Theo giáo sư Hoping, thì những lý
thuyết tân thời ngày nay về nguồn gốc vũ trụ và về sự tiến hóa của sự sống, bác
bỏ việc cho rằng công trình sáng tạo của Thiên Chúa được thu gọn lại chỉ còn là
một sự kiện đã xảy ra độc nhất vô nhị lúc khởi đầu. Để có thể hiểu được lịch sử
của vũ trụ và sự tiến hóa phức tạp của sự sống, thì cần phải suy tư về công
trình sáng tạo của Thiên Chúa như là bản chất đích thực của một sự sáng tạo từ
hư không và của một sự sáng tạo liên tục theo diễn tiến thời gian, nghĩa là «creatio ex nihilo» và «creatio
continua».
Những phân biệt rõ ràng xác thực của
giáo sư Hoping đã nói lên nội dung các tư tưởng của ông, đó là các khoa học tự
nhiên tân thời khảo sát nguồn gốc vũ trụ cũng như sự tiến hóa của sự sống luôn
luôn đưa ra những cấu trúc phức tạp, hoàn toàn thuộc về phương diện vật thể.
Tất cả mọi sự tiến triển đều đặt cơ sở trên một nguyên nhân tác động tự nhiên;
Những nguyên nhân cuối cùng và những nguyên nhân mục đích theo như nền triết
học tự nhiên thời thượng cổ và thời trung cổ nhận thức, thì hoàn toàn xa lạ đối
với các khoa học tự nhiên tân thời. Sau cùng, trong thuyết tiến hóa khoa học
không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa và thu gọn toàn bộ thực tại vào vật chất, biến
đổi thực tại thành một thuyết tiến hóa và được coi như ý tưởng học của chủ
thuyết tiến hóa. Chính thuyết sáng tạo cũng là một học thuyết, bởi vì nó được
dựa trên sự trình bày của Sách Sáng Thế về sự sáng tạo.
Còn Giáo Hội ngay từ ban đầu đã có lập trường ngược lại cả hai quan điểm quá
khích trên. Năm 1996, trong sứ điệp của ngài với tựa đề «Hình ảnh con người theo Kitô giáo
và những thuyết tiến hóa tân thời», gửi Hàn lâm viện khoa học phủ Giáo
Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng sự giải thích của khoa học tự
nhiên về sự tiến hóa mang nhiều giá trị, chứ không chỉ là một giả thiết mà
thôi. Theo Đức Giáo Hoàng, thì sự giải thích đó là một «lý thuyết» khoa học tự
nhiên, nghĩa là một sự giải thích thực nghiệm khả kiểm chứng, một sự giải thích
mang nhiều giá trị chứ không chỉ là sự giả thiết hay chỉ là lý thuyết suông và
luôn cần đến một sự kiểm chứng khoa học. Như thế Đức Gioan Phaolô II cùng đồng
quan điểm với Đức Piô XII về thuyết tiến hóa như một giả thiết khoa học có thể
công nhận và đồng thuận với những nhận thức của các khoa học tự nhiên tân thời.
Vào giữa thế kỷ XX, chính các khoa học tự nhiên tân thời đã thành công trong
việc đồng hóa được chất DNA (Desoxyribonucleinacid) của con người trong những
yếu tố cấu trúc di truyền và phân tử của chúng. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II
hoàn toàn phủ nhận những chủ trương của thuyết tiến hóa coi tinh thần «chỉ là một hiện tượng phụ» của vật chất, vì những chủ trương đó
không đặt cơ sở trên việc tôn trọng phẩm giá con người.
Khi dựa theo tài liệu cuộc hội thảo ở
Castel Gandolfo, giáo sư Hoping cũng đã đề cao điểm đó, ông viết: «Cám ơn Chúa là ngoài các hiện
tượng vật chất ra còn có những hiện tượng khác nữa, như cảm giác, sự hiểu biết,
sự ý thức, sự tự do và và các công trình có tính cách sáng tạo như văn chương,
thơ nhạc, nghệ thuật và tiếp đến là tôn giáo.» Nếu các khoa học tự nhiên cũng định
nghĩa những sự kiện đó như là những giả thiết của sự phát triển vật chất, thì
các khoa học đó đã không đưa ra được sự giải thích. Về điểm này thì sự khảo cứu
về não bộ con người trong cuộc thảo luận «Mind-Brain» cũng bị rơi vào ngõ bí,
nếu như cuộc thảo luận muốn tìm cách giải thích sự diễn tiến sinh-hóa học trong
não bộ mà lại loại bỏ hiện tượng tinh thần. Sau cùng, ở các đại học cũng có những
loại khoa học khác nhau phù hợp với sự phân biệt đó, tức những khoa học quan
tâm đến những tương quan khác nhau với thực tại, đó là: «khoa học», «nghệ
thuật», nghĩa là những khoa học tự nhiên và những khoa học tinh thần, mà vì
những khoa học đó, vấn đề ở đây là đòi hỏi một sự giải thích có tính cách khoa
học về phương diện vật chất của con người, đồng thời liên quan đến ý nghĩa của
con người trong toàn thể và trong phẩm giá của nó.
Qua đó chúng ta thấy rằng công trình
sáng tạo «không phải là thành
quả do chúng ta khám pha được khi nghiên cứu về lịch sử vũ trụ. Cụm từ ‘Công
trình sáng tạo’ được dùng để đề cập tới sự tương quan của những diễn biến trong
công việc hình thành vũ trụ với nguyên ủy ngoại tại bên ngoài vũ trụ của nó,
với ý định của Thiên Chúa», đúng lời xác nhận của giáo sư Hoping.
Vì thế, là một điều hữu lý khi suy tư
và nhận định rằng công trình sáng tạo của Thiên Chúa là một tác động từ hư
không, tức«creation ex nihilo», và vẫn tiếp tục trong thời gian, tức «creatio continua», và chính
đây là điểm mà lý trí con người cần phải nại tới để lý giải vấn nạn lưỡng diện
của thuyết tiến hóa đến, tức : Một đàng, tại sao và làm thế nào để lý luận và
cho rằng sự hình thành một vũ trụ đầy phức tạp, nhưng lại hoàn toàn tuyệt diệu,
hoà điệu như thế, lại là một sự kiện tự nhiên, đột biến, chứ không do một quyền
lực ngoại tại nào khác như là tác nhân. Đàng khác, tại sao và làm thế nào để
cắt nghĩa được hiện tượng luôn luôn có sự nẩy sinh tình cảm tính, sự dụng ý và
sự ý thức hay sự tự tín từ diễn tiến thuần tuý vật chất mới, như là thành quả
đột biến của sự biến dịch và sự đào thải tự nhiên.
Nói tóm lại, trong công trình sáng tạo
vũ trụ của Thiên Chúa gồm có hai giai đoạn «creatio
ex nihilo» và «creatio continua»; nói cách
khác, vũ trụ vật chất và vạn vật đã được hình thành bởi một quyền lực ngoại tại
như là tác nhân chính, tức Thiên Chúa, và sự hình thành đó vẫn diễn tiến mãi
trong thời gian. Do đó, nếu thuyết tiến hóa được hiểu như «creatio continua», thì chẳng
nhưng không đi ngược lại, nhưng hoàn toàn phù hợp với đức tin Kitô giáo về sự
sáng tạo vũ trụ. Ví dụ: Giáo Hội không hề phủ nhận giả thiết cho rằng con người
phát xuất từ loài khỉ. Nhưng Giáo Hội chỉ khẳng định rằng một khi con khỉ đã
trở thành người, thì nó không còn là con khỉ nữa, bởi vì con khỉ chỉ là một
sinh vật thuần tuý vật chất, trong khi con người ngoài yếu tố vật chất, còn có
linh hồn thiêng liêng và bất tử. Chính nhờ đặc điểm này con người được gọi là «hình ảnh của Thiên Chúa».
Như thế, điều hiển nhiên là công trình
sáng tạo - dù là «creatio ex
nihilo» hay «creation continua» - đều nằm trong lịch trình sáng tạo vũ
trụ của Thiên Chúa; nói cách khác, không có Thiên Chúa, thì cũng chẳng có gì
cả.
Peter
(Tổng hợp)
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.