ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG...
Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014
ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG…
Phần I
Khó ai có thể bỏ nhà để đi du lịch vào cái thời điểm “nóng” của trận chung kết world cup 2014 đang đến hồi kết thúc, chờ đợi dài cổ cả 4 năm, thế mà bỏ phí thì có uổng không chứ! Mà lại đi du lịch những nơi đã từng đi nhiều lần…Có mà dở hơi à!!??
Rõ ràng là phải có lý do chính đáng, để một người mê bóng đá như tôi, bỏ trận chung kết là khỏi phải nói rồi.
Số là, tôi có một ông cậu ruột – linh mục, Tiến sĩ giáo luật, từng du học bên Rome, nguyên cha Tổng Đại Diện GP Vinh, nguyên Giáo sư Đại chủng viện Vinh Thanh…Hiện là cha Tuyên Úy dòng Mến Thánh Giá và là thành viên Hội Giáo luật HĐGMVN.
Ở tuổi 82, cậu vào thăm các em và con cháu ở trong Nam, bảo sao các cháu không trân trọng ông cậu mình được! Nếu như không có chút tình thân cậu cháu, chí ít từng ấy lý lịch: vị thế, học vị…cũng đủ phải nể vị ngài rồi! Thực ra, nếu chỉ vì ngần ấy, chưa chắc tôi đã đánh đổi một chuyến đi như thế. Có lẽ, lúc này tôi chẳng nói ra, để hồi sau các bạn sẽ rõ…
Từ những ngày năm 1979, cậu đã vào Nam thăm anh chị, các em, các cháu và đã gieo vào lòng những người con cháu mình những ấn tượng tốt đẹp, tưởng khó có thể phai. Đó là tình thân thiện, dù chỉ mới chào hỏi gặp gỡ với người thân mà ngỡ như đã thân tình quen nhau lâu ngày. Không bỏ sót đứa nào, dù trai hay gái, cậu cũng đều ân cần thăm hỏi: “Con lập gia đình lâu chưa? Mấy đứa con rồi? Nhà làm ăn thế nào? Được bao nhiêu tấn cà, tấn tiêu, bao nhiêu phi mật…?”. Nhiều thì cậu mừng cho: “ừ thì có của ăn của để cũng bớt tất bật vất vả”. Khiếm tốn thì cậu an ủi: “Chúa đong cho con ngần ấy đấu là đủ theo kinh lạy cha “hằng ngày dùng đủ” rồi đó”. “Của nả rất cần thiết trong đời sống thường ngày, nhưng an bình cho gia đình mới là quan trọng, vì đó là ân sủng mà Chúa ban, còn quý hơn vàng bạc nữa đấy các con ạ! Các con cứ thử ngồi trên đống vàng mà lòng bồn chồn lo âu thì hỏi có sướng sung chi”.
Không phải nói khoe, cậu tôi ở GP Vinh cũng có đôi chút tiếng tăm nhất định về một vài lĩnh vực. Điều dễ nhận thấy nhất là, nơi những người giáo dân quê ta ở GP Vinh: Kẻ Tùng, Yên Phú và Thọ Ninh, ai cũng tấm tắc khen cậu tôi giảng giọng đồng, hùng biện lưu loát, văn thơ lai láng và câu chuyện rất đời thường…Chẳng những thế, các GX xa lạ như Thuận Nghĩa, Thanh Dạ, Xã Đoài…cũng đều hết lời ca ngợi những bài giảng chầu lượt của cậu tôi. Phải nói, GX nào mời được cậu tôi giảng là vinh dự lắm! Đây là một điều hiển nhiên, chứ không phải vì cậu hát mà cháu khen đâu, nếu không tin, các bạn cứ thử hỏi dân ngoài quê ta xem, phải tôi nói ngoa không? Nhưng có điều, tôi không dám chắc giáo dân trong Nam ta đã thích cái phong cách giảng này.
Còn về hoa tay, chữ viết bay bướm và phóng khoáng…Phóng bút ra là thơ văn lai láng, ngay cả những bài tham luận tôn giáo và xã hội mà vẫn chuyển tải được cái văn vẻ, khiến cho bài văn bớt khô khan và nhẹ nhàng hơn. Về thi ca lại giàu ý tưởng bàng bạc vào cõi thơ, nên lời thơ chắp cánh bay lên với cảm xúc chất ngất. Cậu tôi đã có tập thơ Hương Trầm xuất bản, dễ có đến 100 bài…Chưa hết đâu, cầm kỳ thi họa có đủ cả đấy! Cậu còn sáng tác những bài thánh ca rất được ưa chuộng ở các GX quê nhà, rồi lại còn chơi vỹ cầm rất điệu đà…nữa các bạn ạ!! Vậy mà họa cũng đâu có tha, cậu vẽ những bức hình truyền thần như tha hồn vía vào đó, khiến cho hình người sinh động chi lạ!!
Đó chỉ là một đôi nét phác họa về chút tài năng của cậu tôi mà thôi! Đối với bạn đọc chưa biết thì, vô tri bất mộ là đúng. Có thể vì tình cảm cậu cháu quá lớn, khiến tôi ngưỡng mộ tài năng cậu tôi chẳng?!! Nếu có, tôi cũng chẳng phủ nhận, vì mến mộ cậu mình chứ ai đâu mà xấu hổ, phải không các bạn!
Với tuổi 82, nhưng nhìn cậu vẫn như tuổi thất thập, với phong độ của dáng người tầm trung đề đặm. Những nếp nhăn lão hóa vẫn còn chào thua bất lực trước làn da trắng hồng hào, điểm thêm nụ cười hiền hòa, càng làm cho khuôn mặt thêm khả ái. Nếu cặp mắt hơi lim dim, đã có cặp kiếng che chắn, tạo thêm vẻ tinh anh trí thức. Và dẫu có đôi chút chậm chạp trong dáng đi lại, thì cũng chỉ tô điểm cho sự đỉnh đạc một linh mục ở tuổi già. Nhưng cái đáng nể nơi cậu là, sự chuẩn mực trong cuộc sống: ăn uống không quá, nói năng hòa nhã, tình cảm mặn mà, giao tiếp xuề xòa…
Vẫn cái từ tốn, ôn tồn cố hữu, cậu bảo: “Các cháu đứa nào rãnh rỗi, tiễn cậu lên Đà Lạt, rồi cậu chia tay về quê nhà. Cậu bao trọn gói, đừng lo chi vật chất, có Chúa lo cho rồi, cứ yên tâm mà đi”. Nghe cậu bảo thế, ai chẳng cảm động mà không muốn đi. Nói thế thôi, chứ không phải vì câu mở lời “bao trọn gói” mà các cháu ham đi đâu. Chỉ vì nghĩ: Cậu cũng đã 82 rồi, vào lần này chứ biết lần sau có còn cơ hội gặp lại cậu nữa không?! Vì cuộc sống luôn đổi thay, ai biết trước tương lai thế nào mà lường? Đúng như triết gia Héraclitecổ Hy Lạp đã nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”.
Mấy đứa cháu hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi của cậu và lên đường du hành một chuyến Đà Lạt là không phải nói nữa rồi. Dĩ nhiên, chuyến đi này còn phải nhắc thêm một ông thầy “phòng bộ” cậu mình nữa. Một con người tuổi 34 mà ngỡ như mới 24, xem ra hơi bị trẻ và đẹp trai. Nói theo cách nói tếu táo dân dã thì: “Cầu cho Chúa Mẹ yên hàn và mạnh khỏe”, chỉ còn 2 năm nữa là thầy sẽ bước lên bàn Thánh hiến. Nhìn con người trẻ mỏ và non nớt, khiến tôi buổi đầu có nhận xét: “Chắc là một ông cụ non đây!”.
Trời mây mù âm u, tiễn xe đi trong tiếng mưa dầm rã rích…Cảm giác của một chuyến đi xa, ngày xưa khi còn trai trẻ thích thú làm sao, nghe tiếng xe chuyển mình là cảm thấy phấn khởi nao nức, nhưng bây giờ vào tuổi “lục thập nhĩ thuận”, nên cũng bớt đi sự hào hứng, để lấp vào đó nỗi lo lắng: Liệu sức khỏe có chịu nổi cái lạnh xứ Đà chăng? Liệu đường sá gập ghềnh quanh co dốc đèo, mình có kham nổi không? Cũng may, nhờ số đông người đi trong xe, nên nói chuyện huyên thuyên, tếu táo pha trò vui vẻ, khiến quãng đường bỗng ngắn lại…
Là hai thành phố, nên đặc trưng của mỗi thành phố đều hiện rõ trên những Km đường quốc lộ 27, ngay cả đường sá cũng rất khác nhau. Nếu Ban Mê với những quãng đường dài thẳng tắp 2,3 cây số mới có khúc quanh uốn lượn thì, quãng đường lên Đà Lạt lại giống như một con rắn, xoắn mình lên đèo xuống dốc một cách cheo leo hiểm trở; có lúc tưởng như hai xe “kiss” nhau, khiến cho hành khách bị thắng dồn lại, nôn thốc ra phía trước, tưởng như sắp bị nhao ra khỏi xe, rơi xuống vực sâu hố thẳm!!
Chuyến xe càng chạy, càng mở ra một khung trời Ban Mê bao la với xa xa đồi núi thoai thoải, và trước mặt là nhà cửa san sát với những rẫy nương cà phê, tiêu, hoa mầu…mùa này được thiên nhiên tưới tắm một màu xanh thẳm, ngút ngàn đến chân trời…Đó là những đặc sản của xứ Buồn muôn thủa.
Xe chạy đến cầu Krông Nô, ranh giới của hai tỉnh. Từ đây, mở ra một gam mầu rất đỗi lạ lẫm. Đồi núi cheo leo chập chùng vây quanh: “một đèo, một đèo, lại một đèo…mà mỏi gối chồn chân vẫn muốn leo” (HXH). Núi đồi như bị vặt lông trụi nhẵn một cách thảm hại, bởi sức tàn phá của con người, nhưng lại được thi vị hóa bằng những sương mờ lãng đãng vây kín, tưởng như “đôi gò bồng đảo, sương còn ngậm” trong thơ Hồ Xuân Hương. Và càng thi vị hơn, khi xe chạy qua những lạch khe suối róc rách chảy, trông thơ mộng chi lạ, cứ ngỡ như “một lạch đào nguyên suối chửa thông” (HXH). Nhưng những đặc sản của “Xứ hoa” thì phải chờ lên Đà Lạt mới “cầu thị” được.
Xem tiếp phần II….
Nguyễn Vĩnh Căn
Giáo xứ Châu sơn- BMT
Chúng tôi xin giới thiệu: Qua bài viết, Tác giả muốn gửi gắm một vài thông điệp... Xin mời các bạn theo dõi!
Pet Trần
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Tags:
Chuyên mục
,
Đời sống
,
Nguyễn Vĩnh Căn-Châu Sơn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.