Có một anh chàng thanh niên kia nổi tiếng là ăn chơi, khi đọc dòng chữ ghi trên tấm bảng trước cửa thiên đàng: "Nơi đây là cõi phúc, chỉ lo đọc kinh, cầu nguyện và ca tụng Chúa." và anh chàng nhìn xuống dưới cửa hỏa ngục thấy ghi dòng chữ: "Nơi đây là đệ nhất ăn chơi, nhậu bia ôm, mássage, nhảy đầm thâu đêm, phục vụ 24/24 tất cả đều không trả tiền". Anh chàng thấy thích quá, bèn xuống mở cửa đi vào bên trong. Ôi! chẳng thấy gì hết, chỉ toàn là quỉ dữ và dầu xôi lửa nóng. Anh chàng liền hỏi con quỉ chúa: "Sao không thấy ăn nhậu gì hết vậy?" Quỉ chúa cười khoái trá và nói: "Đó chỉ là quảng cáo tiếp thị thôi cha nội."Xã hội nào cũng có những “tay ăn chơi”, thường gọi là “dân chơi”, Tây phương gọi là Playboy. Người giàu dư tiền bạc mới dám ăn chơi, người nghèo có muốn ăn chơi cũng chẳng có mà dám:
Có tiền thỏa thích ăn chơi
Không tiền làm toát mồ hôi cả ngày.
Nói chung, giới nào cũng có “kiểu ăn chơi” đặc thù. Phung phí khi mua một món đồ chưa thực sự cần thiết, xài đồ xịn/ hoặc hàng hiệu để chứng tỏ mình có “đẳng cấp” hoặc/ để lòe thiên hạ, đó cũng là một dạng “ăn chơi”.
Dụ ngôn TM hôm nay (Lc 16:19-31)là dụ ngôn điển hình về chuyện ăn chơi của anh nhà giàu… mà không quan tâm đến người bên cạnh nghèo khổ.
Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một anh nhà giàu, mặc toàn là lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Rồi có một anh chàng nghèo khổ tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm ngay trước cổng của anh nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của anh ấy rớt xuống mà ăn cho no mà cũng chẳng được. Có mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Người nhà giàu thì thường là “sang”, sống thoải mái, không phải “điên cái đầu” vì phải “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Nhưng vì sung sướng mà người ta dễ sa đà, không quan tâm đến ai nữa.
Chúa Giêsu bảo: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Mt 26:11; Ga 12:8).Ngài “nhắc khéo” chúng ta về động thái bác ái đích thực: Mở cả tấm lòng, mở cả đôi tay, và mở cả hầu bao. Đó là sống đạo, sống đức ái, là chia sẻ, là cảm thông, là hiệp thông… như Thánh Phaolônói: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12:15).
* Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người ta dùng câu “tứ đại phú hộ”để chỉ bốn người giàu nhất Saigon, cũng như nhất miền Nam kỳ lục tỉnh/ và cả Đông Dương thời đó. Để dễ nhớ, dân gian có câu: Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định.
Ông Huyện Sỹ, tuy giàu sụ nhưng ông đã biết xử lý đồng tiền theo hướng tốt lành và hữu hiệu. Ông dành nhiều thời gian cho hoạt động phát triển nông nghiệp và truyền bá đạo. Ông còn tài trợ xây Nhà thờ Huyện Sỹ (Chợ Đũi, quận I, Saigon)ngay trên phần đất của ông. Cháu ngoại ông là Nguyễn Hữu Thị Lan(con bà Lê Thị Bính) được gả cho vua Bảo Đại, và được gọi là Nam Phương Hoàng hậu.
Mọi người như nhau, ai cũng vào thế gian với hai bàn tay trắng, và khi rời thế gian cũng vẫn hai bàn tay trắng. Đó là điều chúng ta phải nhớ. Nhớ không chỉ để mà nhớ như bài học thuộc lòng, mà nhớ để mà hành động cho đúng Thánh Luật của Thiên Chúa: Mến Chúa và Yêu tha nhân.
Cuối câu chuyện dụ ngôn là một sự đảo ngược lạ thường. Anh nhà giàu lại là kẻ mong Lazaro “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của anh ta! Trước kia Lazaro “thèm những thứ trên bàn ăn của anh rớt xuống mà ăn cho no”… Thì hôm nay anh “thèm” được Lazaro: “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi anh cho mát, vì ở đây anh bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”
Như vậy, sự giầu có không là tội/ mà sự vô cảm mới chính là nguyên do dẫn anh nhà giầu chịu cảnh đau khổ ở đời sau. Anh đã bỏ rơi đồng loại trong khi anh có khả năng giúp đỡ họ. Anh đã phớt lờ những mảnh đời bất hạnh bên cạnh sự giầu có xa xỉ của anh. Hậu quả là anh cũng bị mọi người lương thiện nhân ái bỏ rơi anh trước cửa Nước Trời.
Xin Chúa giúp cho chúng ta biết chân thành sống yêu thương và thể hiện lòng trắc ẩn/ để sống đức ái thực sự. Xin đừng để chúng ta vô cảm mà bàng quan trước những phận người khổ đau. Amen.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.