Hôn nhân bên lương
có giá trị trước mặt Thiên Chúa không?
Tối thứ Tư, ngày 19/2 vừa qua, trong buổi học Giáo lý Hôn nhân đầu tiên, bài 1: “Hôn nhân Công giáo”, người Phụ trách lớp đã đặt một câu hỏi : Hôn nhân của người lương (tự nhiên) có giá trị trước mặt Thiên Chúa không? 19/20 học viên mạnh dạn trả lời: “không”. Một học viên không có ý kiến.
Vậy theo bạn ?
Hôn nhân là một định chế của xã hội loài người. Xã hội loài người là một xã hội có tổ chức. Cho nên Hôn nhân cũng phải có tính pháp lý.
Nhưng Hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của Hôn nhân: Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Sách Sáng thế kể lại rằng ngày thứ sáu, sau khi đã tạo dựng nên trời đất, cây cối và muôn loài muôn vật,Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh mình. Thiên Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất” (St 1,26-28).
Ngoài ra, sách Sáng thế còn nói một cách cụ thể hơn về việc kết hiệp vợ chồng: “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”.
Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể. (St 2,7.18.21-24)
Cả hai câu chuyện trên đều cho thấy hôn nhân đã xuất hiện ngay từ khởi đầu công trình sáng tạo và do ý muốn của Ngài. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc, hoặc chỉ là nam, hoặc chỉ là nữ, nhưng đã dựng nên con người có nam, có nữ và đã tác hợp họ nên vợ chồng, thành “một xương một thịt”. Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họ có nam có nữ. (Trích “Giáo Lý Hôn Nhân - Ủy Ban Giáo Lý HDGMVN”)
Sách Sáng thế đâu phân biệt người lương, người đạo? Mà chỉ nói Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ và đã tác hợp họ nên vợ chồng, thành “một xương một thịt”. Vậy khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ trở thành vợ chồng theo luật tự nhiên. Hôn nhân của họ là một khế ước, có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho họ những ơn tự nhiên để họ chu toàn nghĩa vụ vợ chồng, bổn phận làm cha làm mẹ, sinh sản và nuôi dạy con cái.
Khi kết hôn, đôi nam nữ (bên lương) phải đến Chính quyền làm thủ tục kết hôn và được cấp “Giấy chứng nhận” thì đó chính là Hôn ước. Hoặc khi cử hành Hôn lễ tại gia, có sự hiện diện của hai tộc, đôi hôn phối trao nhẫn, đeo bông tai,…dù chẳng nói lời nào nhưng đó cũng chính là Giao ước. Riêng Hôn nhân Công giáo, cử hành Nghi thức Hôn phối có lời Giao ước khi cầm tay và có chiếc nhẫn làm bằng chứng rõ ràng, công khai hơn?
Vậy Hôn nhân tự nhiên và Hôn nhân Công giáo có gì khác đâu ? Khác chứ, dù có giá trị trước Thiên Chúa, song Hôn nhân tự nhiên (bên lương) không phải là một Bí tích. Còn Hôn nhân Công giáo : “Hôn nhân Kitô giáo trở thành dấu chỉ giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội là một bí tích thực sự của Giao ước Mới, vì nó biểu thị giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh, và thông ban ân sủng cho họ”.
Nếu cả hai vợ chồng người lương theo Đạo, học có buộc phải làm Phép giao không? Thưa không. Do Hôn nhân của họ có giá trị trước mặt Thiên Chúa rồi mà, nên khi họ lãnh nhận Bí tích Rửa tội thì Hôn nhân của họ trở nên Bí tích. Bởi vì họ đã “Giao ước” với nhau trước khi trở thành người Kitô hữu. Giao ước đó không thay đổi trước và sau khi được “Rửa tội”.
Trường hợp một trong hai người đã được Rửa tội nhưng kết hôn theo luật đời, khi người không Công giáo theo Đạo thì buộc phải làm “Phép giao” vì sự kết hôn của họ trái luật Hội Thánh. Cuộc sống Hôn nhân trước đây của họ là tội lỗi!
Trong vườn Địa đàng, khi tạo dựng một người nam và một người nữ đầu tiên, Thiên Chúa đã thiết lập khế ước Hôn nhân. Chúa Giêsu đã nâng hôn ước đó lên hàng Bí tích. Vợ chồng người lương khi cả hai lãnh nhận Bí tích Rửa tội, trở nên con cái Chúa, con cái của Hội Thánh, thì hôn nhân của họ là một Bí tích.
Pet TB (trả lời theo yêu cầu của bạn T)
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.