ÁO TRẮNG VÀ NẾN SÁNG
TRONG NGHI THỨC RỬA TỘI
Người viết là một giáo dân bình thường
chỉ được học Giáo lý khi còn tuổi thanh-thiếu niên (chủ yếu sách Kinh và Bổn của
Giáo phận Vinh) nên cũng không hiểu lắm về “ý nghĩa thần học” của nghi thức
trao Áo trắng và Nến sáng trong Bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, do có nghề “tay
trái” là phó nháy nên bản thân lại thường xuyên tham dự Nghi thức Rửa tội cho trẻ em kể cả người lớn để chụp
hình lưu niệm.
Người viết xin được trích tài liệu về
nghi lễ Thánh Tẩy.
Phải cử hành nghi lễ Thánh
Tẩy như thế nào?
1. Nghi
thức chuẩn bị : Kinh cầu các thánh, lời nguyện trừ tà, xức dầu dự tòng, làm
phép nước để Rửa Tội, tuyên xưng đức tin, và dĩ nhiên trước đó luôn có Lời Chúa
soi dẫn.
2. Nghi thức chính yếu của việc cử
hành Bí tích Thánh Tẩy là đổ nước trên đầu người lãnh nhận trong khi đọc: “Cha
rửa con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đây chính là dấu chỉ hữu hình không thể thiếu của Bí
tích Thánh Tẩy: nước và lời Rửa Tội.
3. Nghi
thức diễn nghĩa :
a/Với người tân tòng: Trao áo trắng và nến sáng là hai nghi
thức diễn tả điều mà người tân tòng
đã trở nên sau khi được đổ nước.
*Áo trắng : Áo
trắng có ý nói rằng người tân tòng đã mặc lấy Chúa Kitô, đã trở nên con người
mới. Áo trắng cũng là dấu hiệu của nghĩa vụ phải bảo toàn sự trong trắng tinh
tuyền và phải tỏa sáng bằng hành vi của mình.
*Nến sáng : Nến
sáng chỉ niềm vui của người tân tòng vì đã tìm thấy ánh sáng Phúc Âm và nhắc
đến trách nhiệm trở nên chứng nhân của Phúc Âm. Sự mong manh của ngọn nến trước
gió còn muốn nhắc nhủ người tân tòng về sự yếu đuối của mình để luôn phải tỉnh
thức.
b/Với trẻ em:
*Mặc
Áo Trắng:
Chủ tế: (Các) con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc
lấy Chúa Kitô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của (các) con. Nhờ lời chỉ
bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, (các) con hãy mang nó tinh tuyền mãi
cho đến cõi trường sinh.
Tất cả: Amen.
*Trao
Nến Sáng
Chủ tế cầm nến Phục Sinh và nói:
Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô.
(Người Đỡ được trao nến hoặc mỗi gia đình một
người châm nến của mỗi trẻ vào cây nến Phục Sinh).
Chủ tế: Anh chị em thân mến,
là những bậc làm cha mẹ và đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em
chăm nom, tức là lo lắng cho những em được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống
như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng được
ra nghinh đón Người và toàn thể các Thánh trên trời.
Bí tích Thánh Tẩy là Bí
tích Đức tin cần thiết để được Cứu độ, là cửa ngõ dẫn vào đời sống Kitô giáo,
phải được Rửa Tội rồi thì mới được lãnh nhận các bí tích khác.
Người viết xin được “luận bàn” và trao
đổi ý kiến về sự chuẩn bị áo và nến cho trẻ em khi lãnh nhận Bí tích
Rửa tội:
*Thường thì cha mẹ của các bé đem theo áo và nến khi đưa con
đi Rửa Tội nhưng không “đồng nhất”. Nến thì loại to, loại nhỏ ; cái thấp, cái cao...,
thậm chí có cả nến hồng, nến đỏ? Có bé được Cha mẹ sắm cho bộ áo đầm trắng
tinh, có bé được chuẩn bị chiếc khăn trắng xinh xắn, có bé được cha mẹ cầm theo
“mẩu” vải trắng, có bé được “sử dụng” lại chiếc khăn trắng của anh chị nhưng đã
ngả màu theo thời gian. Ô thôi muôn hình muôn vẻ!
*Nến được người Đỡ Đầu trao cho chú Giúp
Lễ. Chú Giúp Lễ lấy lửa từ Nến Phục Sinh thắp sáng lên rồi trao cho Cha Chủ sự.
Cha Chủ sự trao lại cho người Đỡ Đầu? Áo cũng vậy!
*Thậm
chí có lúc đông trẻ Rửa tội, Cha Chủ sự chưa kịp trao hết... thì nến đã sáng
trưng?! (vì có người quá “sốt sắng” tự thắp luôn).
Người
viết không có ý phê bình Nghi thức Rửa Tội ở bất cứ Giáo xứ nào. Nhưng cách thức sắm “bộ Áo – Nến”
của bậc cha mẹ khi đưa con đến Nhà thờ để lãnh nhận Bí tích Rửa Tội như nhận
định trên, là thiếu sự đồng bộ. Mẩu vải được cắt vội hoặc cái khăn cũ không thể
là “kỷ vật” đẹp sau này cho người Tín hữu nhân ngày Rửa Tội?
Người
viết xin được phép nêu ra một số đề
nghị về Áo và Nến:
-Gia đình không cần phải mang theo Áo và
Nến khi đưa con đi Rửa Tội.
-Về
nến: Mỗi Giáo xứ (Ban Phụng Vụ) nên chuẩn bị nến trắng một cỡ được cắm
sẵn trên khay (loại khay có lỗ để cắm thì càng hay), bao nhiêu bé thì bấy nhiêu
nến. Và khay được đặt trên giá hoặc trên bàn.... Đến nghi thức trao Nến sáng,
Chú Giúp Lễ lấy lửa từ Nến Phục Sinh thắp sáng lên các ngọn Nến, rồi cầm khay
để Cha Chủ sự trao Nến sáng cho người Đỡ Đầu theo thứ tự (kiểu như phát Bằng
danh dự).
(Nếu mỗi gia đình lên nhận hoặc tự thắp từ Nến Phục sinh, phải theo thứ
tự và thật nghiêm trang)
-Về Áo: Giáo xứ nên đặt
may đồng loạt khăn vuông màu trắng có thêu viền (đỏ hoặc xanh...) chung quanh;
thêu TÊN
GIÁO XỨ; thêu hình ảnh biểu tượng và nhất là thêu hàng chữ: KỶ NIỆM NGÀY RỬA
TỘI (hoặc ...). Riêng về ngày, có thể thêu sẵn: Ngày ... tháng ...năm 201... Trước ngày Rửa Tội nhờ các cô khéo tay thêu
dùm số vào (hoặc gia đình đem về tự thêu). Áo trắng – Khăn cũng được xếp trên khay và được đặt (đắp) trên người các bé như trao
nến.
Nến, nhất là Áo trắng – khăn trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội sẽ là Kỷ
Vật Thiêng Liêng vô giá đối với các bé khi trưởng thành! Nhắc nhớ về
Ngày Rửa Tội, các bé sẽ hãnh diện về Ngày được Hội Thánh “Gieo mầm” Đức tin
Công Giáo từ thuở ấu thơ.
Xin
mạn phép chia sẻ.
Pet Trần
Xin đọc thêm:
Câu hỏi:
-Thưa cha, gia đình con là đạo gốc. Được rửa tội từ hồi
sơ sinh, con cũng giữ truyền thống đạo và rửa tội cho các con cái con ngay từ
hồi nhỏ. Ngày nay, chúng đã đến tuổi khôn lớn. Mỗi khi nói về chuyện bổn phận
đời sống người công giáo, chúng hay lý luận với con rằng “Tại sao bố mẹ không
để cho chúng con lớn lên tự do chọn lựa tôn giáo và quyết định rửa tội hay
không? Tại sao phải rửa tội cho chúng con lúc chúng con chưa biết gì? ‘Ép’
chúng con làm người công giáo như thế rồi ‘lỡ’ chúng con không có đức tin thì
sao?” Trước những lý luận đó của chúng, con chẳng biết phải trả lời thế nào.
Xin cha giúp con ý kiến.
Nguyễn Thùy Dương
Trả lời:
Lý luận trên đây phản ảnh tâm trạng muốn đề cao sự tự do, tự quyết cá
nhân, và coi nhẹ những giá trị truyền thống (tôn giáo, văn hóa). Đó là tâm
trạng chung của thời đại và xã hội ngày nay.
Trong các câu hỏi của con ông, lập luận xem ra có vẻ hữu lý. Tuy nhiên, là
cha mẹ công giáo, ông cũng nên biết rằng:
a) Việc rửa tội cho con thơ không phải là chuyện tôn trọng hay từ chối sự
tự do và quyền tự quyết của con cái (children’s right). Trước nhất, đó là nghĩa
vụ của cha mẹ (parent’s duty).
Nói đến nghĩa vụ tức là nói đến sự bắt buộc của bổn phận (obligation).
Thứ nhất, về mặt giáo luật, Hội thánh quy định rằng cha mẹ công giáo có
bổn phận sinh thành và giáo dục con cái trong đời sống Đức tin. (GL.1055:1;
1125:1). Đây cũng chính là điều mà hai vợ chồng đã thề hứa trước mặt Chúa và
Giáo hội. Trong ngày lễ thành hôn, đôi hôn phối tuyên bố rằng họ sẵn sàng: “yêu
thương, đón nhận con cái mà Chúa ban và GIÁO DỤC CHÚNG THEO LUẬT CHÚA KITÔ VÀ
LUẬT HỘI THÁNH”. Lời thề hứa này có sức ràng buộc lương tâm (binding force) vì
đã được đôi hôn phối ý thức và tự do chấp nhận khi dấn thân vào đời sống gia
đình.
Thứ hai, về mặt luân lý, việc rửa tội cho con trẻ sơ sinh là BỔN PHẬN CỦA
TÌNH THƯƠNG mà cha mẹ phải thi hành. Điều này cũng dễ hiểu. Nếu về mặt tự
nhiên, cha mẹ chăm lo cho con cái được an toàn, ăn mặc đầy đủ, học hành đàng
hoàng và được mọi điều tốt đẹp thân xác, thì về mặt thiêng liêng, họ cũng phải
lo lắng sao cho con cái mình có được những điều thiện ích về đời sống linh hồn,
mà căn bản là được trở nên con cái Chúa qua Bí tích Rửa tội. Nói cách khác, nếu
không thể nhân danh quyền tự do lựa chọn mà để cho con trẻ làm những việc nguy
hại cho thể xác (ăn uống bậy bạ, nghịch ngợm, phá phách, bỏ học v.v.), thì cũng
không thể nại vào sự tự do ấy mà để mặc cho chúng ‘lớn lên rồi hãy chọn lựa tôn
giáo’ mà theo. Nếu cha mẹ xác tín rằng công giáo là chính đạo và Đức tin công
giáo là điều thiện ích thiêng liêng, nhưng họ lại không tạo cơ hội cho con cái
mình chia sẻ điều thiện ích ấy thì đó là một sự thiếu xót, lỗi phạm theo lương
tâm.
b) Phần khác, đức tin là một Ân sủng của Thiên Chúa và cũng là kết quả của
nỗ lực đón nhận, vun xới từ phía con người. Chẳng thể ‘lỡ’ có hoặc ‘lỡ’ không
được. Đức tin là hạt giống được gieo vào thửa đất tâm hồn qua bí tích rửa tội.
Nếu hạt giống ấy được vun bón chu đáo qua sự giáo dục và gương sống đạo của cha
mẹ, nhất là nếu nó được chăm sóc chuyên cần qua sự học hỏi và thực hành đạo của
chính cá nhân, thì sẽ chẳng lo gì vấn đề ‘bị ép’ làm người công giáo mà không
‘có duyên’ (đức tin) với đạo.
Lm. Đa Minh Trần Quốc
Bảo, DCCT
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.