NGÀY ĐẦU TIÊN
TÔI ĐẾN TRƯỜNG DẠY HỌC
Sáng mai hôm ấy (7/9/1978), bầu trời
khá trong xanh sau một trận mưa rào suốt đêm, lòng tôi nao nao khác lạ, một cảm
giác vừa phấn kích vừa lo sợ xâm chiếm tâm hồn tôi: “Ngày đầu tiên tôi đến
trường dạy học”.
Chiếc ba lô căng phồng với đủ mọi
thứ: mùng, mền, gối, võng, sách vở, tư trang, vài kilôgam cá trích khô, một
chai nước mắm, một bịch muối, một cục xà bông,… không quên một lọ thuốc Ký ninh
và một lít rượu đế. Tôi đã chuẩn bị sẵn chờ anh em tới là lên đường. Thầy
Nguyễn Văn Thành - Hiệu trưởng cùng với 4 Thầy: Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Đức
Nhuận, Trần Văn Dũng và tân binh Trần Bảng, khoác ba lô với phương tiện “đi bộ”
tiến thẳng về rừng xanh thăm thẳm để đến một ngôi trường heo hút nhất của huyện
Hàm Thuận: Mỹ Thạnh.
Chúng tôi khởi hành từ Mương Mán tầm
khoảng 8 giờ, đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ thì ra khỏi đất Hàm Thạnh. Dừng
chân bên bờ suối nghỉ ngơi. Không gian im ắng đến rờn rợn, chỉ nghe tiếng chim
hót và tiếng vượn hú. Thầy Thành luôn đi hoặc ngồi cạnh tôi để động viên: Cảnh
vật vui không? Chúng ta tiến sâu vào rừng sẽ còn được thưởng thức nhiều thú vị
hơn nữa! Thú thật, tiếng suối reo róc rách, tiếng chim hót, cảnh vật là lạ làm
cho tôi cũng thấy thích thích, nhưng bắt đầu lo lo vì thấy những con muỗi vằn
vo ve bay tới! Nhờ có thầy Nhuận tếu táo nên không gian bớt buồn tẻ.
Sau
nửa tiếng nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục “hành quân”. Thầy Thành cất lên bài
hát “Hành khúc người Giáo viên miền cao” do thầy sáng tác cũng thấy vui vui, có
chút nhuệ khí để lên đường! Tôi còn nhớ mang máng:
“Trăng đêm
chưa tan vượt đồi núi, vượt rừng suối ta lên đường. Bao nhiêu năm qua, đàn em
nhỏ đời chìm trong màn u tối, giờ có chúng tôi, người chiến sĩ sẵn sàng!”
Đường
mòn bắt đầu thu hẹp dần …, chúng tôi có thể nói là len lỏi đi giữa rừng cỏ cao
lút đầu, hai tay phải gạt cỏ ra mới bước tới được. Tiến lên hơn nửa tiếng đồng
hồ nữa thì bắt gặp các rẫy lúa, mì, bắp … của đồng bào Dân tộc Hàm Cần (thôn 1).
Rẫy nương ở đây, đặc biệt vẫn còn trơ những gốc cây to, nhỏ đen sì, không thể
cày bừa được, nó khác với nương rẫy của người Kinh. Chúng tôi thấy từng bầy
khỉ, tay nắm những trái bắp chạy trốn lên cây, tiếng gọi nhau chí chóe. Tiến
sâu hơn nữa, bắt đầu xuất hiện những người dân nơi đây đi ngược chiều với chúng
tôi. Đàn ông, vai vác xà gạc, mình trần chỉ độc một cái khố ; đàn bà, các cô gái
mang gùi, cũng có những bà cao tuổi không vận áo. Thầy Thành gặp ai cũng chào
hỏi bằng tiếng của họ, họ niềm nở hỏi: “Nao ta học nhở ?” (đi dạy học hả). Kể
ra thì thầy Thành cũng có năng khiếu về “ngoại ngữ” nên chỉ có một mình thầy là
nói và nghe được tiếng bản địa.
Chúng tôi văng vẳng nghe tiếng đùa
nghịch của trẻ con cũng như tiếng thanh niên nam nữ đang tụ quần đâu đó. Các
thầy cũ báo cho tôi biết sắp sửa được “chiêm ngắm” các sơn nữ “tắm tiên”. Quả
đúng thế, con đường dẫn chúng tôi đến một con suối rộng, nước trong xanh, từng
tốp trai gái đang ngụp lặn trong suối. Thanh thiếu niên nam tắm phía trên,
thanh thiếu niên nữ tắm phía dưới, con đường băng suối ngăn thành hai khu vực.
Các bé nữ có vẻ vô tư “lộ trần”, các cô gái thì e ấp chụm vào nhau để lộ các
lưng trần. Đó là “cảnh tượng” vui mắt đầu tiên tôi được ngắm. một vài cô mạnh
dạn hỏi thầy Thành: “ Ha hô xà bông thơm nhở” (thầy có xà bông thơm nhỉ). Thầy
Thành đành phải để cục Ca-May trên tảng đá cho mấy cô lên lấy. Mấy thầy cũng
tranh thủ xuống tắm phía trên nhập với tốp thanh niên nam. Sau một lúc các cô
thích chí với xà bông thơm thì khi đem trả nó mỏng lép mất rồi! … Chúng tôi
cùng với đám trai khoác ba lô tiến vào làng.
Chúng tôi nghỉ trưa tại trường Hàm
Cần, thầy Đoàn Tào - Hiệu trưởng chiêu đãi cơm trưa, anh em ở xuôi lên sẵn có
rượu, bữa cơm tuy giản đơn nhưng vui.
Tầm hơn một giờ chiều, chúng tôi tranh
thủ xuất phát tiến lên vùng cao Mỹ Thạnh. Tôi vội hỏi thầy Tào: Mỹ Thạnh còn xa
nữa không thầy? Thầy Tào đáp: “Còn khoảng 4 xà gạc nữa”! Tôi đoán, chắc chừng
vài tiếng nữa là đến nơi. Đoàn giáo viên Mỹ Thạnh vượt suối rời Hàm Cần, chúng
tôi lại tiếp tục len lỏi trong cỏ để đến trường. Gần một tiếng đồng hồ, chúng
tôi dừng chân dưới đèo Quan Hân.
Bắt đầu một đoạn đường ác liệt: vượt đèo! Người
khòm xuống, ba lô ngày càng nặng trĩu, đôi chân mò mẫm tìm chỗ bằng để đặt bàn
chân. Mồ hôi ra nhễ nhại, không còn hơi đâu nữa mà nói, cười. Không gian lặng
như tờ, không phải vì thiếu tiếng chim hót, nhưng hơi cũng thoát ra lỗ tai nên đôi
tai hình như bị điếc. Dừng lại nghỉ, rồi lại đi, cũng phải mất cả tiếng đồng hồ
chúng tôi mới đến được đỉnh đèo. Cả nhóm nằm dài trên những tảng đá to, bịt mũi
thở mạnh cho không khí thoát ra khỏi lỗ tai và bây giờ chúng tôi mới nghe rõ
tiếng của nhau, của muông chim.
Có hơn nửa giờ nghỉ ngơi để hồi phục
sức khỏe, chúng tôi lại khoác ba lô xuống đèo. Đường xuống đèo thoai thoải dễ
đi hơn, nhưng chỉ đi hàng một, không được đi trật ra khỏi đường mòn. “Coi chừng
vướng chông”! Tiếng thầy Tiến nhắc nhở. Thì ra hai bên đường toàn là chông tre
tua tủa lẫn trong cỏ chực chờ…. Chúng tôi bỗng dừng lại nghe ngóng, hình như
vừa có một đàn voi vừa mới đi qua đây, cây cối nghiêng ngả tạo thành một lối đi
băng qua đường mòn. Dấu chân voi in đậm, to như cột đình làm chúng tôi dựng tóc
gáy, khiếp vía!
Xuống khỏi đèo, chúng tôi bắt gặp
những hố bom, đường kính có tới hơn chục mét. Thì ra nơi đây, trước năm 75 là
“mật khu” Cách Mạng, cho nên toàn là chông hai bên đường.
Bầu trời bỗng đen nghịt, chúng tôi
sắp được tắm mưa… Kể ra đi bộ băng rừng dưới cơn mưa tầm tã cũng có cái thú vị:
không nóng nực, không ra mồ hôi, ngắm cảnh mưa rừng cũng hay hay.
Chúng tôi bắt đầu tiến vào làng thì
cơn mưa cũng nhẹ hạt. Các em thiếu nhi đang tắm mưa chạy tới đón quý thầy,
tiếng reo hò, phấn khởi rôm rả cả làng: “Thầy lên rồi”! Tôi, thầy mới được
chiếu cố hơn cả, bọn trẻ con nhìn đau đáu, lạ lẫm. Đoàn trẻ con trần truồng đi
trước, năm ông thầy đi sau. Hai bên đường, trong những nhà ngang (không vách
che) từng tốp các cô gái đang giã gạo: cắc bụm cắc, với cái chầy dài có đến
trên 3m. Tôi tưởng tượng giống như đoàn quân thắng trận trở về được chào đón
nồng nhiệt!
Nhà tập thể của quý thầy và ba phòng
học được lợp bằng tôn, đó là điều thắc mắc đầu tiên khi tôi bước vào sân
trường. Nhà của quý thầy trống trơ, một cái sạp tre dài, một cái bàn được ghép
bởi hai mặt bàn học sinh, chân bằng tre. Sát vách có ba hòn đá to chụm vào
nhau, đó chính là “bếp ăn tập thể”. Thả ba lô xuống, tôi chạy vội ra tham quan
các lớp học. Mái tôn cũ, vách tre đan, bảng gỗ hẳn hoi, bàn học sinh cũng giống
như bàn ở đồng bằng, nhưng có cái khác là chân bàn bằng tre, ghế cũng bằng tre.
Ba tháng hè, chim cũng tranh thủ làm tổ trên mái, trên vách, cả trên bảng lớp.
Thầy Nhuận và thầy Dũng cầm cái nồi
đen thui đưa cho bọn trẻ đi xin gạo và dặn: “Sa sang sa lon” (một nhà một lon).
Bọn trẻ hồ hởi chạy thoáng mất… Một lúc sau, bọn chúng đem về một cái nồi đầy
gạo, những đứa còn lại vác theo củi, mấy cô thiếu nữ cũng mang gùi kéo đến
trường để đi lấy nước suối cho quý thầy. Nước được đựng bằng những trái bầu
khô, lấy lá cây làm “nắp đậy”. Các cô chuẩn bị bữa cơm chiều muộn đón quý thầy.
Bếp củi đỏ rực, thầy Thành lấy toàn bộ cá khô của thầy mang lên (có độ cả trăm
con) đưa cho mấy cô nướng. Tôi trố mắt nhìn, ngạc nhiên? Thì ra đó là món quà
dưới xuôi lên dành cho học sinh, thầy nói: “Sa rây, sa a-can” (mỗi đứa một con
cá khô). Mùi cá khô nướng thơm phức, bọn trẻ con thèm, nuốt nước miếng ừng ực!
Một lúc sau, bốn năm vị của chính
quyền tới mang theo: một ché rượu cần, một đùi heo rừng đã luộc, một chú gà
trống, chén đũa … để chiêu đãi quý thầy. Tay
bắt, mặt mừng, họ nhìn tôi và nói với mấy thầy cũ bằng tiếng Rai nên tôi chẳng
hiểu gì cả!
Cụ
thể họ hỏi:
-Nhu hô ơ tíu bơ dzơ ? – Nó có vợ
chưa?
-Nhu hau Ka mây tọ ny nhở? – Nó có
thích con gái ở đây không?
-Nhu nhum tà pai dưng mẻ? –Nó uống
rượu cần được không? ….
Sau khi phân phát cá khô cho bọn trẻ
- sa rây sa a-can, chúng chạy ù về nhà để ăn cơm tối, bữa “tiệc” được bày biện thịnh soạn: nào cá trích khô, đùi
heo, gà luộc để nguyên, muối ớt, ché rượu cần, hai bi đông rượu gạo, rau tàu
bay… Chú Hai Rinh, Chủ tịch xã khai mạc tiệc bằng một câu tiếng Rai (giống như
đọc thần chú), rồi xé ra cái mỏ gà quẳng lên mái nhà. Tiếp tục đọc một câu nữa,
rồi lấy chén rượu ra sân tạt rượu lên trời. Đó là phong tục “Ngao Giàng”-cúng
trời của đồng bào nơi đây. Bữa tiệc vừa “đơm Rai vừa đơm Kinh” nên tôi như
người khách lạ! Mấy vị khách và mấy cô đầu bếp chỉ toàn ăn cá khô nhường đùi
heo và gà luộc cho quý thầy. Ở vùng cao (những năm 70), người dân nơi đây “thèm
thuồng” cá khô đến kỳ lạ! Họ không bỏ sót một tý gì: đầu, đuôi, mang, vi, vảy,
xương, ngoại trừ ruột… nhưng họ lại ngán thịt!
Hai bi đông rượu đã cạn, riêng ché
rượu cần thì cứ chêm nước suối vào nên vẫn cứ đầy, gà chỉ còn xương, đùi heo để
dành cho bữa hôm sau, bữa tiệc đầu đời của tôi tại vùng cao cũng đi đến hồi kết,
khách và chủ “ân ngai”-cám ơn! Đồng hồ chỉ đúng con số 12. Trước khi đi ngủ,
mỗi thầy không quên uống 2 viên thuốc phòng sốt rét!
…………….
Một ngày đáng ghi nhớ nhất trong
cuộc đời nhà giáo của tôi: gian truân, cực khổ nhưng đầy ắp tình đồng chí, tình
người, tình thầy trò... Tôi và quý thầy đã đóng góp một chút nho nhỏ trong sự
nghiệp Giáo dục của Huyện nhà, đặc biệt là ở vùng cao Mỹ Thạnh. Tôi không thể
nào quên được ngày hôm ấy: “Ngày đầu tiên tôi đến trường dạy học”!
Pet Trần Bảng
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.