AN BÀI HAY QUAN PHÒNG?
Không
hiểu tại sao trong cuộc sống, khi chúng ta gặp rủi ro, tai ương hoạn nạn hoặc ốm
đau, chết chóc, thường tự an ủi vỗ về nhau: Thôi thì Chúa đã an bài cho số phận
như thế, thì hãy bằng lòng vâng theo thánh ý Chúa, kẻo phàn nàn mà mất lòng ngài.
Theo tôi, áp đặt điều đó thật oan uổng cho Chúa. Chúa nào mà lại gieo thảm họa
bi thương cho con người như thế. Vô hình chung, người dân ngoại đạo nghe thấy,
sẽ nghĩ về một ông Chúa ác độc chứ đâu có tình thương như chúng ta thường cao
rao. Và trong nghĩa tiêu cực này, con người đã mất đi sự tự chủ và tự do để phấn
đấu vươn lên vượt qua số phận và đau khổ.
Người
Công giáo chúng ta thường hay lầm lẫn giữa quan phòng và an bài. Chuyện tốt thì
không nói, nhưng chuyện tai bay vạ gió nào cũng đổ vấy cho Chúa mặc định an
bài, trong khi Chúa chỉ quan phòng cho chúng ta thôi. Một triết gia phương tây
đã khẳng định: “Mọi việc trên đời xẩy ra, đều có lý do, đều có nguyên nhân nội
tại của nó, chứ không phải ngẫu nhiên mà có được”. Tôi bị tai nạn, do tôi bất cẩn…hoặc
bị người khác đâm, thì vì tôi đi đúng lúc xui xẻo, có lý do đấy chứ! Tôi bị ung
thư, vì trong cuộc sống, tôi đã ăn uống đồ ăn nhiễm độc…Tôi bị cháy nhà, vì do
lỗi người hàng xóm bất cẩn…Thiên tai, bão lụt, sóng thần…cũng do con người tàn
phá môi trường thiên nhiên mà phải nhận hậu quả thảm hại thì không thể trách cứ
vào ai được. Nhìn chung thì tất cả mọi sự việc xẩy ra, đều có nguyên do của nó,
chứ không phải do ông trời nào ác độc gây ra.
Thực
ra, Chúa quan phòng là quan tâm và phòng bị cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh,
cho dù là trường hợp xấu nhất, ngài vẫn mở cửa hẹp cho chúng ta. Có lẽ, do câu
thánh kinh: “Một sợi tóc trên đầu rơi xuống, cũng đều do thánh ý của Chúa” mà suy
diễn ra: mọi sự đều do Chúa xếp đặt, an bài…Theo tôi: việc “Chúa biết” và “Chúa
làm” là hai động thái khác nhau. Chúa biết sợi tóc sẽ rơi xuống khi nào, vì
Chúa là Đấng thông minh sáng láng, đương nhiên Ngài phải biết, nhưng Chúa không
hề làm cho sợi tóc rơi. Chúa sáng tạo ra các chân lý, các quy luật khoa học…Chúa
cũng sẽ tôn trọng công trình sáng tạo của Ngài. Tôi nhớ trong sách Công đồng
Vaticano II có câu: “Mọi chân lý và khoa học, không thể tự mâu thuẫn nhau được”.
Không bằng lòng với cách dùng chữ nghĩa
như thế, tôi đã thử tìm hiểu ý nghĩa của hai từ: An bài và Quan phòng. Trong tự
điển Triết học của Trần Văn Hiến Minh, “Quan phòng nghĩa đen: Gìn giữ chỗ Quan ải
(chổ hiểm trở nơi biên giới hai nước). Công Giáo nghĩa bóng để chỉ tác động của
Thượng Đế An bài xếp đặt trong vũ trụ kể cả nơi con người. Bệnh tật tôi mang là
do Chúa quan phòng, cũng gọi là Thiên hựu”. Theo tôi, Quan phòng và An bài
không thể là một được, mà mỗi từ hàm chứa những ý nghĩa riêng. Trong tự điển
Ngôn ngữ học VN- Do nhóm Hoàng Phê chủ biên - không có từ Quan phòng, mà có từ
An bài được giải thích:” (tạo hoá) định sẵn, sắp xếp từ trước, theo quan niệm
Duy tâm. Số phận đã được an bài”. Và như thế con người chỉ là con rối nước bị lệ
thuộc hoàn toàn vào ông chủ Thuợng đế quản trò giật dây.
Rất may trong Điển ngữ Thần học Kinh
Thánh đã giải thích làm sáng tỏ ý nghĩa của Quan phòng: “Sự quan phòng đòi hỏi
lòng trung kiên. Thật vậy Thiên Chúa không mời gọi con người thụ động hay chối
bỏ tự do, trái lại Ngài muốn giáo dục họ. Qua thử thách, Ngài buộc con người cộng
tác với Ngài bằng những sáng kiến tự do của họ trong khi, nhờ các lời hứa, Ngài
khích động niềm tín thác và như thế giải thoát họ khỏi mọi sợ hãi có thể làm tê
liệt trước những bất trắc của công việc”. Và trong ĐNTHKT lại không đề cập đến
từ An bài.
Và
như thế, ý nghĩa của từ Quan phòng tích cực hơn An bài. Quan phòng là sự đồng
hành của Thiên Chúa với chúng ta trong cuộc sống với niềm tín thác vào Ngài để,
chúng ta vượt qua mọi tai ương hoạn nạn bằng
chính sự trợ lực, nâng đỡ và chở che của Ngài. Phải chăng hai từ An bài đã ăn
sâu trong tiềm thức của mọi người giáo dân, hay vì nó ẩn giấu một ý nghĩa sâu sắc
nào khác trong Thần học, đã khiến con người hay dùng tới ?
Một vài cảm
nghĩ thô thiển, xin các bậc cao kiến góp ý để vấn đề được soi rọi hơn.
Nguyễn Vĩnh Căn
(Giáo xứ Châu Sơn - GP. BMT)
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.