Nhẫn giả-tình thật
Duyên Trời xe định : Anh Giacôbê Hiền gặp Chị Lucia Lành trên nương khoai lang đã được chủ đất thu hoạch xong. Anh và Chị đều là con nhà “Đại Bần Cố Nông”. Nhà Anh ở xóm trên (xóm Bàu), nhà Chị thuộc xóm dưới (xóm Đầm). Năm 1945 là năm có nạn đói khủng khiếp nhất thế kỷ 20 tại Việt Nam, nghe đâu có trên hai triệu người chết đói! Gia đình Anh Chị cũng nằm trong quy luật chung đó: Đói! Vì đói quá mà chàng trai tuổi hai mươi không có ruộng nương phải đi mót khoai về luộc ăn để cả nhà duy trì sự sống. Chị cũng vậy, cô gái mười chín tuổi, ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” mà người ốm tong, ốm teo, đi đứng không vững. Đói! Chị mò vào nương khoai kiếm ít cũ sót về bỏ vào nồi mà mẹ, cha và sấp nhỏ đang nhúm bếp chờ sẵn. Đói! Cái đói lại tạo cơ hội cho Anh Chị được gặp nhau!
Tới nương khoai, Anh Hiền chợt trông thấy một cô gái, nước da trắng bệt nằm sấp bên bờ nương, tay quờ quạng như đang tìm kiếm cái gì? Chắc vì đói? Đói! Chị lả đi. Tới gần Chị, anh nghe được câu thì thào, đúng một tiếng : Đói! Hiểu ý, anh lấy nước cho Chị uống. Tay anh thoăn thoắt moi đất mong tìm được cũ khoai để “cấp cứu” Chị. Trời thương kẻ hiền lành, Anh moi được cũ khoai lang bằng ngón chân cái, lau vội vào vạt áo rồi đặt vào tay chị. Không còn gì phải xấu hổ, Chị nhai nghiến, nhai ngấu, nuốt ực ực vào bụng, uống thêm ngụm nước, khuôn mặt bầu bầu của chị tươi tỉnh lên! Anh Hiền rụt rè liếc nhìn Chị. Mái tóc thề của Chị dài quá thắt lương, cặp mắt tròn, vẻ hiền lành như chim bồ câu, sống mũi cao vừa phải, cái miệng còn dính một ít vỏ khoai lang cũng không mất duyên của Chị với đôi môi hình trái tim. Trên cổ đeo “Áo Đức Bà” để lộ ra ngoài chiếc áo cánh nhuộm nâu. Biết Chị Lành là người đồng “Đạo”, anh Hiền như có thiện cảm hơn. Đói! Cả nhà đang đói, Anh Chị đâu còn thời gian để tìm hiểu kỹ. Vừa cùng nhau cào, xới tung cả đám khoai Anh Chị cũng mót được hai rỗ khoai củ to, củ nhỏ đều đều bằng những ngón tay, họa hoằn lắm mới có vài củ to bằng cán liềm. Biết nhà Chị còn bốn em nhỏ, Anh nhường thêm cho Chị những củ khoai to hơn. Mặt trời hạ dần sau núi, Anh Chị, hai người hai hướng trở về nhà.
Các Nhà thờ trong Giáo phận Vinh tổ chức nấu cháo phát chẩn, thiếu niên trong các xứ mang tô sắp hàng chờ sẵn. Nghe tiếng trống, theo thứ tự các em lên nhận cháo. Chị Lành tham gia đội ẩm thực, tay nhanh nhẹn đong đều cháo vào tô. Tượng Ảnh Đức Bà lay nhẹ trên ngực Chị. Anh Hiền tham gia đội thanh niên “đò dọc” vận chuyển gạo từ trên Hạt về phân phối cho các Xứ Đạo. Anh Chị lại gặp nhau khi Anh vác gạo vào kho bếp. Mặt Chị ửng hồng lên, thẹn thùng, xấu hổ …nhớ đến củ khoai lang ngày nào anh trao “để chống đói”. Anh Hiền gặp Chị, hình như là… gặp được người trong mộng. Mà Anh ta mơ mộng thật, kể từ khi liếc trộm khuôn mặt bầu, đôi môi xinh của chị Lành. Anh Chị được dịp thổ lộ tâm tư…..
Cuối năm 1946, Trời cho mưa thuận, gió hòa. Ngô, khoai xanh mướt, lúa chín vàng ươm. Nhà nhà vui sướng reo vui, nạn đói qua rồi! Anh Hiền mới đầu mỗi tuần một lần đến nhà Lành. Càng về sau càng siêng đến, cách ngày một! Tình yêu sâu đậm, Chị bước sang tuổi hai mươi, thêm một năm nữa coi như “Ế”. Anh nhờ mai mối sang “Dạm Ngỏ”. Cha mẹ cô Hiền vui mừng nhận miếng trầu cay, coi như đã chấp thuận. Mùa Giáng sinh năm nay, Nhà thờ các Xứ trang hoàng đơn sơ hơn mọi năm. Bù lại, nhà nhà phấn khởi cám ơn Chúa đã cho nạn đói qua đi. Đêm Giáng sinh cùng với các bài Thánh Ca réo rắc mừng Hài Nhi con Chúa ra đời. Anh Chị lần đầu tiên bẻn lẻn bước bên nhau đến Nhà thờ xem kịch, cầu kinh, dự Lễ.
Sau Lễ Noen vài ngày, hai gia đình tổ chức Hôn sự cho Anh Chị. Lễ Cưới những năm thập niên 40 của thế kỷ trước làm gì có áo vét, khăn voăn. Lễ cưới giản đơn, đôi Tân hôn mỗi người quỳ mỗi nơi. Khi bắt đầu Nghi thức Hôn phối, mới quỳ với nhau chỗ Câu lơn - nơi Giáo dân rước Lễ, có tấm vải trắng che tay. Chủ yếu là lời hỏi của Linh Mục chủ sự, đôi Tân hôn buộc phải thưa có hoặc không. Khi trao nhẫn cũng chỉ là Linh Mục bảo :… Các con hãy trao cho nhau làm bằng chứng tình yêu. Đôi nhẫn của Anh Chị trong Lễ cưới không phải vàng thật mà là Đôi nhẫn vàng giả nhưng tình yêu của Anh Chị thì thật - thật lòng yêu thương nhau! Xuất phát từ tấm lòng Thờ phượng Thiên Chúa, tin tưởng, phó thác vào tình thương và ơn Cứu Độ của Chúa, với tình yêu nhau chân thật, gia đình Anh Chị hạnh phúc thấy rõ. Anh Chị siêng năng Đi Lễ, đọc kinh sáng tối mỗi ngày và nhiệt tình, nhiệt tâm tham gia các công tác xây dựng của Giáo xứ. Sau bảy năm cưới nhau, tưởng chừng như tuyệt vọng! Nhờ ơn Chúa, Anh Chị sinh được hai đứa con, một gái, một trai. Anh tham gia Đoàn Nghĩa binh của Giáo hạt với chức vụ Phó Đoàn….
Năm 1954, Đất Nước bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, con sông Bến Hải hiền hòa, cùng một dòng nước mà hai bờ thuộc hai miền xa lạ! Năm 1955, cùng với sự đau thương của Nước nhà có niềm đau riêng của gia đình Anh Chị. Anh bị ở lại quê nhà, còn Chị cùng hai con gánh gồng theo đoàn người di cư vào Nam. Anh Chị không có cảnh bịn rịn chia tay, vì lúc đó Anh đang theo học khóa cải tạo. Sau năm năm trời học tập, trở về mái nhà xưa - mái nhà đã chất chứa biết bao sự yêu thương của vợ chồng, bao nhiêu sự âu yếm tình thương Anh dành cho hai con. Còn đâu nữa! Họa chăng chỉ còn lại hình bóng người vợ hiền và hai con dấu yêu trong những giấc mộng chập chờn hằng đêm. Sau những giờ lao động ở nông trường HTX, Anh đến Nhà Xứ phụ giúp công việc với Cha xứ. Rồi Giáo dân trong Xứ bầu Anh vào chức vụ Chủ tịch Ban Hành Giáo của Xứ. Anh làm mãi cho đến năm 1975.
Còn mẹ con Chị, cuộc sống nơi đất khách quê người đâu dễ thở khi không có bàn tay lao động của người đàn ông! Tuy nhiên vốn là một con chiên ngoan Đạo, với bản tính cần cù, Chị bươn chải nuôi con khôn lớn. Được Chúa thương, và mang hai dòng máu đạo đức, cô con gái và cậu con trai có ý hướng theo đường tu trì. Cô con gái, tu vào Dòng nữ Mến Thánh Giá Tân Bình. Cậu trai theo học Tiểu chủng viện Sao Biển Giáo phận Nha Trang. Chị làm ruộng, buôn bán chạy chợ kiếm tiền nuôi con ăn học và nhận chức Thủ quỹ của Xứ.
Năm 1975, Đất nước được thống nhất. Đúng vào Mùa Giáng Sinh năm đó, Anh từ miềm Bắc lặn lội vào Nam với Chị. Cảnh đoàn viên gia đình của Anh Chị thật cảm động. Lần đầu tiên hai đứa con mới được thấy mặt cha. Hai vợ chồng và hai con ôm nhau mãi không rời. Chưa tròn một năm, với kinh nghiệm trên mười lăm năm Phục vụ Nhà Chúa. Anh được Xứ Đạo mới bầu đúng chức Chủ tịch Xứ. Cuộc sống một gia đình đạo hạnh lại hạnh phúc như xưa. Hai đứa con được nuôi dưỡng, giáo dục trong chốn tu trì thành thân. Nhưng, sau 1975, các dòng tu, chủng viện tạm đóng cửa, các con trở về với ruộng vườn. Không còn hy vọng quay lại nơi đào tạo, hai con Anh Chị lần lượt lập gia đình, gần gũi bên cha mẹ.
………………
Mùa No en Năm 2012, Ông Bà Hiền – Lành tổ chức Thánh Lễ Thượng Thọ và Lễ Vàng Hôn phối. Ông Bà được dành một bàn quỳ có trải khăn, chưng hoa và hai ngọn nến hồng lung linh… như cô dâu, chú rể ngày nay. Ông, bộ áo vét màu xám, mái tóc bạc, chòm râu dài trắng phau, đẹp như một ông tiên. Bà, bộ áo dài gấm đỏ, tóc cuộn khăn vàng, quý phái như bà Hoàng hậu Nam Phương. Hai dãy bàn quỳ hai bên có kết hoa, con cháu, họ hàng nội ngoại, khách khứa quỳ chật ních từ đầu đến cuối Nhà thờ. Các sơ, các thầy, cha khách trên dưới hai mươi vị. Thánh Lễ Vàng diễn ra long trọng, có dâng lễ vật, trang nghiêm, sốt sắng, đầy ý nghĩa. Sau Thánh Lễ, trong bài cám ơn, Ông xin phép Cha Chủ Lễ (một người cháu gọi ông bằng chú ruột từ nửa vòng trái đất về mừng Lễ Thượng Thọ của Chú Thím) được đổi cho bà chiếc nhẫn thật mà đúng 66 năm qua, ông vì nghèo đã trao cho Bà chiếc nhẫn giả để làm bằng chứng tình yêu trong Thánh Lễ cưới khi xưa. Cha Chủ sự thấy không sai “Thần học” chấp thuận cho ông tặng thêm cho Bà, chứ không cho đổi. Bà Lành ngây ngất trong niềm hạnh phúc được chồng yêu, chung tình, chung thủy. Hai chiếc nhẫn, một thật một giả, lấp lánh trên ngón tay áp út của Bà. Hai người cháu, một nội, một ngoại trong chiếc áo chùng thâm, mang hai bó hoa hồng tươi, to dâng lên ông bà nội, ngoại. Đứa chắt gái hai mươi tuổi trong bộ Áo dòng trắng tinh, đầu đội lúp trắng, ngực cài hoa, nghiêm trang lên Bàn thờ tặng Cha Chủ Lễ lẵng hoa tám màu tượng trưng cho trên mươi năm tuổi đời và trên sáu mươi năm Hôn phối của ông bà Cố. Tiếng vỗ tay rộn ràng, kéo dài hơn pháo nổ.
Đôi nhẫn chứng hôn tuy giả nhưng tình yêu của ông bà không hề giả. Sáu mươi sáu năm thành hôn, có đến hai mươi năm xa mặt mà không cách lòng. Ông Bà là tấm gương không những cho con cháu noi theo, mà cũng cho cả Giáo xứ học hỏi. hậu duệ của Ông Bà có hai Thầy đang theo học Đại chủng viện, một tập sinh Dòng nữ. Nếu được Chúa chọn và Ông Bà còn sống sẽ thấy ba người cháu chắt, một sơ Khấn Trọn và hai thầy tiến lên Bàn Thánh Phục vụ Chúa và Giáo Hội ./.
Pet. TB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Bài viết cảm động quá. Cho dầu cuộc sống nhiều lắm gai chông, thử thách nhưng hai ông bà vẫn một mực yêu thương nhau và thờ phượng Chúa hết lòng, đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí con cháu và mỗi người chúng ta.
Trả lờiXóaTIÊN BỒNG