Những năm gần đây bão đang ngấm ngầm đổ về quê tôi. Nhưng tôi muốn nói là những cơn bão thời đại có sức tàn phá ghê gớm và tinh vi hơn rất nhiều.Thứ nhất là cơn bão truyền thông. Một trong những phương tiện truyền thông có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất hiện nay, đó là điện thoại di động. Điện thoại di động hình như có mặt ở khắp mọi nơi, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, nằm trong tầm tay của hết mọi người.
Điện thoại di động bám sát ta như hình với bóng, giúp ta trao đổi thông tin rất nhanh. Nhiều khi thiếu nó, ta cảm thấy trống vắng, bứt rứt, khó chịu. Đôi lúc nó còn chi phối cả suy nghĩ và hành động của ta. Có thể nói, điện thoại là một con dao hai lưỡi rất nguy hiểm, đang góp phần gây nên “cơn bão truyền thông”, ngấm ngầm tàn phá thế hệ trẻ hôm nay.
Tivi cũng có sức ảnh hưởng không kém. Từ màn ảnh nhỏ, người ta có thể biết được những thông tin như tin tức, thể thao, văn hóa và giải trí… Tuy nhiên, tivi cũng có ảnh hưởng tiêu cực đối với các thanh thiếu niên. Đó là sự xuất hiện những hình ảnh bạo lực, những hành động về phái tính, những lời nói không trong sáng, cách ăn mặc lố lăng, v.v… Tất cả những hình ảnh đó đang góp phần tạo nên “cơn bão truyền thông”, gây ảnh hưởng xấu đến lối suy nghĩ và cách sống của thế hệ trẻ hôm nay.
Cũng thật khó tưởng tượng cuộc sống này sẽ ra sao, nếu không có internet. Internet chứa đựng một kho kiến thức khổng lồ, đa dạng, liên quan đến mọi lãnh vực của cuộc sống. Internet cũng là phương tiện giúp cho việc truyền đạt, trao đổi thông tin rất nhanh chóng, sống động và tiện lợi. Nhưng song song với lợi ích đó, internet vẫn tồn tại những mặt tiêu cực rất tai hại, đó là những phim ảnh xấu, những trang web đen, những xa lộ thông tin chết người.
Các phương tiện truyền thông trên đây đã và đang dồn dập đổ về khắp các vùng quê, gây tác động mạnh đến thế hệ trẻ. Hậu quả của những cơn bão âm thầm này là nhiều gia đình không còn đọc kinh tối, không còn thì giờ gặp gỡ nhau để chia sẻ, hay dùng cơm chung với nhau. Các sinh hoạt đạo đức trong gia đình, xứ đạo cũng vì thế mà càng ngày càng giảm sút.
Công bằng mà nói, các “cơn bão truyền thông” này vừa là cơ hội tốt để phát triển đời sống, vừa là sự thách thức gay gắt đối với các Kitô hữu trong việc sống đức tin và làm chứng cho Tin Mừng.
Thứ hai là cơn bão di dân. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình ở thôn quê còn gặp nhiều khó khăn, nên phần đông giới trẻ ở nông thôn phải nghỉ học sớm, di cư đến các thành phố lớn và các khu công nghiệp để tìm việc làm, lấy tiền nuôi sống bản thân, trang trải phần nào các chi phí sinh hoạt trong gia đình. Hiện tượng này đang tạo nên “cơn bão di dân”.
Một số bạn trẻ sau khi tốt nghiệp phổ thông, cũng phải xa gia đình để dấn thân vào các trường đại học, hay đi học nghề tại các tỉnh thành. Xa lũy tre làng, xa gia đình, xa khung cảnh xứ đạo thân quen…các bạn trẻ tất bật lao mình vào dòng đời cuồn cuộn đầy bất trắc. Nhiều bạn trẻ vừa học vừa làm, để tự trang trải cho bản thân.
Sự di dân từ vùng thôn quê ra các thành phố để học tập, hay làm ăn sinh sống đã và đang hình thành “cơn bão di dân”, làm đảo lộn cả nhịp sống cá nhân, làm mất đi nề nếp sinh hoạt trong các gia đình và xứ đạo. Khi con cháu ở xa gia đình, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ, thì “cơn bão di dân” thực sự là một mối lo ám ảnh các bậc phụ huynh; gây hậu quả ngấm ngầm cho các gia đình.
Thứ ba là cơn bão lửa. Các hình thức tệ nạn xã hội cũng đang tràn về làng quê, phá vỡ vẻ đẹp thanh bình vốn có xưa nay. Do thích ăn chơi, đua đòi, bị lôi kéo hưởng thụ, giới trẻ quê tôi đang bị cuốn hút vào con đường nghiện ngập, hút chích, say sưa rượu chè, bài bạc, trộm cắp…
Thực vậy! Ở nông thôn bây giờ không ít quán cà phê đã trở thành tụ điểm để dân cờ bạc gầy sòng. Vào những buổi chiều đi trên đường làng, ta dễ bắt gặp những tụ điểm uống rượu, hút chích, ghi đề… Từ em học sinh đến người dân lao động,…bất kể đàn ông hay đàn bà, đều bị cuốn vào “cơn bão lửa” kinh hoàng này. Hậu quả của cơn bão là nhiều gia đình tan nhà nát cửa, đổ vỡ hạnh phúc vì nghiện ngập, nợ nần… Nhiều gia đình phải đưa nhau chạy trốn vì những khoản nợ “rất khủng” do bài bạc, số đề gây ra.
Ngày trước, mỗi khi ra khỏi nhà, người dân chỉ cần khép hờ cánh cửa. Nhưng bây giờ, cửa đóng, then cài mà vẫn mất trộm. Thậm chí những nơi trang nghiêm như nhà thờ, chùa chiền... các bộ lư hương bằng đồng cũng “không cánh mà bay”.
Có thể nói, tệ nạn xã hội chính là “cơn bão lửa” kinh hoàng nhất đang thiêu đốt sức khỏe thể xác, tinh thần và đạo đức, làm tan vỡ nhân cách, phá hủy hạnh phúc gia đình, gây rối loạn trật tự xã hội, gieo rắc nọc độc văn hóa suy đồi, gây ảnh hưởng sâu rộng đến nguồn lao động trẻ, khi đất nước ta đang đà đi tới hội nhập và phát triển.
Thứ tư là cơn bão giá. Bao đời nay, người dân quê tôi sống bằng nghề nông, trồng thanh long và nuôi gia súc… Mấy năm gần đây, quê tôi lại phải lao đao vì “cơn bão giá”. Với tình hình giá nông sản và gia súc sụt giảm thê thảm như hiện nay, đang kéo theo hàng loạt những vấn đề khác ảnh hưởng đến người dân, như: không có tiền chi trả ngân hàng, trả tiền vật tư nông nghiệp, v.v… Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, kéo lê suốt từ vụ mùa này đến vụ mùa kia.
Việc chi tiêu trong gia đình vốn đã eo hẹp, người nông dân lại gặp nhiều khó khăn về “cơn bão giá”. Có năm trúng mùa, nhưng không trúng giá. Không bán được vì không có người mua, hoặc bị thương lái ém giá. Hậu quả là kinh tế nhiều gia đình bị lao đao. Có người phải bán đất, bỏ xứ đi tha phương cầu thực.
Trên đây chỉ là một vài cơn bão đang góp phần tàn phá quê tôi. Sức gió tàn phá của những cơn bão này không tính bằng km/giờ, nhưng được tính bằng năm tháng cả cuộc đời. Lượng mưa tàn phá của những cơn bão này không tính bằng mét, nhưng được tính bằng cả thế hệ.
Hậu quả của những cơn bão này rất khó khắc phục và rất đau thương. Hiện nay biết bao tâm hồn đang phải ngụp lặn trong đau thương dập nát. Có người đang phải gặm nhấm cái chết dần mòn. Những cơn bão này đang hủy diệt nhân cách nhiều người, xô đổ nền đạo đức, gây đổ vỡ cho biết bao gia đình… mà không có một con số thống kê nào có thể cập nhật đủ.
Có ai về quê tôi, để cảm nhận sức tàn phá của những cơn bão này.
Thương quá, quê tôi ơi!
Phan Anh Đức
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.