Liên Lạc Gia Trưởng
Giáo Phận Phan Thiết
THƯ GỬI CÁC GIA TRƯỞNG – THÁNG 8-2015
|
Giáo
xứ: CANH TÂN ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU GIÁO DÂN:
MEN MUỐI GIỮA LÒNG ĐỜI
“Muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? (Mc 9,50)
Cùng các gia trưởng thân mến,
Được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu
Kitô, qua việc lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, mỗi chúng ta có vinh dự được gọi là
Kitô hữu Giáo Dân trong nhiệm thể Hội Thánh của Người.
Vì cuộc sinh tồn ở trần gian này, mà có thể các Kitô
hữu giáo dân sống ở nơi này, nơi kia, không hẳn là tập trung một chỗ. Nhưng dù
ở bất kỳ nơi nào, thì ý nghĩa Kitô Hữu Giáo Dân vẫn không thay đổi: là những
người có Chúa Kitô và làm chứng cho Chúa Kitô.
Giáo xứ là nơi quy tụ những Kitô hữu lại với nhau,
làm thành một gia đình thờ phượng Thiên Chúa. Không thể thành lập một giáo xứ,
nếu nơi đó không có các Kitô hữu giáo dân. Như vậy, Kitô hữu giáo dân là yếu tố
cốt lõi để các Đấng Bản Quyền quyết định thành lập một Giáo xứ. Có thể có những
nơi đã có một số Kitô hữu Giáo Dân họp nhau trong việc thờ phượng như một cộng
đoàn cơ bản của Đức Tin Công Giáo, nhưng chưa được gọi là giáo xứ, bởi vì còn
nhiều lý do nội, ngoại tại khác. Vì thế họ vẫn thuộc về một giáo xứ gần nhất.
Vậy, khi một cộng đoàn đức tin đã được công nhận là
một giáo xứ, với tất cả thành phần, cơ cấu, những quyền lợi và trách nhiệm của
một giáo xứ, thì sự kiện ấy đúng là một hồng ân đặc biệt cho Kitô hữu giáo dân.
Tại giáo xứ mình, mỗi tín hữu được hưởng nhờ ân
sủng của Thiên Chúa qua việc cử hành phụng vụ thường xuyên, qua các bí tích,
qua việc hiệp thông cầu nguyện, hiệp thông chia sẻ Đức Ái Kitô giáo, hiệp thông
làm chứng nhân cho Nước Thiên Chúa, và cụ thể hiệp thông trong tình huynh đệ
sống trước đời sống phục sinh.
Với cái nhìn Đức Tin, thì rõ ràng, những quyền lợi
thiêng liêng mỗi Kitô hữu nhận được qua Giáo Hội nơi Giáo xứ mình là những hồng
ân. Nhưng không, mà mỗi Kitô hữu có bổn phận phải đáp trả bằng chính đời sống công
giáo tốt.
Đời sống công giáo tốt của một Kitô hữu sẽ trở
thành muối, thành men giữa lòng đời. Muối ướp cho Đức Tin, Cậy, Mến nơi mình
được luôn luôn mặn nồng. Men làm cho đức Tin, Cậy, Mến nơi mình khơi dậy lên đức
Tin, Cậy, Mến nơi anh em Kitô hữu khác, và nhất là nơi những người chưa nhận
biết Chúa.
Các gia trưởng thân mến,
Với ý nghĩa mỗi Kitô hữu là muối, ước gì mỗi gia
trưởng anh em hãy liên lỉ gắn mình vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa, với Lời
Chúa, với Thánh Thể Chúa, để giữ được sự tinh khiết của lòng Tin, sự tươi trẻ
của lòng Cậy và mặn mà của lòng Mến, với Chúa, và với nhau trong gia đình anh
chị em.
Khi sự kết hiệp ấy đã nên thành toàn, viên mãn, sẽ
là nguồn khởi hứng cho anh chị em bước ra khỏi cõi lòng mình, bước ra khỏi căn
nhà mình mà dấn thân vào công cuộc Rao Giảng Tin mừng. Anh chị em sẽ trở nên
muối ướp cho cuộc đời luôn tinh khiết, tươi trẻ, mặn nồng trong sự kết hiệp với
Đức Giêsu thần linh và thân tình với mọi con người.
Với ý nghĩa mỗi Kitô hữu là men trong cuộc đời, ước
gì mỗi gia trưởng anh em sẽ khơi dậy một niềm tin đang ẩn giấu, khơi dậy một
đức cậy đang còn ngại ngần, khơi dậy một lòng mến đang còn ngủ quên trong lòng
mọi người trong gia đình mình, trong lòng cuộc đời.
Chính anh em, chính gia đình anh em phải là những
chứng nhân tiên phong đi vào mọi hang cùng ngõ hẻm, mọi ngóc ngách âm u, mọi
nơi sâu xa, bưng bít nhất, vì tình yêu Chúa Kitô trong anh em thúc bách, và anh
em không thể cưỡng lại nổi.
Để đạt đạo tới ý nghĩa là muối, là men trong cuộc
đời, ước gì mỗi gia trưởng anh em hãy luôn canh tân, làm mới đời mình, nhờ sự
gặp gỡ, kết hiệp với Chúa mỗi ngày. Chính sự gặp gỡ mang tính cá vị với Đức Kitô,
Ngôi Lời và Thánh Thể, sẽ làm cho anh em gia trưởng có sáng kiến gặp gỡ và hiệp
nhất với nhau trong gia đình, trở nên nguồn sức mạnh quí giá cho việc làm nhân
chứng với ý nghĩa là muối là men; gặp gỡ và mời gọi mọi người hiệp nhất lại
trong cùng một Đức Tin, một Phép rửa, một Thiên Chúa là Cha.
“Muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn
lại? (Mc 9,50)
Xin Đức Kitô mãi ướp anh em gia trưởng, gia đình
của anh em trong tình mến của Người, để anh em luôn tươi mới, luôn mặn mà, luôn
tinh khiết, và luôn có sức khơi dậy niềm tin, niềm hy vọng, tình yêu thương
đang còn ẩn giấu hay ngủ quên trong lòng đời, trong lòng mọi người.
Nguyện xin Mẹ Maria Tàpao và Thánh cả Giuse Bổn
mạng của gia trưởng cầu thay nguyện giúp, để Thiên Chúa chúc lành cho ý hướng
thánh thiện của mỗi gia trưởng, mỗi gia đình và của tất cả chúng ta.
Thân chào quý Gia Trưởng
Phan Thiết, ngày 26 tháng 7
năm 2015
Đặc Trách GT/GP
LM. Phê-rô Nguyễn Xuân
Anh
Giáo lý Tân Phúc Âm Hóa Giáo Xứ và Cộng Đoàn
|
30. H.
Người giáo dân có thể góp phần vào những việc bác ái từ thiện nào?
T. Đó
là:
- Giúp đỡ người thiếu ăn,
thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm.
- Săn sóc ủi an những người đau khổ, bệnh tật, tù
đày.
31. H.
Những môi trường chính yếu của hoạt động tông đồ giáo dân là gì?
T. Là các cộng đoàn Giáo Hội, Gia đình,
Giới Trẻ, Xã hội, quốc gia và quốc tế.
32. H.
Vì sao hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết trong cộng đoàn Giáo Hội?
T. Vì nếu thiếu hoạt động
tông đồ giáo dân, thì hoạt đồng tông đồ của các vị chủ chăn thường không đem
lại kết quả tròn đầy.
33. H. Tại sao gọi giáo
xứ là “hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu”?
T. Vì Giáo xứ là nơi quy tụ mọi thành phần thành
một cộng đoàn để sống tinh thần đại đồng của Giáo Hội.
PHỤ NỮ MONG ĐỢI GÌ Ở NGƯỜI CHỒNG?
|
(Tiếp
theo và hết)
5.- Biết ứng xử cách khoan nhượng:
Khoan nhượng ở đây là
khoan dung và nhượng bộ. Người chồng vốn mạnh mẽ, thẳng thắn và thích biểu lộ
uy lực. Nếu không biết kiềm chế, thì điều đó sẽ dẫn đến thái độ thô lỗ, cọc cằn
và vũ phu. Trong cách ứng xử hằng ngày, người chồng sẽ dễ dàng rơi vào vị thế
“chồng chúa vợ tôi”, uy hiếp vợ con chẳng hơn gì người giúp việc trong gia
đình. Vì thế, trong mối tương quan vợ chồng, giải pháp tốt nhất là biết sống
khoan dung và nhượng bộ. Và hơn ai hết người chồng sẽ làm gương việc này.
Tác giả D.Wahrheit đã chia sẻ như sau: “Có những
người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình. Họ nại đến quyền làm chồng để
cưỡng bách người vợ phải vâng phục hầu hạ mình. Họ nại đến quyền làm chủ để đơn
phương quyết định mọi việc trong nhà. Họ nại đến cả quyền làm đàn ông để hành
hạ người đàn bà. Khi người chồng chỉ suy nghĩ và hành động trong vòng quyền lợi
của mình, thì dĩ nhiên người vợ sẽ không còn là người bạn đường để cùng xây
dựng cộng đồng tính yêu nữa, mà có lẽ chỉ còn là người nội trợ không hơn không
kém, một người giúp việc để cho người đàn ông sai khiến và sử dụng vào những
mục tiêu riêng của mình.Cư xử như thế không phải là thể hiện tư cách làm chủ
gia đình.” (x.
D.Wahrheit, sđd trang 112).
Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi trước hết người
chồng, người cha có một tấm lòng bao dung, vị tha, quảng đại. Vì chỉ có tình
yêu rộng lượng mới giúp họ vượt qua mọi vướng mắc ích kỷ để chu toàn vai trò
trọng trách của người chủ gia đình. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Người làm
chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì
Hội thánh…” (x. Ep 5,25).
“Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ…” (x. Col 3,19).
Lm. Phêrô Hoàng
Văn Thinh
Đặc trách Gia Trưởng Hạt Hàm Tân
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.