Người phú hộ giàu có hôm nay được thánh Luca trình bày rất gợi cảm: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19). Thánh Luca không nói rõ người đó to cao, mập mạp thế nào? Nhưng cứ sự thường thì đây phải là một người tốt tướng. Ông ta mang trên mình những thứ sang trọng theo kiểu cung đình. Ông được nhiều người hầu hạ. Và, ăn uống tối ngày với những món ăn đặc sản thời bấy giờ.
Và người giầu có này không làm điều ác, ông chỉ dửng dưng với thế giới chung quanh. Ông tự tổ chức yến tiệc, tự nhốt mình trong một thế giới riêng: nhỏ bé, cô đơn. Ông không quan hệ với ai trong tình thương, nên ông như không có tên, Tin Mừng chỉ gọi ông là "người giầu".
Nhưng ngược lại với hình ảnh của người giàu có, là một người nghèo khổ: “Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16, 20). Chỉ những người mong có quan hệ mới có tên. Tên anh là Ladarô, một người nghèo, được nhiều người biết.
Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một căn nhà. (cổng đến nhà…)
Nếu ông phú hộ là một người oai phong lẫm liệt, thì Lazarô lại là một người thấp cổ/ bé họng, bệnh tật.
Nếu ông phú hộ mặc những thứ vải vóc sang trọng, thì Lazarô có lẽ chỉ có mảnh vải rách che thân.
Nếu nhà phú hộ ăn uống linh đình, thì Lazarô chỉ mong được những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống mà cũng không ai cho. Chỉ có những con chó đến liếm ghẻ chốc của Lazarô mà thôi.
Một sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Tuy nhiên, hình ảnh đó đã bị đảo lộn khi cả hai cùng chết. Tin Mừng cho thấy: “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22). Chính cái chết làm cho tình trạng của hai người hoán đổi cho nhau.
Tại sao lại có tình trạng như vậy? Thưa, chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” của nhà phú hộ khi còn sống.
Tin Mừng làm nổi bật sự mỏng dòn của tiền bạc, một lúc nào đó tiền của không còn là chỗ dựa duy nhất. Hình ảnh của nhà phú hộ luôn coi tiền bạc như lá bùa hộ mệnh của mình; còn Lazarô thì sống dở, chết dở ngay ở cổng nhà ông. Vì vậy, anh chỉ còn một chỗ dựa duy nhất đó là Thiên Chúa.
Qua dụ ngôn này, Chúa lại mời gọi lòng thương xót. Chính lòng thương xót sẽ kéo con người ra khỏi sự vô danh. Và cho họ một tên gọi, tên này sẽ còn tồn tại mãi: "La–gia–rô".
Thiên Chúa luôn gần gũi với những người nghèo khổ. Khi dửng dưng, sống xa người nghèo khổ, ta người vô tình rời xa Thiên Chúa. Và ngài cũng không phạt người giầu lập tức, cũng chẳng cho La–gia–rôcó ngay bánh để ăn. Điều mà phép lạ không giải quyết thì tình thương sẽ làm được: Nếu người giầu biết chạnh thương, nếu ông biết lưu tâm…
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: giàu có không hẳn là tội, và nghèo chưa chắc đã phải là nhân đức. Nó trở nên tội hay không là do thái độ lựa chọn và sử dụng nó. Nước Trời không có chỗ cho những người ích kỷ, vì đã không biết yêu thương, do thái độ “vô cảm”; “dửng dưng” trước nỗi khốn cùng của anh chị em.
Cầu xin Chúa:
Cho con đừng mãi dửng dưng
Cho con cuộc sống không ngừng yêu thương
Mến người nghèo khổ tha phương
Ân cần chia sẻ gió sương cuộc đời .
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.