Nhà em nào nuôi chó giơ tay xem nào?... Chó sủa làm sao?... gâu gâu gâu… Chó sủa khi nào?... (khi người lạ đến… hoặc khi vui vẻ với chủ thì sủa nho nhỏ…) Chó vẫy đuôi khi nào?… (khi biết ơn chủ…).Trong các con vật nuôi, thì người ta thích nuôi chó nhất. Lý do là vì chó rất biết ơn… Chỉ cho chó một khúc xương khô thôi, nó cũng tỏ ra biết ơn. Nó nhìn trìu mến/ ngoe nguẩy đuôi, quấn quýt người cho. Càng được cho, nó càng biết ơn. Nó tự động tự bảo vệ chủ, nhà cửa và đồ đạc của chủ.
Nhiều người không biết ơn bằng chó!
Cụ thể lả: Mười người phong cùi được Chúa chữa khỏi/ nhưng chỉ có một người quay lại cảm ơn. Tỷ lệ một phần mười! Mà người đó lại là người ngoại giáo!
- Cả ngàn người đã được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa phải vác Thánh giá, chỉ có một người bằng lòng vác đỡ. Đó là ai các em?
Người đó cũng lại là người ngoại! Ông tên là… Simon. (giỏi lắm)
- Cả một dân tộc đã chịu ơn Chúa, nhưng khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chỉ có một người dám công khai lên tiếng xưng tụng Chúa Giêsu là người vô tội. Đó là ai?
Người đó lại là người ăn trộm trên thập giá!
Đời là như thế! Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Đếm người biết ơn dễ hơn đếm người vô ơn, vì số này quá lớn… Có những con cháu vô ơn, có những học trò vô ơn. Có đủ thứ người vô ơn.
Cuộc đời của chúng ta được đan dệt bằng những hồng ân của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Tất cả là hồng ân”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng nói như thế. Chúng ta có sống hết đời cũng không thể nào trả hết mọi ân sủng Thiên Chúa ban tặng/ cùng với những sự chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ của bao người sống xung quanh.
Đối với Thiên Chúa: lời cảm tạ của chúng ta không cần thiết/ vì nó chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng nó lại cần thiết cho chúng ta/ vì đem lại lợi ích cho chúng ta.
Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh/ ơn phần hồn/ là củng cố niềm tin của anh. Người nói: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh" (Lc 17,19). Như thế, cám ơn/ lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.
*Một hôm Đức Giám Mục gặp bé Hàđang chơi ngoài sân nhà thờ, ngài đứng lại hỏi:
- Có phải con của mẹ Lan đó không?
Bé Hà lễ phép:
- Dạ phải.
Đức Giám Mục hỏi tiếp:
- Mẹ con khỏe không?
Bé Hà thành thật:
- Dạ khỏe, nhưng mẹ ăn chay hơi nhiều.
Đức Giám Mục mừng rỡ:
- Tốt quá! Nhưng sao con biết mẹ ăn chay?
Bé thành thật trả lời:
- Ngày nào con thấy mẹ cũng đứng lên cái cân, rồi nói: Tạ ơn Chúa.
Trong mọi hoàn cảnh hãy tạ ơn Thiên Chúa (dù ốm dù mập béo…).
Và cách thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với Chúa không gì tốt hơn là Thánh Thể và Thánh lễ, vì Thánh Thể và Thánh lễ đều là tạ ơn. Đi tham dự Thánh lễ là đi tạ ơn Chúa…
Đối với mọi người: Khi chịu ơn ai thì tỏ lòng biết ơn qua một hình thức nào đó/ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, vì người ta thường nói:
Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn cơm nhớ kẻ đâm, say, giã, sàng.
Biết năng dùng hai tiếng “cám ơn” bằng cả tấm lòng của mình. Hai tiếng “cám ơn” nó cũng sẽ giúp người ta rất nhiều:
- Khi ta cám ơn ai, người đó sẽ hài lòng, và lần sau họ sẽ sẵn sàng giúp ta nữa.
- Nghe ta nói cám ơn, lòng người ta vui, mặt người ta sáng lên, người ta sẽ làm việc vui vẻ hơn.
Hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả chân thành và trân trọng hàng ngày:
Công ai một chút chớ quên,
Phiền ai một chút/ để bên cạnh lòng.
Ngoài ra, tinh thần biết ơn còn phải được thể hiện bằng sự chia sẻ với những người khác/ về tinh thần cũng như vật chất. Amen.
(sưu tầm)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.