(PHẦn 2) -NgƯỜi Công Giáo VIỆt Nam Theo ĐẠo NưỚc Ngoài,
BỎ TỔ Tiên Ông Bà?[1]
Lm.Anphong
Nguyễn Công Vinh
Hiếu
thảo với tổ tiên, ông bà là giới luật của Chúa
Đạo Hiếu là một trong ba mối giây lớn (tam cương) trong đạo làm người của
Việt Nam. Yêu mến cha mẹ, kính nhớ ông bà tổ tiên, tình cảm giữa những người
cùng huyết tộc, lòng tôn kính biết ơn đối với thầy cô, với những người coi sóc mình là những tình cảm cao quý, trở thành những
giá trị ưu tiên trong cuộc sống của dân tộc
Việt Nam.
Có một thời, một số người ngoài công giáo quan niệm rằng theo Đạo Công Giáo là
bỏ ông bà cha mẹ. Đây là quan niệm rất sai lầm. Người công giáo cũng là người
Việt Nam, tự bản chất vẫn hiếu kính cha mẹ. Còn hơn thế nữa, lòng hiếu thảo tự
nhiên, nhờ Thiên Chúa chỉ dạy, được mang thêm ý nghĩa siêu nhiên, hiệp thông với
Thiên Chúa[2].
Có điều khác biệt là người công giáo không
thờ cha mẹ ông bà như thờ Chúa, thờ Trời.
Hội Thánh Công Giáo dạy tín hữu rất tỉ mỉ về lòng hiếu thảo:
*Con cái trong gia
đình phải thảo hiếu với cha mẹ không những vì lẽ tự nhiên mà vì lòng tôn kính
Thiên Chúa, Đấng sinh thành nên ông bà,
cha mẹ. Thiên Chúa chúc lành cho những người con cháu có
lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ[3].
*Lòng hiếu thảo đối
với ông bà cha mẹ được biểu lộ bằng thái độ tôn kính, biết ơn, vâng lời chính
đáng và giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Khi ông bà cha mẹ qua đời nhớ
nhang đèn, giỗ chạp và xin lễ cầu nguyện cho các ngài được siêu thoát. Việc lập
bàn thờ, bày mâm quả, thắp nhang đèn trong những ngày kỵ giỗ không có gì trái
ngược với giáo huấn của Giáo hội Công Giáo.
*Giới răn thứ bốn
còn dạy phải kính trọng, biết ơn các phẩm chức trong Hội thánh, những người
khai sáng trí tuệ (thầy cô) và những người giúp tạo điều kiện xã hội lành mạnh, trật
tự, để cuộc sống được yên ổn, hạnh phúc.
Việc
Thờ phụng tổ tiên.
Người Việt Nam thường
gọi là Đạo Ông Bà. Thực ra tôn kính tổ tiên không phải là một tôn giáo nên
không thể gọi là Đạo. Là một Đạo hay Tôn Giáo, phải có giáo chủ, giáo điều và
việc hành đạo phải qua trung gian các chức sắc tôn giáo. Tuy nhiên theo nghĩa
dân gian, ta cũng có thể gọi như thế về việc Thờ Phụng Tổ Tiên.
Thờ phụng tổ tiên là sự bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu đối với
cha mẹ, ông bà... đã khuất. Đây là một xác minh niềm tin tưởng của người Việt
Nam về sự tồn tại của thế giới vô hình và sự liên lạc của thế giới hữu hình với
thế giới vô hình. Chết chưa phải là hết[4].
Thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới với con cháu, theo
dõi và giúp đỡ con cháu. Để làm cho vong hồn ông bà được hài lòng và để ông bà
phù hộ, con cháu phải ăn ngay ở lành,
và cầu nguyện cho ông bà được siêu thoát. Nếu ngược lại là bất hiếu. Giáo Hội Công Giáo dành những thời gian và nghi lễ
riêng để tưởng nhớ đến các bậc tiền bối:
-Trong Thánh Lễ,
phần Kinh Nguyện Thánh Thể nào cũng có phần dành cầu nguyện, nhớ đến ông bà cha
mẹ đã khuất[5];
-Đối với những
người qua đời: có lễ an táng, lễ giỗ[6];
-Niên lịch Phụng
Vụ dành ngày 2/11 và suốt tháng 11DL thăm mộ, cầu nguyện cho những người đã qua
đời[7];
-Ngày Mồng Hai Tết
Nguyên Đán mỗi năm, Giáo Hội Việt Nam dành cầu lễ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ
đã khuất[8].
Còn việc lập bàn thờ, lễ bái chỉ là hình thức tỏ lòng tôn kính nhớ ơn các bậc
tiền bối chứ không có nghĩa thờ ông bà như thờ Trời, coi ông bà như Thượng Đế.
Người Công giáo thờ Chúa trên hết và kính nhớ ông bà tổ tiên theo Đạo Hiếu. Kể
từ năm 1968, Giáo Hội Việt Nam cho phép lập bàn thờ gia tiên, còn việc hiếu
kính tổ tiên, Giáo hội vốn khuyến khích và thực hiện từ lâu đời.
Ngày 14.6.1965 Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã ra Thông Cáo áp dụng
Huấn Thị “Plane compertum est” về việc Tôn
Kính tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam[9].
Ngày 14.11.1974 các Giám Mục Miền Nam Việt Nam họp tại Nha Trang đã ra
Thông Cáo xác định cụ thể 6 điểm thực hiện trong việc thờ kính ông bà tổ tiên:
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa
trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch...
2. Việc đốt hương, nhang, đèn, nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước
bàn thờ gia tiên, và giường thờ tổ tiên, là những cử chị thái độ hiếu thảo tôn
kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo
phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng
mã... và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương ý nghĩa thành kính biết
ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn...
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ, giường tổ tiên”, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết
ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.
5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái
theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội
cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là “phúc thần” tại
gia đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công
với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với
các “yêu thần, tà thần”.
Trong chiều dài của Thời Gian, mỗi người chỉ sống, hiện hữu trong một khoảnh
khắc rất ngắn ngủi và nhỏ bé. Chúng ta thừa hưởng lịch sử nhân loại về mọi
phương diện. Vì thế, trong cuộc sống, phải biết nhìn trước nhìn sau, nhìn lên
nhìn xuống. Đừng cho mình
có
chân lý trọn vẹn để bài xích người khác.
Chân lý phát xuất bất kể từ đâu thì đều là chân lý. Cần phải có thiện chí
và khiêm tốn để đón nhận cái tốt nơi người khác mà học hỏi, và cũng biết nhận
ra khiếm khuyết của mình để sửa chữa.
Đó mới là người trưởng thành, là trượng phu và có chính đạo. Ngược lại, kiêu
căng hoặc vì tư lợi, mà đả phá, bôi nhọ người khác, cố chấp... thì đó là cách sống
của kẻ tiểu nhân, đáng chê trách!
(mùa đại dịch)
* Xin vui lòng chia sẻ cho người khác.
[1] X.
Lm Anphong Nguyễn Công Vinh, Tìm Về Sự Thật,
tr. 118-126, Hà Nội, NXB. Tôn Giáo, 2006 – Thiên Chúa Nguồn Sống và Hi Vọng, Hà Nội, NXB. Tôn Giáo, 2000.
[2] Giới
răn thứ bốn trong Mười Giới răn.
[3] X.
Cn 6,20.23; Hc 3,1-16.
[4]
Sinh ký tử quy.
[5]
X.Sách lễ Roma, phần Kinh Nguyện Thánh Thể.
[6] Id.Sdd.
[7]Id. Sdd.
[8] Id.Sdd.
[9]
Huấn thị ‘Plane compertum est” do Đức Thánh Cha Pio XII ban bố ngày 8.12.1939,
bãi bỏ các điều cấm được ghi trong Tông huấn “Ex quo singulari”. Huấn Thị mới
công nhận nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên, các anh hùng liệt sĩ không phải là
những nghi lễ đích danh tôn giáo, mà chỉ là những cử chỉ biểu lộ lòng tôn kính
chính đáng đối với những bậc anh hùng, cũng như lòng hiếu thảo với người quá cố.
Vì thế người công giáo được phép tham dự.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.