Thánh Giuse là người đồng trinh nhưng đã không ở một mình, Ngài đã sống chung với Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, Ngài sống trong gia đình và làm chủ gia đình. Chúa Giêsu xưa cũng không ở một mình, Ngài đã xuống thế trong khung cảnh một gia đình. Suốt 30 năm, Ngài đã sống trong gia đình với mẹ ruột và cha nuôi. Trong 3 năm truyền giáo, Ngài cũng đã sống chung với gia đình thiêng liêng gồm các môn đệ của Ngài. Các Đấng Cực Thánh đó đã chọn đời sống gia đình, đó là dấu đời sống gia đình rất tốt. Tại sao? Phải chăng gia đình là tổ ấm yêu thương, tình yêu. Tình yêu không phải là một xa xỉ phẩm, nó là một thứ tối cần để nâng đỡ và xây dựng cuộc sống. Một đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện, cho dù được nuôi dưỡng đàng hoàng, vẫn là một đứa trẻ bơ vơ. Một cụ già không con cháu trong viện dưỡng lão, cho dù được ăn no mặc ấm vẫn cảm thấy băng giá tâm hồn. Sống đầy đủ nhưng thiếu tình thương vẫn là sống khổ. Tình yêu làm nên hạnh phúc, đi tìm và đón nhận tình yêu không phải là việc không quan trọng, nhưng trước khi tìm tình yêu ở nơi khác, hãy tìm và vun đúc tình yêu nơi chính gia đình. Tình yêu gia đình là tình yêu tự nhiên nhất, sớm sủa nhất và lành mạnh nhất.
Gia đình phải là tổ ấm tình yêu, để rồi lại trở thành nền tảng cho mọi thứ tình yêu khác. Một người có tình thương nồng nàn đối với cha mẹ của mình, khi họ nói với Chúa: "Lạy Cha chúng con ở trên trời" hay khi nói với Đức Mẹ: "Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành", họ sẽ hiểu một cách sống động, ý nghĩa sâu đậm của những danh xưng đó, bởi vì bản thân họ đã có kinh nhiệm sống động một cách tự nhiên về những tình yêu ấy.
Một người đã có kinh nghiệm về trách nhiệm và tình cảm của một người cha, người mẹ, người anh, chị, em v.v...sẽ biết phải đối xử như thế nào cho đúng với nghĩa, khi họ gọi một người nào bằng một trong những thứ tiếng đó. Nhưng tình nào mà lại chẳng có hy sinh. Tình yêu thiếu hy sinh là tình yêu giả; hy sinh thiếu tình yêu là hy sinh thừa. Tình yêu trong tổ ấm gia đình không phải là một luật trừ.
Cho dù gia đình toàn là những người rất thánh cũng khó tránh được những chuyện làm buồn lòng nhau. Chúa Giêsu khi lên 12 tuổi, Ngài đi lễ rồi ở lại đền thờ mà không nói trước, làm cha mẹ đau xót đi tìm con mấy buổi. Trong Thánh Gia còn có những chuyện làm buồn lòng nhau, phương chi các gia đình khác. Đó là những chuyện hy sinh thông thường, còn biết bao hy sinh khác do những vất vả, lo lắng, chịu đựng thường ngày gây nên. Điều quan trọng không phải là tránh được hết những chuyện không vui, nhưng là biết lợi dụng tất cả vui buồn để dắt nhau về cõi phúc.
Nếu hiểu biết như thế, nhất là nếu biết thực hiện như vậy thì gia đình sẽ là tổ ấm tình yêu, vừa là nơi đặt nền cho mọi tình thương và cũng là lò luyện hy sinh.
PTB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.