Anh TB đã diễn tả bài con đường, cái rìu và cái nia. Xin được góp thêm câu chuyện nghề bắt rắn độc.
Dựa vào lời trách mắng của ông Gioan Tẩy Giả (Mt 3,7)…“Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông Gioan Tẩy Giả (Tiền Hô) nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?”
Vì nhóm Pharisêu và Xa-đốc là loại người có tính tự tôn, tự đại gian ác giả hình, dựa vào gốc gác là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Họ nghĩ rằng mình là dân riêng của Chúa. Quả thực họ mang cái vỏ là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng thực ra họ chỉ là một loài rắn độc. Con rắn của ma quỷ, đối nghịch với Thiên Chúa. Nên ông Gioan Tẩy Giả đã quở mắng bọn này một cách gay gắt. “sự thật mất lòng”!
Suy cho cùng thời đại hôm nay cũng vậy, lòng ích kỷ tham lam tàn bạo của con người vẫn luôn là nguồn gốc của bao nhiêu nỗi thống khổ. Cá lớn nuốt cá bé hầu như đã thành quy luật sống được áp dụng mỗi ngày một tinh vi và khéo léo hơn..
Vào thời nhà Đường ở đất Vĩnh Châu có giống rắn lạ, mình đen vằn trắng hễ chạm vào cây cỏ, cây cỏ liền chết, cắn người, người cũng không có thuốc gì chữa khỏi. Nhưng dùng con rắn ấy chữa được bách bệnh rất công hiệu, có thể gọi là thần dược.
Vì thế nhà vua ra lệnh tha thuế cho người dân nào mỗi năm bắt nộp cho nhà vua 2 con rắn ấy. Thế là dân làng thi nhau đi bắt rắn. Có gia đình họ Tương đã ba đời hành nghề.
Một hôm có ngừơi khách lạ sang trọng ghé chơi hỏi chuyện. Người họ Tương than thở: Ông nội tôi chết vì nghề này, cha tôi cũng chết vì nghề này. Tôi đây mới làm mừơi hai năm mà đã mấy lần suýt chết.
Người khách cảm động nói: Nếu vậy để tôi can thiệp với quan trên cho anh bỏ nghề và cứ nộp thuế ruộng đất như thường.
Người họ Tương chảy nước mắt đáp lại: Ngài có lòng thương tôi xin đa tạ, nhưng xin ngài miễn can thiệp.
Người khách lấy làm lạ, hỏi lý do. Người họ Tương kể: Nếu tôi không làm nghề này thì khốn khổ đã lâu. Gia đình tôi ba đời ở đây, hơn 60 mươi năm. Dân làng này mỗi ngày một điêu linh khốn đốn vì chính sách thuế má. Thậm chí không biết bao gia đình phải bỏ xóm làng mà đi, và cũng không biết bao nhiêu kẻ chết đường chết chợ. Tôi nhờ làm nghề bắt rắn mà còn sống được, như thế tôi đâu dám bỏ nghề này.
Tuy rằng nhà vua đã có loại rắn chữa bá bệnh, nhưng còn 4 chứng mà người ta gọi là: “tứ chứng nan y” được thầy Xiển chữa trị.
Thầy Xiển làm thầy thuốc. Cho nên vua thường mời vào kinh chữa bệnh. Một hôm, vua đang nô đùa cùng bầy cung phi, thì thấy thầy Xiển bước vào. Vua nhin thầy Xiển hỏi có việc gì?
Thầy Xiển đáp:
- Hạ thần nghe nói Hoàng thượng mắc phải bốn bệnh hiểm nghèo mà sách gọi là "tứ chứng nan y", nên vội vàng vào thăm Hoàng thượng.
Vua khó chịu nói:
- Thiên hạ ác miệng nói càn như vậy, chứ lâu nay Trẫm vẫn khỏe mạnh, có việc gì đâu! À thế "tứ chứng nan y" là những bệnh gì?
Thầy Xiển tâu: - Dạ "tứ chứng nan y" họ nói đó là què, mù, câm, điếc.
Vua nổi giận:
- Ðộc ác đến mức ấy là cùng! Trẫm mà biết kẻ nào bịa chuyện phao đồn ra đầu tiên thì Trẫm sẽ cắt lưỡi chứ không tha!
Thầy Xiển nói:
- Hạ thần nghe thiên hạ đồn như vậy. Bây giờ mới biết là sai. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì lại thấy là có nguyên do cả đấy ạ!
Vua hỏi: - Nguyên do như thế nào?
Thầy Xiển giả bộ rụt rè:
- Xin Hoàng thượng tha tội kẻ hạ thần mới dám nói.
Vua bằng lòng. Thầy Xiển nói:
- Thiên hạ thấy Hoàng thượng suốt năm chỉ quanh quẩn trong cung điện nên họ lầm tưởng là ngài què. Nước sắp mất mà Hoàng thượng vẫn ung dung vui thú, nên họ lầm tưởng là ngài mù. Trước cảnh núi sông bị quân giặc dày xéo mà Hoàng thượng cứ ngồi im, nên họ tưởng là ngài câm. Khắp nơi người ta đều kêu Hoàng thượng là kẻ hèn yếu, khiếp nhược nhưng ngài vẫn làm ngơ ký hòa ước hàng giặc, nên họ lầm tưởng là ngài điếc.
Vua biết Thầy Xiển chửi mình, tức uất người nhưng không đủ lý lẽ để bắt tội được.
Ước gì các nhà lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng, loại bỏ lòng tham lam ích kỷ, dám can đảm nhìn thẳng vào đời sống của nhân dân, để xây dựng một đất nước văn minh, công bằng thật sự, không còn cảnh cá lớn nuốt cá bé, con người không còn tìm cách bóc lột hãm hại lẫn nhau nữa.
Sứ điệp của ông Gioan thành thực giới thiệu với chúng ta Đấng cứu độ là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến để mời gọi chúng ta “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. để được giao hoà với Thiên Chúa.
Vậy mùa Vọng cũng là thời gian để chúng ta hãy cùng nhau biết quyết tâm từ bỏ các tật xấu, tích cực làm việc lành cho xứng với lòng thống hối.Xin cho mọi người chúng ta biết chu toàn bổn phận của mình, cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để trong ngày Chúa đến, chúng ta cùng đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần trong mùa giáng sinh này.
Không những cá lớn nuốt (chửng) cá bé mà lại còn thêm ma cũ cũng thường hay bắt nạt ma mới nữa. Oái oăm thay!
Trả lờiXóaBiết bao mùa sám hối, trông đợi đã trôi qua rồi mà có nhiều kẻ đang còn sống trong tình trạng "tứ chứng". Hãy mau quay bước trở về để lãnh nhận ơn cứu độ và hưởng phần gia nghiệp trên thiên quốc.
Trả lờiXóa