Tiền không bao giờ nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về tiền, tuy nhiên nói chưa nhiều bằng nghĩ. Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền. Cần mà không dễ có, muốn có phải lo tìm, tìm hoài vẫn chẳng đủ, không đủ nên lại càng cần, cái vòng lẩn quẩn đó dắt con người lại làm quen với tiền, làm quen rồi quen thuộc, quen thuộc dẫn tới quen thân, cứ thế đồng tiền ung dung đi vào cuộc sống con người bằng đủ mọi đường, mọi ngã. Tiền là vật chất, nhưng nó không là một sự vật như mọi sự vật khác, dù rách dù hôi nó vẫn được kính trọng, dù đẹp dù xấu nó vẫn được người ta dành riêng cho nhiều tình cảm.
Trong cuộc sống thực tế, tiền bạc coi là giá trị làm nên mọi giá trị. Người nhiều tiền được kính nể, nghề nhiều tiền được coi là nghề quý, người khéo làm ra tiền được coi là người giỏi. Nhiều tiền mới trông có được một đời sống đỡ khổ, nhiều tiền mới mở mang được các cơ sở tôn giáo, mới thực hiện được những dự án xã hội, bác ái. Nghèo đi liền với khổ, có nhiều tuy sao vẫn sướng hơn. Tiền giải quyết tất cả. Ai cũng lo kiếm tiền trên hết. Nếu tiền đã được coi như một giá trị vạn năng trong thực tế, thì chính cuộc sống thường cũng được hiểu theo một chiều hướng ăn nhịp với ý nghĩa của tiền, một khi tiền được kể như phương thế cần thiết để gây nên hạnh phúc, thì khó có thể có chuyện tách rời cuộc sống ra khỏi đồng tiền. Khởi đi từ cuộc sống hiện tại, con người tìm về cuộc sống an vui và sung sướng hơn, cuộc sống đó chưa có nhưng được xây dựng bằng mơ ước dự trù, cái thế giới mộng ước đó có thể thực hiện được, tất nhiên phải kiếm ra tiền. Nếu có thể nói: Kẻ mong được nhiều tiền là kẻ dễ mê tiền hơn kẻ chỉ mong được ít, thì kẻ càng giàu càng dễ mê tiền. Kẻ giàu khi đã quen xài tiền và quen hưởng danh lợi thú do việc xài tiền, thì thói quen đó trở thành một nếp sống, nếp sống đó tiến lên một nhu cầu và đẻ sinh ra nhiều đòi hỏi mới. Để thỏa mãn họ phải nhiều tiền, nhiều tiền để duy trì nếp sống đã cao. Một đời sống đã bị thói quen ràng buộc vào đồng tiền quá chặt chẽ như thế, sẽ không tránh được tính mê tiền, nhất là khi ý chí đã không quen từ chối những rủ rê của thế gian xác thịt.
Thói quen nào cũng có thể trở thành đam mê, đam mê nào cũng có thể làm cho con người mù quáng. Có nhiều ý kiến cho rằng: Đam mê sắc dục dễ mù quáng nhất, nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém, có phần lại hơn. Người đam mê sắc dục tới một giới hạn nào đó sẽ dễ biết mình lỗi lầm, còn người mê tiền thường không thấy giới hạn nào. Họ có thể ước mơ tiền bạc suốt đêm, bàn tán về tiền bạc suốt ngày, vơ vét tiền bạc suốt năm, mà vẫn không cho đó là vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần phải xét lại. Họ mê mà vẫn tưởng mình không mê, họ đâu có cho việc mê tiền của họ là hèn, trái lại họ còn tự phụ là khác. Nếu họ lại sống trong một xã hội thối nát, thì mây mù càng kéo dày trên khuôn mặt họ hơn, bởi vì họ sẽ được khuyến khích hơn. Cần tiền là chuyện không tránh được, nhưng mê tiền là tính xấu, đầy nguy hiểm. Nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên cứng cỏi, thiếu bác ái với người nghèo. nguy hiểm vì nó cũng dễ đẩy ta vào số phận chết không chuẩn bị, như người phú hộ nọ trong lúc mãi miết tính toán tiền bạc, thì thần chết ập tới lôi đi.
Trong một thế giới mà hình ảnh của đồng tiền bao trùm quá rộng từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đến cả luân lý, đạo đức thì những lời cảnh báo của Chúa sẽ bị coi như lạc lõng. Chúa biết nhưng Người đã nói: "Dù trời đất qua đi, lời Ta sẽ không qua đi bao giờ".
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Tiền không bao giờ nói nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về tiền.....Nếu biết dùng của cải mình có sẽ chia với những người nghèo khổ, bệnh tật, cô độc thì những đồng tiền đó rất là giá trị. Hay tuyệt
Trả lờiXóa