Ách êm ái - Gánh nhẹ nhàng !
Thứ Tư (11/12/2013), Lễ nhớ thánh Đamasô I, Giáo hoàng, bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu:“Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28 – 30)
Do tuần này (tuần II Mùa Vọng), người viết theo lịch phân công, phụ trách chiếu Đáp ca, Tung hô Tin Mừng … trong Thánh Lễ hằng ngày. Chiếu ngày hôm sau thì phải soạn trước ngày hôm nay : Thánh Lễ ngày đó: nhớ hay kính Thánh nào? Bài đọc thuộc sách gì? Chương? Từ câu đến câu? Bài Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, Máccô, Luca hay Gioan? Và đoạn-câu? Cha Xứ biếu mỗi thành viên trong tổ chiếu một cuốn lịch Công Giáo, nên anh em biết cách tìm các bài đọc trong Sách Lễ khá giỏi? Khó nhất là lễ kính riêng hoặc Lễ ngoại lịch, không tìm ra thì nhờ Cha hoặc nhờ quý Soeurs!
Sẵn có Kinh Thánh toàn tập : Cựu và Tân Ước, nên đôi lúc cũng làm siêng mở Kinh Thánh ra đọc trước (chứ không phải thường xuyên). Tối thứ Ba trước thứ Tư, người viết đọc đoạn Tin Mừng trên.
Đọc xong, thấy cũng rét! Gánh đã nặng rồi, nay Chúa lại bảo: Anh em hãy mang lấy ách của tôi! Ách thì làm sao mà Chúa lại bảo êm ái được?! Tôi hồi ức lại cái thời cách nay trên 30 năm, người nhà nông sản xuất lúa gạo, mà “khoái ăn sang” rồi đi cày đi bừa. Cày bừa để gieo mạ, cấy lúa ruộng hoặc cày đất nương rẫy trỉa mè, đậu và vun khoai lang. Nửa buổi, bụng đói meo, dừng cày, cắm bừa, lên bờ ruộng nếu làm lúa ; lủi vào bóng cây nếu làm nương. Mở đồ ăn lỡ ( giữa buổi ) ra, lại thấy toàn khoai! “Không ăn thời đói thời gầy, ăn vào nước mắt đổ đầy bát khoai lang xéo!”
Sau bao tháng nhọc nhằn, vất vả chăm sóc lúa khoai, người nhà nông được mùa to. Lại rộn ràng khắp xóm làng, kĩu kịt quang gánh, đoàn đoàn lũ lũ thu hoạch sản phẩm. Các cô gái đôi chân thoăn thoắc, gánh trên vai trên 30 kilôgam, mồ hôi ướt đẫm, môi bịm lại, hết duyên! Các chàng trai khỏe sức, đòn gánh tre cong xuống như cánh cung, lúa khoai chất đầy, nặng có đến 5o kg? thở hổn hển “phình phường”. Gánh nặng! lúa khoai nhiều, no bụng làm càng hăng?
Còn thành phần buôn thúng bán bưng thì sao? Họ cũng phải gánh! Gánh hàng rong: bún mắm nêm, bún giò, bún chả, bún xào, bún bò Huế ; gánh chè: chè đậu xanh, đỏ, chè chuối, chè khoai, chè nếp, chè bưởi, chè … ; gánh bánh mì: xí mại, chả cá, dăm bông, chả viên; gánh rau: rau xà lách, rau cải, rau răm, rau muống, rau đồng tơi, rau cần, rau ngộ, hành, tỏi…; gánh trái cây: đu đủ, xoài, ổi, mít, sầu riêng, măng cụt, dưa, dừa, lê, mận, táo,… ;…
“Gánh hàng hoa” (Khái Hưng) : Cô gái bán hoa nuôi chồng ăn học! Xem chừng nhẹ hơn cả và có ý nghĩa đem niềm vui cho người: Đám cưới, Sinh nhật, tiệc tân gia, tiệc đoàn tụ, tiệc giao lưu, tiệc hợp đồng, tiệc ngoại giao, tiệc mừng kỷ niệm,… . Nhưng cũng có lúc diễn tả nỗi buồn, sự thiêng tiếc: vòng hoa tang thành kính phân ưu, vô cùng thương tiếc, kính viếng! Hoa chưng bày trong các Thánh Lễ lớn nói lên lòng thành kính tôn vinh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh. Lẵng hoa dâng kính các cấp lãnh đạo cả Đạo lẫn đời. Bó hoa đón người thân đi xa về, đón đoàn thể thao tham dự các trận đấu khu vực, quốc tế trở về Tổ quốc với chiến thắng vang lừng? Bó hoa tặng người đi xa!
Gánh nặng là đương nhiên? Còn ách? Ách bị các nước lớn đô hộ thì vừa khổ lại vừa nặng : “Một cổ hai tròng?” Người ta có câu : “Ách giữa đường mang vô cổ”: Tự dưng chuốc khổ vào thân? Còn ách một, ách đôi dùng cho trâu, bò kéo cày, kéo bừa, kéo xe … cũng không hề nhẹ? Mỗi lần nhấc cái ách xe đặt vào cổ trâu, bò cho chúng kéo cũng trên dưới bốn, năm chục kí? Bò kéo xe in hẵn một lằn to trên cổ, thì ách không một chút êm ái?
Sao Chúa Giêsu Kitô, Ngài lại bảo: “Ách của tôi êm ái, gánh của tôi nhẹ nhàng” ??? Người viết trằn tròn suốt 2 canh không ngủ: Canh 1, canh 2 còn phân vân, lý sự! Canh 3, canh 4, canh 5,… gáy khò khè?
Chuông Nhà thờ thức giấc, vệ sinh cá nhân dăm sáu phút, ăn bận chỉnh tề, xách Laptop kịp tới Nhà thờ chuẩn bị dụng cụ máy móc, tranh thủ gặp Cha nêu thắc mắc? Bài giảng sau bài Tin Mừng Cha xứ lại khai thác chủ đề: “Hiền hậu và khiêm nhừng”. Nỗi phân vân biết tỏ cùng ai? Sau Thánh Lễ, Thầy giúp xứ thương tình kẻ “bận tâm” dành cho ít phút giải thích ý nghĩa : gánh nhẹ, ách êm trong bài Tin Mừng.
………………………
Hỡi ôi! Cả đêm không ngủ được! Công cóc! Biết một mà thiếu biết mười. Chắc cũng chả ai trách, vì chưa một giờ được học Thần học? Tuy siêng đọc Kinh Thánh, nhưng không biết hỏi Cha, không hỏi Thầy, chả hỏi Sơ, mạnh mình tự hiểu, trật lất! Chúa dùng hình ảnh: “mang Gánh nặng nề” là gánh nặng của “kiếp sống” trần gian! Và nhất là gánh nặng bởi trăm nghìn tập tục do các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu thêm vào luật Môi-sen để làm khổ, đày đọa dân đen. Bắt bẻ dân đã đành mà còn bắt bẻ Môn đệ mà thậm chí kể cả Chúa? còn mình vô tư?
Tin Mừng Mátthêu chương 23, 1-7 : Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bỏ những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kính thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội trường, ưa được người ta cháo hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp bi”.
Và cũng nói lên cái tội, tội trần gian, làm cho người ta bận tâm chạy theo vật chất, ham mê dục vọng quá mà quên tôn thờ Thiên Chúa Giavê, chứ Chúa có nói cái gánh khoai, gánh chè như mình nghĩ đâu? Chúa mời họ đến với Chúa để Chúa “Giải phóng” cái gánh nặng nề, nỗi vất vả để được nghỉ ngơi bồi dưỡng tâm hồn! Chúa bãi bỏ luật lệ thế gian sai trái, Ngài kiện toàn Luật Môi-sen, tóm về Hai Điều: “Kính mến Chúa và yêu thương người”. Còn Ách thì sao? Chúa đâu nói gì đến ách trâu, ách bò? Mà tự suy diễn rồi tự dằn vặt, tự thắc mắc? Không, “Mang lấy ách của tôi” đó là cách nói của những vị thầy dạy (Ráp-bi), hàm ý “Hãy nhận tôi làm thầy”
- Sách Ai ca chương 3, 27 : “cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ.”
- Sách Giê-rê-mi-a chương 2, 20 :
“Phải, từ lâu rồi, ách đè lên ngươi, ngươi bẻ gãy,
Xiềng xích trói buột ngươi, ngươi giật phăng ;
Ngươi còn dám nói : Chẳng làm tôi ai cả!”
- Sách Giê-rê-mi-a Chương 5, 5 :
“Tôi sẽ đến với hàng kẻ cả và nói chuyện với họ,
hẳn là họ am tường đường lối của ĐỨC CHÚA
và luật pháp của Thiên Chúa họ thờ.
Thế nhưng chính họ đã cùng nhau bẻ gãy ách,
Đập tan cả xích xiềng.”
Hãy mang lấy ách của Chúa là hãy thuộc về Chúa, theo Chúa, học và tuân phục Giáo lý của Chúa, thực thi ý Chúa để được ơn Cứu độ! (Theo Thầy Giúp Xứ)
Sau lời giải thích của Thầy, các bạn thì người viết không dám nghĩ. Riêng bản thân người viết, có đôi chút trừu tượng hóa, có đôi chút liên tưởng, có đôi chút viết lách, thì được một mẻ “cái quê” nhớ đời! và tìm hiểu rồi rút ra bài học, xin mạn phép chia sẻ:
* Về thái độ:
- Chúng ta phải đón nhận Thánh kinh trong tâm tình vui mừng, tạ ơn và ước muốn được Lời Chúa dạy dỗ.
+ vui mừng: vì Lời Chúa là lời tình yêu. Vì yêu thương, Chúa mời gọi chúng ta đến với Người để Người cho ta được sống hạnh phúc trong gia đình của Người.
+ Tạ ơn: vì Thiên Chúa cao cả đã ban cho loài người hèn mọn những phương tiện thiết yếu và chắc chắn để nhận biết, yêu mến và phụng thờ Người.
+ Ước muốn được dạy dỗ: Mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực thi mọi việc lành.
(2 Tm 1,16-17 ; Hc MK 11)
*Đọc Thánh kinh thế nào?
a). Đọc trong đức tin với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và nâng cao kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52).
* Đọc trong ước muốn:
-“Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”
(1 Sm 3,10)
-“ Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”
(Lc 11, 28)
b). Phải đọc trong Hội Thánh: Lối hành văn của Thánh Kinh nhiều khi khác với lối hành văn Việt ngữ, cả cách lý luận, trình bày tư tưởng cũng có thể xa lạ đối với người Việt Nam. Do đó, phải đọc Thánh Kinh theo hướng dẫn của Hội Thánh chứ không theo ý kiến riêng của mình hay một cá nhân nào, nhất là trong những điểm khó hiểu.
(Theo GLDT của Tòa Giám mục Xuân Lộc)
Như lời Cha xứ kết Bài giảng : Trong mùa Vọng này, hãy lấy ra bớt ra những “gánh nặng” của trần gian! Mạnh dạn tháo xiềng xích, cởi ách nộ lệ của tội lỗi! và hãy đến với Chúa Giêsu có lòng hiền hậu và khiêm nhường, Chúa sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. /.
Pet. TB (xin chân thành cám ơn Thầy Giúp Xứ đã giải thích ý nghĩa và thầy Chu đã cho biết nội dung “Gánh hàng hoa”)
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Trong một năm phụng vụ chỉ có 4 tuần mùa vọng và 5 tuần mùa chay là thường nhắc đến việc sám hối ăn năn. Không lẽ trong 2 mùa đó cứ trút bỏ được những gánh nặng xiềng xích tội lỗi xong, lại vẫn tiếp tục quàng thêm ách tội lỗi vào cổ nữa, thì khó mà chung phần gia nghiệp trên nước trời.
Trả lờiXóaTôi đồng ý với bạn Thủy Tiên, MV thường nhắc đến sám hối, ăn năn. Nhưng chỉ là một phần của chủ đề: "Vọng". Bài giảng của Cha nói lên lòng hiền hậu và khiêm nhường của Chúa, Cha kêu gọi Giáo dân hãy bớt, bỏ "gánh nặng" và "Hãy đến" với Chúa thì đã bao hàm cả ý "Sám hối, ăn năn"! Ví như nói : đi xưng tội (BT Hòa giải) chứ đâu ai nói: Tôi đi xét minh, xưng tội, ăn năn tội và đền tội? Chúc bạn mọi sự như ý!
Trả lờiXóaTôi tinh cờ đọc được bài viết về bài Tin Mừng của ngày thứ Tư vừa qua ở trên. Tôi cũng đi Lể ngày đó và nghe cha xứ giảng cùng chủ đề: Chúa hiền hậu và khiêm nhừng! Rồi ngài cũng kết thúc; Hãy đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi và ban nhiều ơn lành (bồi bổ). Ngài cũng không nói gì đến sám hối ăn năn? Theo tôi, mổi bài TM, cha giảng thế nào thì mình hiểu vậy. Miễn là đúng ý TM. Hai bạn hai ý kiến khác nhau. ý kiến của tôi là tác giả lấy ý của cha, của thầy để viết và kết luận bài văn của mình thì cũng chưa nêu lên được ý của mình?
Trả lờiXóaCác bạn nên đọc thêm bài Suy niệm:Thứ Tư sau CN II MV của GP P.Thiết: Thứ đến, trong Mt 11, 28-30 : ở đây, cho thấy dung mạo từ nhân và chí ái của Thiên Chúa, luôn đồng hành với con người, đặc biệt đối với những người vất vả với nhiều gánh nặng trên vai (thể xác cũng như tinh thần : nghèo đói, bệnh tật, bất hạnh và khổ đau…) [“Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : ‘Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng’.” (11, 28)]…Các bạn không nên tranh luận quá sâu vấn đề? Còn người viết thì sao? Cho ý kiến?
Trả lờiXóaMùa Chay chưa đến mà? Đang là Mùa Vọng, chắc gx VA còn nhiều bài viết, cha xứ còn giảng về ý nghĩa MV, đâu phải bài viết, bài giảng nào cũng phải đề cập đến sám hối,ăn năn? Tôi Thấy Bạn TT đoán xét người ta quá!Hãy để cho Chúa xét đoán! Tôi cũng đọc được nhiều bài viết của gx VA nòi về sám hối, ăn năn: bài "nghề bắt rắn độc"; "trên nnđ gian truân" ; Hãy sđc Đức cha đi"... và các bài về ý nghĩa sửa đường đón Chúa...Chỉ một bài viết trong MV mà bạn đã liên tưởng cả Mùa Chay. Tôi nghĩ rằng Cha Xứ Vinh An và người viết, họ cũng có kiến thức rộng?
Trả lờiXóaTrước hết, chúng tôi xin chân thành cám ơn mọi ý kiến, nhận xét, góp ý của các bạn. Chúng tôi xin ghi nhận và tiếp thu:
Trả lờiXóa“Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười.” Tớ xin trình bày ý kiến riêng (theo đề nghị của bạn HV): Mục đích : Thiên Đàng ; Cứu cánh : Chúa Giêsu Kitô ; phương tiện: Các Bí tích, Kinh Thánh, bài giảng, sách GL… ; Điều kiện: Sám hối, ăn năn, sửa tâm hồn, tháo ách xiềng xích tội lỗi… : Cơ hội : Các Mùa trong năm Phụng vụ... để có Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến ai?- Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các thánh…để được gặp Thiên Chúa Ba ngôi (Thiên Đàng). Chúc các bạn một Mùa vọng sốt sắng! Pet. TB
Pet TB xin chia sẻ: Chúng ta nên hiểu bản văn Kinh Thánh (tùy từng bản văn) theo 4 nghĩa chính:1. Nghĩa văn tự là nghĩa đen của chính những lời văn (nói lên biến cố);2.Nghĩa ẩn dụ (gồm cả nghĩa loại suy: ẩn dụ: che dấu đằng sau văn bản; Nghĩa loại suy cho rằng những gì đi trước Đức Kitô là hình bóng của điều phải đến.Ẩn dụ : điều phải tin; 3.Nghĩa luân lý liên quan đến những bài học luân lý được rút ra từ bản văn Thánh Kinh (điều phải làm); 4.Nghĩa thần bí đại diện một sự chuyển hướng tiêu điểm về tương lai, đặc biệt là thời sau hết hay cánh chung (Điểm phải đạt đến). Cám ơn
Trả lờiXóaMột bài viết hay có nhiều nhận xét tốt với ý tưởng trong sáng nhẹ nhàng.
Trả lờiXóaTôi Chưa thấy câu trả lời của người viết, tôi muốn hỏi tại sao lại lấy ý của thầy để viết, bài giảng của cha để kết luận bài văn? Xin có ý kiến?
Trả lờiXóaMong trả lời.
Pet TB hồi đáp: Chắc bạn thường nghe các bài cám ơn sau Thánh Lễ (Lễ Hôn phối, Lễ Bổn mạng, Lễ An táng): 1. Trọng kính Cha Xứ ; 2. Kính thưa Thầy ; 3. Kính thưa quý Soeurs ; 4. Kính thưa Quý vị HĐMV ; 5. Kính thưa Cộng đoàn dân Chúa ; … Tớ thuộc hàng thứ 5! Người ta thường nói: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” Tớ không biết thật (Rìu sắt), nên lấy bài giảng của Cha (Vàng), ý của Thầy (bạc) để viết bạn à! Lấy bài của người khác rồi gắn tên mình vào là “đạo văn”, người ta lại chê : “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” nên : Có sao nói vậy người ơi! Cám ơn bạn đã có câu hỏi rất hay. Chúc Bạn có tâm hồn màu Hồng để đón Mừng Chúa Giáng Sinh!
Trả lờiXóa