Ở Việt Nam: Người nghèo ăn rau, người giàu ăn thịt. Ở Mỹ ngược lại: người giàu ăn rau, người nghèo ăn thịt.Ở Việt Nam: Người nghèo thì gầy ốm, người giàu béo mập. Ở Mỹ ngược lại: người giàu gầy ốm, người nghèo thì béo mập. Ở Việt Nam: Người giàu ở thành phố, nghèo ở quê. Ở Mỹ ngược lại: Người nghèo ở thành phố, người giàu ở miền quê.
Ở Việt Nam: Người nghèo đeo nữ trang giả, người giàu đeo đồ thiệt. Ở Mỹ ngược lại: Người giàu đeo nữ trang giả, người nghèo đeo đồ thiệt.
(Ở VN thì ham to, đi đâu thì mang bao/ mang bị nặng nề, đi về thì càng nặng hơn. Bên Mỹ thì ngược lại: đi đâu cũng mang đồ nhẹ nhàng, đi về thì nhẹ hơn…
Ở VN trồng thanh long nhiều, mà ăn thanh long thì ít. Bên Mỹ, bên Tàu thì ngược lại: không trồng thanh long, mà ăn thanh long thì nhiều)
Ở Việt Nam ăn thịt chó thì không sao, ở Mỹ mà nhậu thịt chó là “ủ tờ” (ở tù).
TM hôm nay cũng đã so sánh sự đối nghịch: giàu và nghèo, chuyện sướng và khổ, Phú hộ và Ladarô:
- Ông phú hộ: trắng trẻo, khoẻ mạnh, giàu có - đã hưởng thụ suốt đời: mặc toàn lụa là/ gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.
- Ông Ladarô: mụn nhọt đầy mình, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông phú hộ rớt xuống. Lại thêm mấy con chó/ cứ đến liếm mụn nhọt của ông.
Chúng ta thấy một sự đối chọi thật là chói mắt:
Một bên: mặc là toàn lụa là/ gấm vóc ↔ một bên: là mụn nhọt đầy mình…
Bên này: bàn tiệc đầy tràn, rớt cả xuống đất ↔ bên kia: thèm được ăn những thứ trên bàn ăn kia rớt xuống.
Một bên: ăn, nhậu thịt chó tối ngày ↔ còn bên kia, ngược lại: chó chuẩn bị ăn thịt người… chó đến liếm những gì gọi là “thừa” trên thân xác mụn nhọt.
Và sự đảo lộn sau cái chết.
Ông nhà giàu cũng chết ↔ Người nghèo này chết.
Ngưởi giàu: được đem chôn ↔ người nghèo: được thiên thần đem vào lòng ông Ap-ra-ham
Người giàu: dưới âm phủ, chịu cực hình ↔ Người nghèo: La-da-rô ngồi trong lòng ông Ap-ra-ham.
Sự đảo lộn không thể nào thay đổi nữa. Khoảng cách ngắn giữa bàn ăn/ với cổng nhà/ đã thành vực thẳm không thể vượt qua được nữa.
Ông phú hộ suốt cuộc sống đã lãnh hết phần của mình, những cái tốt và đã hưởng một mình.
La-da-rô cũng vậy, tức là suốt đời cũng nhận hết phần của mình, những cái xấu, và chịu một mình.
Cái đảo lộn diễn ra bây giờ và không thay đổi, không chia với nhau được nữa.
Xin lấy một thí dụ đời thường trong gia đình: mẹ cho hai đứa con nhỏ (một trai một gái)mỗi đứa một cái bánh ngọt. Đứa con trai “lủm” sạch ngay. Đứa con gái ăn một chút rồi để dành. Tới hồi đứa con gái lấy ra ăn, đứa con trai đòi ăn nữa. Đứa con gái không cho. Đứa con trai bù lu/ bù loa “méc”: “Má ơi, nó không cho con ăn”. Mẹ sẽ bảo: “Má cho mỗi đứa một cái, con ăn hết rồi, bây giờ em nó ăn phần của nó/ sao con lại đòi? Má biểu nhé, lần sau/ hai đứa cùng ăn một cái, để dành một cái, lúc nào thèm thì chia nhau mà ăn nữa”!
Vậy thì dụ ngôn tiếp tục dạy cách giải quyết vấn đề giàu và nghèo/ theo kiểu bà mẹ này/ dạy hai con.
Nước Thiên Chúa là phần của người nghèo, của cải thế gian phần của người giàu, nếu người giàu chia phần của mình với người nghèo bây giờ/ thì khi tới phiên được hưởng, người nghèo sẻ chia Nước Thiên Chúa cho người giàu.
Ông Da-kêu là người đã thực hành đúng như vậy khi giao ngay cho Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa gia tài của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đọat của ai cái gì, tôi xin đền gầp bốn!”
Chúa Giêsu xác nhận: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến trong nhà này!”.
Chúng ta cúi đầu và đấm ngực mà xin lỗi Chúa, xin Chúa giúp chúng ta biết sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi đau của những con người nhỏ bé nhất hằng ngày ở bên cạnh chúng ta, bằng cách mở rộng tấm lòng, mở rộng đôi tay, mở rộng hầu bao…/ để làm sáng danh Chúa chứ không vì danh tiếng của chúng ta, để cứu các linh hồn, và để đền tội riêng của chúng ta, và sau này được chung chia với mọi người trên Nước Thiên đàng. Amen.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.