Thư Gửi Những Ai Bận Rộn
Kính gửi quý bác đang miệt mài nghiên cứu khoa học; quý thầy cô đang chuyên chở kiến thức, quý sinh viên đang ‘mài dùi kinh sử’; quý bác thợ đang dựng xây những công trình cao ngút; quý chị lao công đang làm sạch những con đường, quý bác nông phu đang cày cấy vun xới… và kính gửi tới tất cả những ai đang vất vả đêm ngày!
1. Với nhãn quan Ki-tô giáo, lao động không chỉ để có cơm ăn áo mặc, mà còn để làm chủ thiên nhiên và mọi loài vật (x. St 1,28). Lao động đã trở thành phương cách thực hiện ơn gọi cao cả Thiên Chúa dành cho con người là chia sẻ quyền thống trị của Thiên Chúa trên tạo vật, và khi đó con người trở nên giống Thiên Chúa hơn cả… Thế nhưng ngày nay, nhiều người quá bận rộn trên đường công danh sự nghiệp, có thể làm giàu kiếm tiền bằng mọi cách mà quên đi cùng đích cuộc đời-sự sống vĩnh cửu. Vì thế, họ chẳng bao giờ có khái niệm đi tìm cái vô hạn hay những khát vọng tâm linh, và sẵn sàng bỏ lễ Ngày Chúa Nhật, rồi ngụy biện: Chúa thông biết vô cùng, như câu chuyện sau:
Có cha xứ thường hỏi: Ông có đi lễ Chúa Nhật hàng tuần không?
Thưa: thi thoảng! Vì cuộc sống mưu sinh cha ạ.
Vậy ông có thời gian xem bóng đá, xem TV không?
Có chứ ạ! Bóng đá thì con không thể bỏ trận nào.
Ông có thời gian đi ăn nhậu đình đám không?
Những cuộc hội ngộ trong dịp hiếu hỷ... như vậy, con bỏ sao được?
2. Đã bao giờ bạn nghĩ về ý nghĩa của ngày lễ Chúa Nhật chưa? Dù có đạo hay không thì ngày ấy luôn mang giá trị toàn diện: là ngày để phục hồi sức khỏe, thắt chặt liên hệ, trau dồi tri thức, là ngày để tạ ơn và dâng lễ. Đây cũng chính là nguồn gốc của tuần lễ 7 ngày mang đậm nét Công giáo mà Thiên Chúa đã thiết định (mà không một Nhà nước hay thể chế nào có thể phá bỏ hay thay đổi): ‘Ngày Sa-bát, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm... và Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó (St 2,2-3).
3. Có thể bạn là người bận rộn, và bạn đang tận dụng mọi cơ hội và thời gian để trở thành người thành công và hơn thế nữa. Nhưng bạn có biết sự khác biệt lớn giữa người thành công và người rất thành công là gì không? ‘Người thành công ngủ bốn tiếng một ngày. Người cực kỳ thành công nghỉ ngơi đầy đủ để luôn đạt hiệu suất cao nhất. Người thành công nghĩ giải trí chỉ làm phí thời gian. Người cực kỳ thành công cho rằng giải trí cần thiết cho sự sáng tạo’ (Tỷ phú Warren Buffet).
4. Bạn nên biết: Nguyên nhân thành công của những người gốc Do-thái? (www.gocnhinalan.com). Do-thái là dân tộc thành công nhất trên nhiều lĩnh vực trí tuệ: ‘Người Do-thái thông minh nhất thế giới, dường như họ được sinh ra để làm chủ thế giới này”, và họ còn cực kỳ xuất sắc trên mặt kinh tế, tài chính, thương mại… Để có được thành công như vậy, họ đã đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất và lấy Kinh thánh (Hebrew Bible) định hướng cho sự khôn ngoan của mình.
Đó là sự lựa chọn tốt nhất của họ, còn bạn thì sao?
5. Bạn hãy đọc và gẫm suy lời thánh vịnh (126, 1-2)
Ví như Chúa chẳng xây nhà,
Thợ nề vất vả cũng là uổng công.
Thành kia mà Chúa không phòng giữ,
Uổng công người trấn thủ canh đêm.
Bạn có thức khuya hay dậy sớm,
Khó nhọc làm ăn cũng hoài công.
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ,
Người vẫn ban cho đủ tiêu dung.
Kế đến, bạn hãy lắng nghe sứ điệp của bài hát Sẽ có ngày về: Trần gian đâu có chi mà tôi si mê quên cả ngày về, trần gian chỉ là quán trọ mà tôi cứ ngỡ chính là quê hương… Hạnh phúc chốn phù hoa, như là cơn gió thoáng qua mau tàn. Mang thân một kiếp người trần ai ơi hãy nhớ đến quê đời đời…
6. Bạn đang chọn những giá trị vĩnh cửu hay những thế sự phù vân? Khi nghĩ về sự cao trọng của con người, cha Gioan Maria Vianney đã tâm sự: “Không có gì cao trọng bằng con người khi nhìn vào linh hồn, và cũng không có gì nhỏ bé bằng con người khi nhìn vào thân xác. Vì thế, người ta đã trang điểm làm đẹp thân xác mình như người ta chỉ có nó để chăm sóc; ngược lại, người ta chỉ có nó để coi thường hoặc phải chăm sóc linh hồn hơn là thân xác”.
Khi bạn cứ bận rộn mải mê với cuộc sống, làm ngơ trước lời mời gọi của Tin Mừng, thì bạn cũng chẳng khác chi chàng ngốc, và Chúa đã cảnh cáo: ‘Đồ ngốc, nếu đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ (Lc 12,16-21).
7. Thay lời kết, xin gửi đến bạn câu chuyện về Tướng Thomas More: Tướng Thomas More là một vị quan trong triều của vua Henri VII nước Anh. Ngày nào ông cũng đi dự Thánh Lễ và Rước Lễ. Các quan trong triều bàn tán hỏi ông:
“Quan tể tướng bận rộn với biết bao công việc, bao lo âu…đâu có buộc đi dự Thánh lễ thường xuyên như thế…”
Tướng Thomas trả lời: “Chính các vị đã trả lời cho câu hỏi của các vị rồi đó! Vì tôi quá nhiều công việc và lo âu, nên Thánh lễ và Rước lễ đem lại cho tôi can đảm để chu toàn việc nước. Tôi lại phải gặp nhiều cơ hội cám dỗ, nên việc Rước lễ giúp tôi chống trả lại tội lỗi. Phận sự của tôi rất khó khăn, nên tôi cần đến với Chúa để được ánh sáng và sự trợ giúp của Người”.
Sưu tầm
Thứ Tư Tuần 2
Mùa Vọng – Năm C
BÀI ĐỌC : Is 40, 25-31
"Chúa toàn năng ban sức
mạnh cho ai mệt mỏi".
Lời Chúa trong
sách ngôn sứ I-sai-a.
25 Các ngươi so sánh Ta
với ai, để Ta phải ngang hàng với nó?
26 Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó?
Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú,
Người gọi đích danh từng ngôi một,
khiến không thiếu vắng một ngôi nào.
27 Hỡi Gia-cóp, sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, sao ngươi bảo:
"Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy,
quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài? "
28 Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao?
Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu,
là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.
Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn,
trí thông minh của Người khôn dò thấu.
29 Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi,
kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.
30 Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,
trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
31 Nhưng những người cậy trông Đức Chúa
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8
và 10
Đáp: Chúc tụng Chúa
đi, hỡi hồn tôi hỡi.
1) 1 Chúc tụng Chúa đi, hỡi hồn
tôi hỡi.
Toàn thân tôi, hãy chúc tụng
Thánh Danh !
2 Chúc tụng Chúa đi, hỡi hồn tôi hỡi.
chớ khá quên mọi ân huệ của
Người. - Đáp.
2) 3 Chúa tha cho ngươi nuôn
ngàn tội lỗi.
thương chữa lành các bệnh tật
ngươi.
4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa
với lượng hải hà. - Đáp.
3) 8 Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình
thương,
10 Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi
lầm. - Đáp.
TUNG
HÔ TIN MỪNG
Alleluia, alleluia! - Kìa Chúa đến
cứu độ dân Người ; phúc thay ai sẵn sàng nghêng đón Chúa. - Alleluia.
TIN
MỪNG: Mt 11, 28-30
" Tất cả những ai đang vất vả, hãy đến
cùng tôi".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mát-thêu.
28 Khi ấy,
Đức Chúa Giêsu cất tiếng nói: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng
nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy
mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và
gánh tôi nhẹ nhàng."
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỜI
CHÚA
HÃY ĐẾN CÙNG CHÚA GIÊ-SU
“Tất cả những
ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi… vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường.” (Mt 11,28.29)
Suy niệm: Không
có ai dám kêu gọi người ta đến với mình để được an ủi đỡ nâng khi người đó biết
mình sắp lìa cõi thế, ngoại trừ một mình Chúa Giê-su; mà lý do để làm thế là vì
Ngài “hiền lành và khiêm nhường.” Hiền lành và khiêm nhường, đó là
căn tính của Vị Thiên Chúa Làm Người: Ngài chiếu tỏa dung nhan hiền hậu của
Chúa Cha, Đấng đầy lòng thương xót. Tin Mừng hôm nay vừa tiên báo cái chết đau
thương của Con Chiên hiền lành bị đem đi xén lông và làm thịt, vừa là lời mời gọi
mỗi người tin tưởng vào tình yêu của Chúa giữa cảnh đời buồn nhiều hơn vui, vất
vả nhiều hơn sung sướng và khổ đau nhiều hơn hạnh phúc này.
Mời Bạn: Tông
Huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” số 273 viết: “Sứ mệnh của tôi giữa lòng nhân
loại không chỉ là một phần đời tôi hay một phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ… Tôi là
một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất
này.” Những lời trên phản ánh trung thực nhất sứ mệnh của Chúa Giê-su nơi
trần gian.
Chia sẻ: Bạn
nghĩ sao về thái độ và tâm tình của Chúa? Phải chăng Thiên Chúa liều lĩnh khi
Ngài hiến thân cho nhân loại như thế?
Sống Lời
Chúa: Xác tín rằng tiền bạc, danh vọng, quyền lực, tiến bộ của khoa học kỹ
thuật không thể thay thế chỗ của Thiên Chúa; trái lại, chỉ có Chúa là lẽ sống
vĩnh cửu cho tôi, cho chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, trong cuộc sống đầy những vất vả và gồng gánh nặng nề này, xin cho con biết
tìm đến nương tựa vào Chúa, “vì ách Chúa thì êm ái và gánh Chúa thì nhẹ nhàng.”
Ý LỰC SỐNG 9/12
Thế Nào Là Cầu
Nguyện?
Một chàng
thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh
tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện
trưởng chấp nhận tức khắc.
Trong những
ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu
dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì
gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh
niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như
sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt
duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho
những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và
nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không
cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".
Nghe thế,
chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ
cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ
ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người
thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay
các thầy không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn
cả rồi". "Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh
niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha
là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng
các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con,
con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ
biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng
bữa".
Nghe thế,
người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện.
Con người không chỉ cầu nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà
còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải
trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi
ngày.
Mùa Vọng là
mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm
thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh
nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi:
đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với
nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có
những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian
ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục
đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng
hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong
mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống cần
có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông
thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của
những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối
liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.
Tổ chức cuộc
sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu
nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện
vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm
gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.
BPV Giáo xứ
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.