"TỰ SỰ"
Tin Mừng theo Thánh Luca thuật lại Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế như sau: Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác. “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác; trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Luca 18, 9-14)
Khi đọc đoạn Tin Mừng trên, ai trong chúng ta cũng đều có thiện cảm với người thu thuế và lên án tên Pha-ri-sêu kiêu căng. Đức Mẹ Maria trong bài ca “Ngợi khen” (Magnificat) cũng nói:
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”
(Luca 1,51-52)
Tôi nghĩ rằng: đoạn Tin Mừng trên nghiêng về thái độ…. Chứ không đề cập: ai xứng đáng đứng gần hoặc đúng xa Bàn thờ trong Đền Thờ Do Thái.
Tại một số Nhà thờ trong Giáo phận Phan Thiết mà tôi có dịp tham dự Thánh Lễ, hiện tượng bỏ trống những dãy bàn quỳ phía trên (gần Bàn thờ) khá phổ biến, nhất là trong những ngày Lễ thường - Lễ dành cho các Hội Đoàn. Đặc biệt là ngày Lễ của Hội Gia trưởng, thì hiện tường này càng rõ nét. Hai dãy bàn quỳ bên phải (dành cho phái nam) được chia làm hai “nhóm”. Nhóm I (phía trên): lác đác các vị HĐMV, Nhóm II (phía dưới): Cao niên có, trung niên có, và Gia trưởng trẻ. Hình ảnh này rất không đẹp mắt!
Tôi không nghĩ rằng: Các vị ở phía dưới “Khiêm nhường” không dám quỳ gần Bàn thờ ? Hay các vị quỳ phía trên không “Khiêm nhường”? Nhưng có lẽ là do thói quen hoặc ái ngại khi đi lên phía trên quỳ, nhất là đối với quý Gia trưởng trẻ có tấm lòng nhường cho các vị cao-trung niên; Các vị cao-trung niên lại có tâm lý nhường cho các vị “cán bộ” trong xứ; các vị “cán bộ” lại có tấm gương “Kính lão đắc thọ”. “Kiếp luân hồi” cứ khép kin!
Trong Thánh lễ, tất cả cộng đoàn là: anh chị em và chúng ta. Do đó, không có “địa vị” ở đây; không có “giàu nghèo” mà là anh chị em với nhau và đều là tội nhân trước mặt Chúa.
Có tâm tình khiêm nhường khi tham dự Thánh lễ để hiệp thông với cộng đoàn tôn thờ, cảm tạ Thiên Chúa hoặc mỗi người có tâm sự riêng tư với Chúa là Đúng! Nhưng mà quá “Khiêm nhường” đứng ngoài Nhà thờ hay quỳ ở những dãy bàn xa xa trong khi các dãy bàn phía trên còn quá trống thì có thể là không đúng?
Đôi lúc vô tình, chúng ta lại là những người thiếu khiêm nhường khi không vâng lời Cha Xứ hoặc không nghe theo sự hướng dẫn, sắp xếp của Ban trật tự đề nghị chúng ta lên quỳ để “điền vào chỗ trống” cho các dãy bàn phía trên!
Nếu chúng ta khiêm nhường trong lòng, bình đẳng quỳ với nhau theo thứ tự “ai đến trước quỳ trước” từ bàn thứ nhất (mỗi bàn 4 vị). Tiếp theo bàn thứ hai, thứ ba…thì giờ Lễ thật là ấm cúng, sum vầy bên Cha Chủ Tế. Thánh Lễ càng trở nên nghiêm trang, sốt sắng và linh động!
Không ai trong chúng ta lại cho rằng: việc đó là không khiêm nhường, là phô trương? Nhưng chúng ta nên mạnh dạn thực hiện. Thật là vô lý, trong Thánh Lễ Chúa Nhật, số lượng tham dự đông mà các dãy bàn phía trên cũng chỉ hai, ba thậm chí một người một bàn quỳ? Cùng lúc phía dưới thì trên bốn người một bàn và phải đứng ngoài Nhà thờ vì không tìm được chỗ quỳ! Nếu ai cũng”ráp vô” cho đủ “4 in 1” từ trên xuống, chắc chắn bàn quỳ sẽ thừa ở phía dưới, rồi mọi người sẽ có chỗ quỳ đàng hoàng trong Nhà thờ.
Thay đổi một thói quen không phải dễ, không thể thực hiện ngày một, ngày hai! Nhưng mỗi người chỉ cần có một chút khiêm nhường đúng nghĩa thì chúng ta nhất định tạo được một nền nếp đẹp mắt. Đó là quỳ, đứng, ngồi trật tự!
Thánh lễ Cộng đoàn nói chung cũng như Thánh lễ dành cho Gia trưởng sẽ là Thánh lễ trang nghiêm, sốt sắng, linh động, đoàn kết, thân thiện và đẹp mắt. Mong thay!
Pet. TB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.