Chúa
Nhật 24 Thường Niên A - Ngày 14/9:
Lễ Suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu
T5, 11/09/2014 -
09:44
Ga
3,13-17
“Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)
A. LỊCH SỬ
Chúng ta hết
thảy đều biết, hôm Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá, chỉ có mấy bạn hữu nghĩa
thiết của Người đứng gần. Họ là những người yếu đuối nghèo khó. Chẳng ai biết
phải làm gì! May có các ông Giuse và Nicôđêmô đi xin Philatô cho phép hạ xác
Chúa xuống và đem an táng trong huyệt. Còn thập giá của Người thì chẳng ai để ý đến.
Sau ngày
Phục sinh, các môn đệ cũng bận bịu với việc Chúa
sống lại. Mừng quá cho nên các ngài cũng chẳng ai còn để ý tới cây Thánh Giá
của Chúa Giêsu.
Rồi sau đó với ơn trợ giúp của Thánh
Thần, họ bắt đầu đi rao giảng ở mọi nơi. Điều mà người ta quan tâm đến nhất
trong thời kỳ này là xây dựng các giáo đoàn và lo nhớ lại giáo huấn cũng như
cuộc đời của Chúa Giêsu còn những di vật và kỷ niệm vật chất của Ngài, thì
không ai để ý.
Mãi cho đến khi có nhiều người ở xa Đất
Thánh đã tòng giáo và muốn hành hương đến những nơi Chúa đã sinh sống, thì lúc
đó việc thu lượm những di vật kỷ niệm về Chúa mới trở thành một cuộc săn tìm.
Chính trong hoàn cảnh này mà người ta đã đi tìm cây Thập Giá mà Chúa đã vác và
đã nằm trên đó khi bị đóng đinh.
Và ngay lập tức hình cụ ấy đã trở thành
vật Thánh; thập giá trở thành Thánh Giá, và người ta suy tôn kính mến.
Lễ hôm nay muốn nhắc lại kỷ niệm này.
Hội Thánh thúc giục con cái đến với Thánh Giá, bắt chước các tín hữu khi mới
tìm lại được cây gỗ trên đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh, để khám phá lại những
giá trị quí giá cao cả của cây Thánh giá.
B. BÀI HỌC
1. Có thể nói bài học đẹp nhất mà cây
Thánh Giá dạy cho chúng ta đó là bài học vềlòng yêu thương.
Thường thì khi muốn biết được một ai đó
là người như thế nào thì người ta có thể căn cứ vào những lời nói cuối cùng của
người đó ma đánh giá. Bởi vì trước khi chết, thường thì người ta chỉ nói những
gì mình tha thiết nhất, chỉ nói những lời xuất phát từ tận đáy lòng. Nếu đúng
như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu những lời cuối cùng của Đức Giêsu trước lúc tắt
hơi trên Thập Giá, chúng ta sẽ hiểu rõ con người của Đức Giêsu hơn.
Triết gia Sénèque nói về tâm lý của
những người bị xử tử như sau: thường là họ chửi rủa: chửi rủa những kẻ đang
giết mình, chửi rủa những kẻ đứng xem, có người còn nguyền rủa thân phận xấu số
của mình, nguyền rủa ngày mình sinh ra, nguyền rủa chính người mẹ đã sinh ra
mình. Bởi thế, như văn hào Cicéron cho biết thêm, trong những cuộc xử tử ở đế
quốc Rôma, khi thấy tên tử tội nào hung dữ, người ta thường cắt lưỡi hắn trước,
để khỏi phải nghe những tiếng chửi rủa. Và trong cuộc xử tử chiều thứ sáu tuần
thánh ấy, chúng ta cũng đã thấy có một tên trộm bị đóng đinh chung với Đức
Giêsu chửi rủa lung tung, chửi cả Đức Giêsu là người chẳng thù oán gì với hắn.
Chiều hôm đó, có lẽ mọi người cũng đang
chờ nghe những lời chửi rủa của Đức Giêsu: những tên lý hình chờ, vì họ là
những người đang trực tiếp hành hình Ngài. Các tư tế và biệt phái chờ, vì họ là
những kẻ đầu xỏ vận động kết án xử tử Ngài. Dân chúng đứng phía dưới thập giá
chờ vì họ đoán rằng Ngài rất tức giận họ bởi họ đã từng chịu ơn rất nhiều của
Ngài mà bây giờ quay ra chống lại Ngài. Tất cả mọi người đều chờ, họ sẵn sàng
nghe chửi rủa. Họ tin. Chắc rằng cái tên Giêsu ấy, cái người đã từng rao giảng rằng:
Hãy thương yêu kẻ thù... Hãy làm ơn cho kẻ ghen ghét mình” giờ đây sắp nổi
khùng, sẽ quên hết những giáo huấn Tin Mừng kia mà thay vào đó bằng những lời
chửi rủa thậm tệ.
Thế nhưng khi
Đức Giêsu lên tiếng, thì ai nấy đều ngạc nhiên sửng sờ. Không phải những lời
chửi rủa, mà là những câu dịu dàng yêu thương. Câu thứ nhất: “Lạy
Cha, xin Cha tha cho họ (Lc 23,34); câu thứ hai “Tôi
hứa thật với anh, ngay hôm nay anh sẽ được lên nơi vui vẻ cùng tôi”(Lc 23,43);
và câu nói thứ ba: “Thưa Bà này là con Bà”(Ga 19,26).
Ngoài giọng điệu dịu dàng và nội dung
chan chứa lời yêu thương, thì khôg có gì hết.
Tình thương đó
dành cho ai? Trước hết là cho kẻ thù, kế đến cho người tội lỗi, vàthứ ba là cho kẻ thánh thiện. Con người là đức
Giêsu là như thế.
2. Bài học thứ hai.
Sự chiến thắng
của cây Thập Giá.
Năm 1825 một
trận bão lớn đã xảy ra tại thành phố Macao, nhà thờ Chánh tòa nguy nga nhìn
xuống hải cảng được người Bồ Đào Nha xây cất đã bị trận bão làm đổ nát hoang
tàn. Tuy nhiên, như một phép lạ, mặt tiền của ngôi thánh đường vẫn còn nguyên
vẹn và cây Thánh Giá bằng đồng vẫn còn đứng vững. Khi ông John Browin toàn
quyền Hồng Kông đến thăm viếng cảnh tượng, ông phải sửng sốt khi nhận ra điều
đó. Tối hôm ấy, ông đã ghi lại những dòng sau đây: "Tôi được vinh dự trông thấy Thập Giá Chúa Kitô, Thập
Giá vẫn đứng vững qua mọi đỗ vỡ của thời gian. Tất cả ánh sáng của lịch sử đều
qui tụ nơi Thập Giá vinh quang".
Đã gần hai ngàn năm qua, kể từ khi lính
Rôma cưỡng bách Chúa Giêsu vác Thập giá đi xuyên qua những con đường chật hẹp ở
Giêrusalem; cũng như khi Ngài bị vấp ngã, làm họ phải cưỡng bách một người qua
đường vác đỡ Thánh Giá với Ngài, giúp Ngài tiến tới một nơi gọi là Núi sọ, thì
từ lúc đó Thập Giá đã trở thành biểu tượng của một tôn giáo có hơn một tỷ rưỡi
tín đồ: có mặt trên 220 xứ sở và lãnh thổ trên khắp mặt đất này.
Dựa theo những dữ kiện được ghi lại
trong sách Tin Mừng, Bác sĩ Wiham Eswori tại bệnh viện Midio bên Hoa kỳ đã
nghiên cứu về hình phạt Thập giá. Cuộc nghiên cứu đã cho ông thấy rằng người
Rôma không phải là người đã phát minh ra hình phạt Thập giá đầu tiên. Thật
ra tử hình Thập Giá đã được người Assiry đã dùng vào thế kỷ VII trước
Công nguyên, nhưng người Rôma đã có công hoàn thiện nó để nó trở thành một hình
thức tra tấn xử tử có sức tạo ra một cái chết chậm rãi đớn đau nhất. Thập
giá chỉ dành để xử tử những người nô lệ ngoại quốc và những người dám chống lại
đế quốc cũng như những người phạm trọng tội nơi các miền đất mà những người
Roma cai trị. Luật Rôma thường bảo vệ những người công dân của họ khỏi bị
hình phạt Thập giá.
Nạn nhân bị đóng đinh treo trên Thập
giá thường chết vì nghẹt thở. Đây hẳn phải là cách xử tử dã man nhất trong nhân
loại.
Thế nhưng, thật là kỳ diệu! Khi Chúa
Giêsu nằm trên cây Thập Giá thì Ngài đã biến Thập giá thành biểu tượng tình yêu
của Ngài đối với nhân loại.
Khi đón nhận Thập giá ấy, Chúa Giêsu
đón nhận ý của Thiên Chúa Cha để thể hiện tình yêu của Người dành cho loài
người. Chỉ có tình yêu mới có thể lý giải được ý nghĩa của sự hy sinh và hy
sinh cho đến cùng dành cho con người.
Như vậy suy tôn
Thập giá không có nghĩa là đề cao một hình phạt hay vui thỏa một cách bệnh hoạn
ở nơi những trong khổ đau Chúa phải chịu, mà chính là ca ngợi tình yêu của Đấng
đã hy sinh vì người mình yêu. Nơi Thập giá không những tình yêu của Thiên
Chúa được thể hiện một cách trọn vẹn, mà nơi Thập giá chân lý về con người còn
được tỏ bày một cách trong sáng nhất để rồi chính từ trên Thập giá mà
Chúa đã đi đến chiến thắng oai hùng nhất. “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33)
Thập giá là chân lý của chúng ta, Thập
giá là lẽ khôn ngoan của chúng ta, Thập giá là lẽ sống của chúng ta, Thập giá
là sức mạnh của chúng ta. Nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta đi trên con
đường Thập giá của Ngài. Amen.
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VIỆT NAM
(Trích từ Lịch Sử Hd Mến Thánh Giá Thủ Thiêm – 2005)
1. Dòng Mến Thánh Giá chào đời:
Ngay từ thời
cha Đắc Lộ ở Đàng Ngoài (1627-1630),
đã có nhiều thiếu nữ dâng mình cho Chúa bằng cách hứa sống tiết dục và khiết
tịnh. Năm 1640, khi Chúa Trịnh Tráng ra sắc chỉ cấm đạo, có ba cô trinh nữ xứ
Đông: Monica, Nympha và Vitta, tự nguyện lên kinh thành để tuyên xưng đức tin
và được chết vì Chúa. Sắc chỉ đã rút lại, nhưng vì có cơ hội trải qua cảm
nghiệm đau khổ khác vì đức tin: ba cô trinh nữ họp nhau, sống chung một nhà;
sau có thêm 5, 6 cô khác đến xin gia nhập, làm thành một cộng đoàn trinh nữ,
sống “đời sống các Thiên Thần” (Đỗ Quang Chính, Dòng tên trong xã hội Đại
Việt, 1998, tr. 561).
Cha Deydier đã
hướng dẫn họ trong đời sống thiêng liêng và tháng 8 -1669, cha đã giới thiệu
các nhóm trinh nữ này cho Đức Cha Lambert.
Lễ Tro
19-02-1670, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte đã chính thức nhận lời khấn của
hai chị Anê và Paula tại Phố Hiến Đàng Ngoài, đồng thời trao cho các chị bản
luật tiên khởi mà chính người đã soạn, và xác định rõ tên gọi “một tu hội đặc
biệt mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô”. Đó là ngày Khai Sinh
Dòng Tu đầu tiên trên đất Á Châu.
Năm 1671 Ngài
lại lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ – Đàng Trong, với 10 nữ tu.
Năm 1672, Đức
Cha lập Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan. Sau này, Dòng lan tỏa sang Campuchia (1772), Nhật bản (1878) và Lào (1887). Trải
qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá đã bị mai một,
nhưng lại nảy sinh nhiều Hội Dòng mới.
2. Nguồn
gốc tên gọi Mến Thánh Giá:
Năm 1633, lúc
lên 9 tuổi, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte nhận được ơn linh hứng: những
người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên quy tụ lại thành một hội mang tên Mến
Thánh Giá, ba từ này lấy từ đầu đề chương 11, quyển 2 của sách Gương Phúc mà
ngài say mê đọc và suy niệm hằng ngày. Chính điều này làm nền tảng cho châm
ngôn mà gài đã chọn cho chính mình và cho nữ tu Mến Thánh Giá: “Đức
Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” (Tiểu sử ĐC Phêrô-Lambert de la
Motte).
3. Dòng Mến
Thánh Giá hình thành và lớn lên trong bách hại và chiến tranh:
Quá trình hình
thành Dòng Mến Thánh Giá thật phức tạp nhưng phong phú đa dạng. Hơn hai thế kỷ
đầu, Dòng Mến Thánh Giá đã đồng chia sẻ số phận thương đau của Giáo Hội Việt Nam. Đặc biệt
thời Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, người Công Giáo nói chung, và nữ tu Mến
Thánh Giá nói riêng, bị sát hại một cách tàn nhẫn, khủng khiếp, chịu bao nỗi
gian truân, khốn khổ. Sau này, người ta không chỉ thù ghét tôn giáo mà có những
thời điểm cáo buộc người Công Giáo vào tội phản quốc. Vì thế, những cuộc bách
hại liên tiếp tái diễn.
Có thể nói rằng
Dòng Mến Thánh Giá khai sinh và lớn lên dưới bóng Thánh Giá vì không chỉ chính
quyền mà cả giáo quyền, cũng tạo cho các chị biết bao khó khăn. Có một điều
không thể lý giải được là chính trong những cơn bách đạo triền miên ấy, ơn gọi
Mến Thánh Giá vẫn gia tăng, các tu viện vẫn phát triển.
Dù trong hoàn
cảnh nào, chị em Mến Thánh Giá vẫn luôn dấn thân phục vụ Tin Mừng. Đặc biệt
trong cơn bách hại, nhà cửa các chị thường là nơi ẩn náu cho những người bị
bách hại; các chị đã lén lút vào các trại giam đem lương thực, nhất là Mình
Thánh Chúa cho các Đấng anh hùng tuyên xưng đức tin; an ủi kẻ đau khổ, cứu giúp
người yếu đuối, nâng dậy các kẻ đã chối đạo. Những nơi mà linh mục không thể
vào được, thì các chị mạnh dạn đi tới.
a – Đàng
Ngoài
Từ hạt giống
đầu tiên Đức Cha Lambert đã gieo tại Đàng Ngoài, dòng Mến Thánh Giá bắt đầu
phát triển, có thể nói là rất nhanh. Chỉ sau 7 năm, 1670-1677, con số chị em
lên đến 100, sống trong nhiều cộng đoàn.
a.1 – Đông Ký:
Các nhà Kiên
Lao, Trung Linh, Bùi Chu đều phát triển nhanh ngay sau khi thành lập. Ngoài ra
còn có các nhà Bát Trạch, Hạ Linh và Ke He.
Đến năm 1838,
sau chiếu chỉ bắt đạo lần ba của Vua Minh Mạng, ba nhà Mến Thánh Giá còn lại
cũng bị phá hủy hoàn toàn.
a.2 – Tây Ký
Năm 1701 có tới
20 nhà; năm 1751 tăng thành 25 nhà. Nhưng những cuộc bách hại trong thế kỷ 18
đã phá hủy toàn bộ các nhà trên.
Trong thời bình
an (1802-1830), các cộng đoàn
dần dần hồi sinh, với sự nâng đỡ tối đa của các vị Đại Diện Tông Tòa. Sau cuộc
bách hại 1838 thời Minh Mạng, 40 nhà bị phân tán. Thời Thiệu Trị (1841-1847),
mặc dù cũng có cấm đạo, nhưng trong những hoàn cảnh có thể, các Vị Đại Diện
Tông Tòa và các Vị Thừa Sai tái lập các nhà Mến Thánh Giá, họ đã lập lại được
50 nhà. Thế rồi trong thời kỳ phân sáp (1857-1861),
ở Đàng Ngoài các nhà dòng bị tàn phá, các nữ tu bị phân tán, hàng trăm nữ tu hy
sinh vì đức tin. Thời Văn Thân 1874, có 10 nhà Mến Thánh Giá bị cướp bóc và đốt
cháy. Cũng năm đó ở sở Kẻ Trầu (Lưu Mỹ), ba chị Mến Thánh Giá Vinh bị bắt tại
Nhà Dòng và bị giết.
b – Đàng
Trong:
b.1 –
Đông Đàng Trong:
Bốn năm sau khi
lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ, Đức Cha Lambert có dịp trở lại Đàng Trong,
Ngài được an ủi khi thấy các nữ tu không hề giảm sút lòng sốt sắng buổi ban đầu
và chị em vẫn giữ luật rất cặn kẽ.
Sau đó, có thêm
các nhà Mến Thánh Giá Diêm Điền (1674),
Bo Tay (1674), Lâm Tuyền (1676),
Nha Ru, Hội An (1678), Thợ Đúc (1719).
Từ 1780-1812,
đời sống tôn giáo tương đối yên ổn. Cha Labartette (sau làm Giám mục), đã lập
thêm các tu viện : Di Loan, Phủ Cam, Nhu Lý, Bố Liêu, Kẻ Bàng, Trung Quán, Mỹ
Hương, Sáo Bùn. Về sau còn nảy sinh thêm các tu viện khác: Dương Sơn (1828), Kim Long, Cổ Vưu, Tam Tòa …
Theo bản thống
kê năm 1795 của Louvet, giáo phận Đàng Trong (lúc ấy bao gồm cả Campuchia và Nam Lào) có khoảng 250 nữ tu
bản địa, con số này riêng vùng Thượng Đàng Trong, từ sông Gianh đến Bình Thuận
có tới 6 tu viện, mỗi nhà trung bình từ 35 tới 40 nữ tu, và tại Campuchia có 1
tu viện với 6 nữ tu.
Năm 1806, có 8
cộng đoàn ở Cocincina và 1 ở Cambodia.
Năm 1822, có
đến 16 nhà với khoảng 400 nữ tu. Đến cuộc bách hại 1833, đã tăng lên tới 20
nhà. Cũng theo thống kê năm 1884 của Louvet, giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế) có 7 tu viện với 420 nữ tu , giáo phận
Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) 12 tu viện với 440 nữ tu.
Thế nhưng đồng
số phận với các chị Đàng Ngoài, những lệnh cấm đạo thường xuyên làm cho 20 nhà
bị phân tán vào năm 1838. Tháng 7-1885 đến 7-1886, trong 6 tỉnh thuộc giáo phận
Quy Nhơn, 270 nữ tu trong số 450 bị chết vì nhục hình, 10 nhà dòng trong số 12
bị triệt hạ.
Các cuộc bách
hại lâu dài đã phá hủy toàn bộ các nhà phước Mến Thánh Giá Đông Đàng Trong. Đến
nửa cuối thế kỷ thứ 18, ở Đàng Trong không còn dấu vết gì Mến Thánh Giá, kể cả
Bản Luật. Sau này, Đức Cha Piguel phải xin một bản sao luật Mến Thánh Giá từ vị
Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài.
b.2 –
Tây Đàng Trong:
Các nhà Mến
Thánh Giá ở vùng này có thể đã hiện diện từ trước năm 1778, nhưng đã bị hủy
diệt hoàn toàn qua các cuộc bách hại như ở phía Đông. Đến năm 1830, các nhà Mến
Thánh Giá giáo phận Tây Đàng Trong bắt đầu được tái lập, và trải qua một tiến
trình phát triển, giải tán và tồn tại một cách khá rõ ràng:
·
Mến
Thánh Giá Tân Triều và Lái Thiêu được thành lập năm 1830.
·
Năm
1843, một số nữ tu Tân Triều, Lái Thiêu chạy loạn họp thành hai nhóm, nhóm thứ
nhất đến lập nhà Cái Nhum, nhóm thứ hai về tái lập nhà Lái Thiêu.
·
Năm
1844, Đức Cha Lefevre gửi 4 chị của tu viện cái Nhum sang lập tu viện Cái Mơn.
·
Sau
khi Đức Cha Lefevre bị bắt tại Cái Nhum 31/ 10/ 1844, các chị nữ tu của họ đạo
này đến cư ngụ tại Cái Mơn.
·
Năm
1846, Đức Cha J. Miche nhận thấy các chị ở Cái Mơn không được an toàn, nên ra
lệnh cho các chị trở về Cái Nhum, cư ngụ gần kênh Cái Chanh.
·
Năm
1847, sau khi thoát cảnh lưu đầy, Đức Cha Lefevre gửi 4 chị của tu viện Lái
Thiêu lập tu viện Cái Mơn.
·
Năm
1852, Cái Mơn gửi 5 chị đi lập một tu viện ở Chợ Quán.
·
Năm
1853, các chị Cái Mơn đi lập lại tu viện Tân Triều và tu viện Đầu Nước, ngày
nay là Cù Lao Giêng, nhưng tu viện này bị phân tán ngày 8 tháng giêng âm lịch
năm 1859.
·
Cũng
năm 1853, tu viện Mặc Bắc được thành lập, nhưng rồi lại bị giải tán sau khi Cha
Minh bị bắt. Ba bốn năm sau, 2 chị của tu viện Cái Nhum tái lập lại tu viện Mặc
Bắc.
·
Năm
1855, hai chị của tu viện cái Mơn lập tu viện Bãi Xan.
·
Năm
1856, tu viện Chợ Quán lập tu viện Bà Rịa. Khi Pháp chiếm Sàigòn (1859-1862) thì 2 tu viện Tân Triều và Bà
Rịa họp lại về cư ngụ tại Thủ Thiêm. Đồng thời tu viện Chợ Quán chuyển về Xóm
Chiếu.
Khi Mỹ Tho bị
Pháp chiếm ngày 12/ 04/ 1861, cha Nhơn đem các chị từ tu viện Bãi Xan và một số
nữ tu thuộc tu viện Mặc Bắc về ở Mỹ Tho.Vài năm sau các chị ở Mỹ Tho lập một
nhà ở Vĩnh Long. Nhưng năm 1872 tu viện Vĩnh Long và năm 1874 tu viện Mỹ Tho
được nhập lại, một số về tu viện Cái Mơn, một số về Cái Nhum.
Năm 1906, Cha
Ernest Hay (thuộc Hội Thừa Sai Paris, sáng lập Dòng Kitô Vua)
làm Bề Trên Cái Nhum, cho rằng tính tình phụ nữ Việt Nam chưa đủ điều kiện để sống đời
thánh hiến, nên csha ra lệnh giải tán. Chị em lại ra đi, nhóm đôi ba người sống
tại một nơi nào đó, một số trở về gia đình , một số liều lĩnh ở lại tu viện.
Nhờ vậy mà Hội Dòng còn tồn tại đến hôm nay.
Từ ngày ấy chỉ
còn 295 nữ tu tại 4 tu viện thuộc địa phận Tây Đàng Trong
(Sàigòn): 2 tu viện ở
vùng ngoại ô Sàigòn là Chợ Quán và Thủ Thiêm, hai tu viện ở miền Tây là Cái Mơn
và cái Nhum; địa phận Campuchia (Nam Vang)
3 tu viện với 45 nữ tu.
Không chỉ tại
Việt Nam
mà cả ở Thái Lan, các chị Mến Thánh Giá cũng bị bách hại và chịu chết vì đức
tin. Hai chị Agnes Phila và Lucia Khambang đã được phong chân phước vào ngày
22/ 10/ 1989.
4. Dòng Mến
Thánh Giá trong thời cải cách và phục hưng:
a – Nguyên
nhân:
Một nhà nghiên
cứu nhận định: “Ngoài việc sống chung và một bản luật rất giản dị, các chị Mến
Thánh Giá không có vẻ gì là nữ tu cả: các chị không có y phục khác với y phục
phụ nữ, các chị không có lời khấn. Điều mà chủ yếu duy trì cảnh sống của chị em
suốt hai thế kỷ rưỡi (1670-1925)
lại chính là việc cấm đạo (Đinh Thực, sdd,
tr. 114).
Khi tìm hiểu về
chị em Mến Thánh Giá trước đây, hầu hết các thừa sai và các nhà nghiên cứu đều
nhất trí với 3 điểm nổi bật sau đây:
1.
Các nữ tu Mến Thánh Giá có đời sống chung,
2.
Giữ một luật lệ rất nghiêm ngặt.
3.
Thực hiện những nhân đức khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo mặc dù chưa thành
lời khấn.
Năm 1678 mặc dù
Tòa Thánh ban ân xá cho những thành viên dòng nữ Mến Thánh Giá, nhưng như một
hiệp hội hoặc hội đạo đức. Thời bấy giờ, luật Giáo Hội buộc đời tu gắn liền với
Lơi Khấn Trọng Thể và sống trong đan viện. Mãi đến ngày 8 tháng 12 năm 1900,
lời khấn đơn mới được nhìn nhận là lời khấn dòng. Về phương diện Giáo Luật, đến
năm này, dòng Mến Thánh Giá mới được nhìn nhận là một dòng tu đúng nghĩa, và
những nữ tu tuyên lời khấn đơn mới trở thành những tu sĩ thực thụ.
Một phần vì
chưa được công nhận, một phần vì cuộc sống bấp bênh, tạm bợ, các vị Thừa Sai
quá ít, không thể hướng dẫn các chị cụ thể trong mọi chiều kích của đời thánh
hiến, chị em Mến Thánh Giá không khấn công khai là điều dễ hiểu.
Đó là tình
trạng chung của tất cả các Hội Dòng Mến Thánh Giá trong hai thế kỷ đầu
b – Cải
cách:
Nhờ sự giúp đỡ
của các cha Thừa sai, các Hội Dòng Mến Thánh Giá lần lượt được cải cách theo
đúng tinh thần của Giáo Luật năm 1917. Có nhiều giai đoạn cải cách khác nhau
cho các hội dòng :
Cuộc cải tổ đầu
tiên do cha Gernot thực hiện tại tu viện Mến Thánh Giá Cái Mơn năm 1864, thuộc
miền truyền giáo Tây Đàng Trong. Đặc điểm của cuộc cải tổ này là cho chị em mặc
tu phục và tuyên lời khấn đơn tạm từng năm (quy chế này có hiệu lực cho 4 Hội dòng Nam Bộ : Cái
Mơn, Cái Nhum, Chợ Quán, Thủ Thiêm – đến năm 1970).
Cuộc cải tổ thứ
hai do Đức Cha Louis de Cooman Hành (làm
Giám mục năm 1917) thực hiện năm 1925 tại Phát Diệm thừa lệnh của
Đức Cha Alexandre Marcou Thành. Đặc điểm là chị em làm năm Tập theo Giáo Luật,
mặc tu phục và tuyên lời khấn đơn, trước tạm thời sau vĩnh viễn.
Năm 1929, Hội
Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn, và sau đó là nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá khác lần
lượt được cải tổ giống như Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
Công Đồng Đông
Dương năm 1934 đã khen ngợi cuộc cải tổ triệt để này và khuyến khích các Đấng
Bản Quyền Sở Tại cải tổ các cộng đoàn Mến Thánh Giá trong miền truyền giáo của
mình, bằng cách thống nhất các cộng đoàn biệt lập thành một Hội Dòng Giáo phận,
có một tập viện duy nhất, có lời khấn, trước tạm thời, sau vĩnh viễn theo Giáo
Luật. Dần dần với thời gian, tất cả các Hội Dòng đều được cải tổ và trở thành
những Hội Dòng Giáo Phận, theo đúng quy định của Giáo Luật hiện hành, với các
đặc điểm sau:
1.
Các thành viên tuyên lời khấn công (x. GL 607§2)
2.
Tuân giữ triệt để ba lời khuyên Phúc Am (x. GL 574§1 ; 598-601)
3.
Sống thành cộng đoàn (x. GL 602 ; 607§2)
4.
Có một Bề Trên Tổng Quyền (được gọi là Tổng Phụ Trách) (x. GL 616; 620; 622;
625§1-2)
5.
Có cơ cấu quản trị riêng (x. GL 586)
6.
Thuộc quyền Đức Giám Mục giáo phận nơi có Nhà Mẹ (x.GL
589; 594-595); và các Đức Giám mục giáo phận nơi có cộng đoàn của
Hội Dòng (x.GL 595)
HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ NHA TRANG
1. Cội nguồn:
• Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang phát xuất từ cộng đoàn Hướng Phương (Quảng Bình) thuộc Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Do hoàn cảnh chiến tranh năm 1952, 42 chị em gồm Bề trên được ủy nhiệm phải rời bỏ Hướng Phương vào miền Nam. Năm 1955 định cư tại Giáo xứ Tân Bình - Cam Ranh. Tại đây, 33 chị em hăng say hình thành nên cơ sở Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình, tiền thân của Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang bây giờ.
• Năm 1962, theo quyết định của Tòa Thánh về việc địa phương hóa các Dòng tu di cư, Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình đã thuộc Giáo phận Nha Trang.
• Năm 1995, theo tuyên ngôn của Tòa Thánh, ký ngày 29.6.1995, Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình được chính thức trở thành Dòng Giáo phận Nha Trang, với tên gọi là “Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang”.
2. Trưởng thành và phát triển:
• Ngày 03/08/1962: Tập viện được khai mở với 06 Tập sinh đầu tiên, được sự giúp đỡ về huấn luyện của hai Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt.
• Ngày 06/08/1963: Đức Cha Marcel Piquet Lợi, Giám Mục tiên khởi Giáo phận Nha Trang đã chủ tế lễ khấn đầu tiên cho 05 Nữ tu.
• Ngày 20/11/1965: Sau 04 năm thấy Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang đã khá trưởng thành, có thể tự lập, hơn nữa Hội dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt thiếu nhân sự, nên sau khi được sự đồng ý của Đức cha Nha Trang, hai Bà đã được Mẹ Bề Trên mời về lại Đà Lạt.
• Từ 1963 –1975: Sau những năm cải tổ, trong thời gian này Hội dòng đã bắt đầu với những bước phát triển về cơ cấu, nhân sự, hoạt động và tu đức; tuy chậm, nhưng mạnh và chắc.
• Từ 1975 – 1988: Thay đổi hoạt động, chị em tham gia các công việc canh tác ruộng rãy, các ngành nghề tiểu thủ công nghệ mây tre lá. Ngoài cuộc sống chứng nhân âm thâm chị em dấn thân hơn trong việc Mục vụ Tông đồ Giáo xứ, với những sáng kiến và thích nghi.
• Từ 1988 – 2008: Với chính sách và chiều hướng mới của Nhà Nước Việt Nam đối với Tôn Giáo, Nhiều cơ sở của Hội Dòng đã được tu sửa hoặc xây mới. Mở các trường, các Nhóm Mầm Non. Chị em được nâng cao trình độ bằng cách tham gia các lớp Thần học liên dòng, và theo học các ban ngành khác cấp Đại học, Cao đẳng tại các thành phố, một số du học nước ngoài; tuyển nhận Tu sinh. Đồng thời chị em Mến Thánh Giá Nha Trang hiệp thông với toàn thể các HộI dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, cùng thử nghiệm, chỉnh sửa Hiến Pháp, cùng học hỏi Tiểu sử, Bút tích Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập, cùng đào sâu và sống Linh Đạo Mến Thánh Giá cách sâu sát hơn.
3. Hoạt động: Ý thức mình là men nồng, nuối mặn, là ánh sáng giữa trần gian, người Nữ tu Mến Thánh Giá Nha Trang đã tích cực đảm nhận với nhiều sáng kiến và thích nghi cho từng hoàn cảnh trong các lãnh vực Truyền giáo như:
• Đức Tin:
- Phụ trách Giáo lý trẻ em các cấp, Tân Tòng, Hôn Nhân, Giáo Lý viên; và tham gia trong Ban Biên Sọan Giáo trình Giáo Lý của Giáo phận Nha Trang.
- Phụ trách phòng thánh, tập hoạt cảnh, dâng hoa, văn nghệ trong Giáo xứ
- Phụ trách Ca đoàn, và một số đòan thể khác trong Giáo xứ
- Thăm viếng gia đình rối…
• Giáo dục:
- Phụ trách các trường, Nhóm trẻ Mầm Non, Mẫu giáo, kèm cấp I
- Phụ trách các nhà Nội trú: chăm sóc, dạy kèm các học sinh cấp I, II, III
- Phụ trách các lớp học tình thương cấp I.
• Y tế: Xây dựng và phụ trách các trạm xá (kết hợp Đông và Tây y), và phòng Vật lý trị liệu cho bà con nghèo.
• Bác ái Xã hội:
- Chăm sóc nuôi dạy các cháu mồ côi trong các Mái Ấm Tình Thương.
- Phụ trách các trường Khiếm thị, Khuyết tật, Thiểu năng
- Tìm kiếm và hổ trợ quỹ học bổng cho các hoc sinh nghèo.
- Phụ trách các làng phong, dân tộc ít người.
- thăm viếng, giúp đỡ vật chất, ủy lạo tinh thần những bà con già yếu, neo đơn, nghèo khổ, một số cụ già được cấp phần gạo hằng tháng.
- Hội dòng liên hệ với các ân nhân, xin hổ trợ xây dựng nhà Tình thương cho các gia đình nghèo.
- Ngoài ra, tìm kiếm và chôn cất các thai nhi bị giết chết; các ngôi mộ bị xói mòn sạt lở không có ai săn sóc, được chị em di dời và xây mới tại nghĩa trang Đồng Tiến, Hàm Tân.
4. Nhân Sự:
Năm Khấn Trọn Khấn Tạm Tập Sinh Tổng Cộng
1955 33
1975 40 21 10 71
2000 111 64 25 200
2008 176 119 54 349
Qua Đời: Từ 1955 đến 2008 Hội dòng có 28 Nữ tu qua đời.
5. Cộng đoàn: Hội dòng có 53 Cộng đoàn:
- Tại Việt Nam: 50 Cộng đòan trong 6 Giáo phận: Nha Trang, Phan Thiết, Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh.
- Tại hải ngoại: 03 (1 Los Angeles, Mỹ + 1 Oslo,Nauy + 1 Oita, Nhật )
6. Các Giai đọan Huấn luyện:
• Đệ Tử viện: (từ 3 năm trở lên)
• Tiền Tập viện: (1 năm)
• Tập viện: (2 năm)
• Học viện: (6 năm)
7. Điều Kiện Gia Nhập:
• Có đủ sức khoẻ thể lý do sự thẩm định của các Bác sĩ và tâm lý bình thường;
• Học lực tốt nghiệp THPT trở lên (trường hợp đặc biệt có thể cứu xét);
• Gia đình có tiếng tốt và đạo đức;
• Có đời sống đức tin vững chắc;
• Không mắc bệnh truyền nhiễm
• Được cha xứ hoặc người hữu trách trong Giáo xứ giới thiệu.
8. Địa Chỉ Hội Dòng: Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang
Ht. 25 Cam Hòa, Cam Lâm, Khánh Hòa
Đt. 058 863020; E-mail: hdmtgnt@dng.vnn.vn hoặc hdmtgnt@gmail.com
9. Tổng Phụ Trách: Nữ tu Maria Cao Thị Bình
10. Địa Chỉ Liên Lạc Về Ơn Gọi :
• Nhà Mẹ:
Ht 25 Cam Hoà, Cam Lâm, Khánh Hoà
Đt 058.863604 or 058.863020
E-mail: hdmtgnt@dng.vnn.vn or hdmtgnt@gmail.com
• Cộng đòan Thánh Gia:
Ht: 52, 10 Võ Thị Sáu, Tp Nha Trang, Khánh Hòa
Đt: 058 881736
• Cộng đòan Hàn Thuyên:
09 Hàn Thuyên, Tp Phan Thiết, Bình Thuận
Đt: 062 819374
• Cộng đòan Thánh Mẫu:
47/24/32 Bùi Đình Túy, P. 24, Bình Thạnh, Tp HCM
Đt: 083 8998865
Mơ chi ảo mộng xa vời
Tình yêu Thiên Chúa tuyệt vời cao siêu
Lo chi cuộc sống sớm chiều
Đời con theo Chúa, mọi điều xin vâng
Peter
sưu tầm
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.