Ngày 03 tháng 12
Lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục
Lễ kính
Bài đọc :
1Cr 9,16-19.22-23
Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh
Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
16Thưa anh em, đối
với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần
thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!17 Tôi mà tự ý làm việc ấy,
thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ
Thiên Chúa giao phó.18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin
Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.
19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai,
nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với
những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi
người, để bằng mọi cách cứu được một số người.23 Vì Tin Mừng, tôi làm
tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
Đó là lời Chúa.
Đáp
ca Tv 116,1.2 (Đ. Mc 16,15)
Đáp: Anh em hãy đi khắp tứ
phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.
-
Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người. Đ.
- Vì tình Chúa thương ta thật là mạnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Đ.
TUNG HÔ TIN MỪNG
Alleluia-Alleluia.- Chúa nói: “Anh em hãy đi giảng dạy cho
muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." Alleluia.
TIN MỪNG : Mc 16,15-20
Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng.
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa,
sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ
đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được
những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì
cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ
được mạnh khoẻ."
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu
Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa
cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các
ông rao giảng.
Đó là lời Chúa.
SUY
NIỆM: Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê
Qua một vài điểm liên quan đến cuộc
đời và sự nghiệp của Thánh Phanxicô và qua Lời Chúa hôm nay, xin được gợi ý suy
niệm vài ý tưởng sau đây:
1. Loan báo Tin mừng là nhiệm vụ bắt
buộc mỗi Kitô hữu
Có một thời người ta quan niệm rằng
“Việc loan báo Tin mừng là của các Giám mục, linh mục, tu sĩ”. Còn giáo dân chỉ
cần giữ đạo là đủ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Nhiệm vụ truyền giáo
là của tất cả mọi kitô hữu. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi:
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ
tạo”(Mc 16,15). Khi dùng động từ “Hãy đi”, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở việc loan
báo Tin mừng là nhiệm vụ của mọi người kitô hữu. Trong bài đọc I, Thánh Phaolô
đã ý thức việc loan báo Tin mừng là nhiệm vụ “Bắt buộc”, Ngài nói: “Thật vậy, đối
với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần
thiết bắt buộc tôi phải làm”. Ngài còn nói thêm: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không
rao giảng Tin mừng”(1Cr 9,16).
Như vậy, ai cũng có nhiệm vụ loan báo Tin mừng. Nhưng việc loan báo Tin mừng
như thế nào thì tuỳ thuộc vào khả năng và hoàn cảnh của từng người. Có người
lên đường đem Chúa đến với dân ngoại như thánh Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê. Có
người suốt đời cầu nguyện cho việc truyền giáo và cho phần rỗi các linh hồn như
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Có người loan báo Tin mừng bằng việc bác ái như Mẹ
Têrêxa Caculta. Có người loan báo Tin mừng bằng chứng tá đời sống, nhất là làm
chứng bằng máu như các thánh Tử đạo…Mỗi chúng ta đã và đang loan báo Tin mừng bằng
cách nào?
2. Loan báo Tin mừng vì ý thức được
sự cao trọng của linh hồn
Khi còn học tại Paris, Thánh
Phanxicô Xaviê đã thấm nhuần Lời Chúa mà thánh Ignatiô nhắc đi nhắc lại rằng:
“Được lời lãi cả thế gian, thiệt mất linh hồn nào được ích gì”(Mc 8,36). Thật vậy,
linh hồn là kho tàng vô giá, không có gì đánh đổi được. Mất linh hồn là mất tất
cả. Giữ được linh hồn là được tất cả. Ý thức được điều đó, Ngài đã quyết định
lên đường tới các miền xa xôi như Ấn Độ, Nhật Bản để giúp họ biết Chúa, biết
cách sống để được rỗi linh hồn. Ngài đã làm việc tông đồ một cách nhiệt tâm, đến
nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi. Trong thư gửi cho Thánh Ignatiô, Ngài viết: “Từ
khi đến đây, tôi chẳng ngưng chút nào: Tôi rảo khắp làng mạc, làm phép rửa cho
nhiều trẻ em chưa được lãnh bí tích này. Tôi đã làm phép rửa cho một số rất
đông các em chưa biết phân biệt bên phải với bên trái. Khi tôi đến các
làng, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu tôi
chưa dạy cho chúng một kinh”(x. Bài đọc II, kinh sách ngày 03 tháng 12).
Ngài khao khát phần rỗi linh hồn
người khác và mong muốn có nhiều người làm việc tông đồ. Cũng trong lá thư gửi
cho Thánh Ignatiô, Ngài kể: “Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm
Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có
ý định tới các đại học ở Châu Âu, trước hết là đại học Paris, mà kêu gào khắp
nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là
thực hành bác ái rằng: Tiếc thay vì lỗi của các ông mà biết bao linh hồn thay
vì lên thiên đàng lại phải xuống hoả ngục. Ước chi họ miệt mài với văn chương
chữ nghĩa thế nào thì họ cũng miệt mài với công việc tông đồ như vậy, để có thể
trả lẽ với Thiên Chúa về học thuyết của họ cũng như các nén bạc đã được trao
phó cho họ”( x. Bài đọc II, kinh sách ngày 03 tháng 12).
Đó là những lời tâm huyết thốt ra từ
một tâm hồn nhiệt tâm làm việc tông đồ: Khát khao vì phần rỗi linh hồn người
khác. Sau này, chính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng đã thốt lên những lời
tương tự: “Con cảm thấy lòng con khao khát phần rỗi linh hồn người ta lắm; Con
muốn dùng hết tài, xuất hết lực, hy sinh mọi lẽ để cứu kẻ tội lỗi cho khỏi lửa
hoả ngục”.
Mong rằng, mọi người chúng ta cũng
ý thức được sự cao trọng của linh hồn và có được lòng nhiệt tâm tông đồ như
Thánh Phanxicô và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Ước ao phần rỗi linh hồn người
khác để dấn thân không mệt mỏi cho công cuộc loan báo Tin mừng.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng: Loan
báo Tin mừng là sứ mạng Chúa trao phó cho mọi người kitô hữu chúng con. Nhưng
trong thực tế, không mấy ai nhớ để chu toàn sứ mạng này. Nhờ lời chuyển cầu của
Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho mỗi chúng con từ nay biết quyết tâm chu toàn bổn
phận ấy hầu Giáo hội ngày càng có nhiều con cái. Amen
Lm. Anthony
Trung Thành
HẠNH THÁNH PHANXICÔ
Thánh PHANXICÔ XAVIÊ Tông đồ Ấn Độ
và Nhật Bản
Bổn mạng các xứ Truyền giáo (1506 –
1552)
Thánh
Phanxicô sinh ra đời tại lâu đài Xaviê thuộc vương quốc Navarre ngày 7 tháng 4
năm 1506 tại Tây Ban Nha. Cha Ngài là cố vấn của nhà vua miền Navarre và là thẩm
phán. Anh em Ngài theo binh nghiệp. Riêng Phanxicô ham thích học hành. Năm 19
tuổi, Ngài theo học tại đại học Paris, trường lớn nhất thế giới. Khi còn ở học
viện thánh Barbe, Ngài được phúc trọ cùng phòng với Phêrô Favre, người sau này
sẽ nhập dòng Tên và được tuyên thánh trong thời gian gần đây theo thể thức
“tuyên thánh tương đương”. Bốn năm sau, Ngài lại có được người bạn học giả là
Inhaxiô thành Loyola.
Người học trò mẫn cán đã trở thành
giáo sư. Ngài dạy triết học. Thành công làm cho Ngài thành con người tham vọng.
Inhaxiô nói với Ngài về một hội dòng mà thánh nhân muốn thành lập. Nhưng
Phanxicô mơ tới danh vọng, Ngài chế nhạo cũng như khinh bỉ nếu sống nghèo tự
nguyện của bạn mình. Inhaxiô vui vẻ đón nhận những lời châm biếm, nhưng lặp lại
rằng: – “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì.”
Cuối cùng, Phanxicô đã bị ảnh hưởng.
Inhaxiô còn đưa ra những lời cao đẹp hơn: – “Một tâm hồn cao cả như anh, không
hề chỉ gò bó với cái vinh dự thế trần được. Vinh quang trên trời mới đúng với
cao vọng của anh. Thật vô lý, khi ưa chuộng một thứ mây khói chóng tàn hơn là
những của cải tồn tại đời đời”.
Phanxicô bắt đầu thấy được cái hư
không của những sự cao trọng của thế nhân và hướng vọng tới của cải vĩnh cửu.
Chiến thắng rồi, Ngài chống lại tính kiêu căng bằng mọi loại sám hối. Ngài quyết
định theo sát Phúc âm, vâng theo cách cư xử của người bạn thánh thiện và xin được
khiêm tốn hãm nình. Ngài chỉ còn chú tâm cứu rỗi các linh hồn.
Ngày lễ Mông triệu năm 1533, trong
một nhà nguuyện tại Monmartres, trên mộ bia thánh Dénis, Phanxicô, Inhaxiô và 5
bạn khác đã hiến mình cho Chúa. Họ khấn từ bỏ mọi của cải, hành hương thánh địa,
làm việc để cải hóa lương dân và hoàn toàn đặt mình dưới sự điều động của Đức
Thánh Cha để phục vụ Hội Thánh. Phanxicô còn học thần học hai năm nữa, rồi cùng
sáu bạn đi Italia. Đi đường, họ chỉ mang theo cuốn Thánh Kinh và sách nguyện
trong bị, cổ đeo tràng hạt. Tuyết lạnh hay khắc khổ cũng không làm họ sợ hãi.
Trái lại, Phanxicô lại còn cảm thấy quá êm ái nhẹ nhàng, nên một ngày kia đã cột
giây thừng vào chân, khiến giây đó ăn vào thịt và ngay việc được khỏi bệnh đó
cũng đã là một phép lạ.
Đoàn quân bé nhỏ đó tới Venitia chống
lại quân Thổ. Thế là họ phải bỏ cuộc hành hương đi thánh địa. Đức Thánh Cha đã
chúc lành cho nhóm bạn cũng như dự định của họ. Phanxicô và Inhaxiô thụ phong
linh mục ngày 16 tháng 6 năm 1537. Phanxicô đã chuẩn bị thánh lễ mở tay bằng cuộc
sám hối kéo dài 40 ngày trong một túp lều tranh bỏ hoang và sống bằng của ăn
xin.
Trong khi chờ đợi bắt đầu thực hiện
công việc vĩ đại của mình, Ngài rao giảng và săn sóc cho người nghèo trong các
nhà thương. Ngài còn phải chiến thắng chính mình nữa, chẳng hạn khi băng bó các
vết thương lở loét. Ngài luôn đi ăn xin thực phẩm.
Khi Phanxicô được 35 tuổi, vua nước
Bồ Bào Nha xin Đức Thánh Cha gửi các thừa sai sang Ấn Độ. Phanxicô rất vui mừng
khi được chỉ định.
Ngài bộc lộ cho một người bạn: “Anh
có nhớ rằng, khi ở nhà thương tại Roma, một đêm kia, anh đã nghe tôi la: “Còn nữa,
lạy Chúa, còn nữa” không? Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh
Chúa Giêsu Kitô. Trước mặt tôi là những hoang đảo, những miền đất báo cho tôi
biết trước cơn đói, cơn khát và cả đến cái chết dưới hàng ngàn hình thức. Tôi
ao ước được chịu khổ hình hơn nữa”.
Chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị lên đường.
Nhưng thế đã quá đủ để xếp đặt hành trang. Với vài bộ đồ cũ. Một thánh giá, một
cuốn sách nguyện và một cuốn sách thiêng liêng. Ngài đáp tàu. Cuộc hành trình cực
khổ vì say sóng. Đau bệnh, Ngài vẫn săn sóc các bệnh nhân. những thủy thủ hư hỏng
dường như là đoàn chiên đầu tiên Ngài phải đưa về cho Chúa. Ngài rao giảng cho
họ bằng chính việc chia sẻ cuộc sống với họ.
Sau bảy tháng hành trình, người ta
dừng lại bến Mozambique. Khí trời ngột ngạt. Một cơn bệnh dịch đang hoành hành
nơi đây. Phanxicô lại săn sóc các bệnh nhân và muốn sống đời cực khổ nhất. Ngài
lặp lại: “Tôi khấn sống nghèo khó, tôi muốn sống và chết giữa người nghèo”.
Sau một năm hành trình, Phanxicô cặp
bến Goa, thủ đô miền Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 1542. Ngài phát
khóc vì vui mừng. Nhưng việc cấp thiết, nhất là phải làm cho những người chinh
phục Bồ Đào Nha giữ đạo đã. Những tật xấu và tính hung hăng của họ làm ô danh
Kitô giáo. Còn dân An thì thờ ngẫu tượng. Vị tông đồ làm thầy thuốc, thẩm phán,
giáo viên. Ngài học tiếng một cách khó khăn, thời gian của Ngài dành cho các
nhà thương, nhà tù, người nghèo và việc dạy giáo lý. Rảo qua đường phố, Ngài
rung chuông tập họp trẻ em và dân nô lệ lại, với sự nhẫn nại vô bờ, Ngài ghi khắc
tình yêu Chúa vào lòng họ. Các trẻ em tham dự lại trở thành các nhà truyền giáo
cho cha mẹ và thày dạy của chúng. Chúng mang thánh giá của “ông cha” cho các bệnh
nhân. Chúng trở nên hung hăng với các ngẫu tượng. Bây giờ, các cánh đồng lúa
vang lên được bài thánh ca. Dần dần, đời sống Kitô giáo đã vững vàng trong lòng
các gia đình.
Phanxicô nghe nói tới một bộ lạc thờ
lạy ngẫu thần ở mũi Comorin, sống bằng nghề mò ngọc trai. Muốn loan báo Tin Mừng
cho họ, thánh nhân học ngôn ngữ mới, vượt mọi khó khăn để phổ biến đức ái và
chân lý. Rồi Ngài lại qua các làng khác. Cứ như thế Ngài đi khắp Ấn Độ. Trong 15
tháng trời, Ngài đã rửa tội cho một số đông đảo Kitô hữu, khiến “xuôi tay vì mệt
mỏi”. Người nói: “Mọi ngày tôi đều thấy tái diễn những phép lạ thời Giáo hội sơ
khai”.
Ngài ngủ ít, đêm thức khuya để cầu
nguyện. Sống khắc khổ để đền tội cho các tội nhân. Ngài chăm chú đào tạo các
tâm hồn thanh thiếu niên địa phương để sai đi làm tông đồ truyền giáo cho các
người đồng hương của họ.
Ở tỉnh Travancore, trong vòng một
tháng, thánh nhân đã rửa tội cho 10.000 người. Người Brames muốn hạ sát Ngài,
nhưng Ngài đã giữ được mạng sống một cách lạ lùng dưới cơn mưa tên. Ở vương quốc
Travance, khi nhóm người man-di muốn tràn ngập, Phanxicô cầm thánh giá trong
tay với một số ít tín hữu đã làm cho họ phải tháo lui. Ngài mang Tin Mừng tới
Ceylanca, Malacca. Các đảo Molluques vang danh vì sự hung tợn của họ, nhất là đảo
của dân More ở phía Bắc…
Ngài nhắm tới đảo này, Ngài muốn bị
dân cư giết chết như một vị thừa sai 13 năm trước đây sao?
Người ta ngăn không cho tàu bè chở
Ngài đi. Phanxicô đáp lại: – “Thì tôi bơi tới vậy”.
– Nhưng Ngài sẽ bị đầu độc thì sao?
Ngài nói: – “Niềm tin tưởng ở Thiên
Chúa là thuốc kháng độc.
Rồi Ngài thêm: “Ôi, nếu như hy vọng
tìm được gỗ quí hay vàng bạc, các Kitô hữu đổ xô tới ngay. Nhưng lại chỉ có các
linh hồn cần được cứu rỗi. Tôi sẽ chịu khổ gấp ngàn lần để cứu lấy một linh hồn
thôi”.
Phanxicô đã viết thư xin vua Bồ Đào
Nha và thánh Inhaxiô gởi các linh mục tới săn sóc cho các cộng đoàn Kitô hữu
Ngài để lại. Sự khó khăn và chậm chạp về thư tín làm cho đời Ngài thêm nhiều
phiền phức. Ngài phải mất gần 4 năm để gửi thư từ Moluques về Roma. Dầu giữa
các khó khăn mệt nhọc, thánh nhân không để mất tính hiền hậu và khiêm tốn.
Năm 1549, một người Nhật được Ngài
rửa tội ở Malacca đã thu hút Ngài tới hòn đảo vô danh, chưa có Kitô hữu nào. Lời
cầu nguyện và đời sống hãm mình củng cố lòng can đảm của Ngài. Không để mình bị
chán nản do ngôn ngữ khó học hay bởi nội chiến. Ngài đã có thể tạo lập được một
cộng đoàn Kitô hữu nhỏ như Ngài mơ ước. Các phép lạ củng cố lời giảng dạy của
Ngài, nhưng dân chúng bị đánh động nhiều hơn bởi đức tin và lòng can đảm của
người ngoại quốc này đã từ xa đến để loan báo cho họ chân lý duy nhất.
Được hai năm, nhà truyền giáo lại
ra đi, để lại tại miền đất xa này những cộng đồng Kitô hữu đứng khá vững trong
nhiều thế kỷ, dù không có linh mục cai quản.
Phanxicô trở lại Ấn Độ. Ngài đã rảo
qua gần 100.000 cây số trong 10 năm. Bấy giờ, việc chinh phục Trung hoa ám ảnh
tâm hồn Ngài. Ngài đáp tàu, nhưng không bao giờ tới được quốc gia rộng lớn này.
Vào cuối tháng 11 năm 1552, trên đảo Hoàng Châu, Ngài bị lên cơn sốt rét. Giữa
cơn đau, Ngài đã lập lại: – Lạy Chúa Giêsu, con vua David, xin thương xót con,
xin thương đến các tội con.
Ngài dứt tiếng và không nhận ra được
các bạn hữu nữa. Khi hồi tỉnh, Ngài lại kêu cầu Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu và nài
xin Đức Mẹ: “Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, xin hãy nhớ đến con”.
Một người Trung Hoa thấy Ngài hấp hối
thì đặt vào tay Ngài một cây nến. Phanxicô qua đời ngày 03 tháng 12 năm 1552.
Ít tuần sau, người ta tìm thấy xác Ngài vẫn nguyên vẹn và chở về Goa. Dân chúng
tại đây nhiệt tình tôn kính Ngài, vì đã coi Ngài như một vị thánh.
Năm 1619, Đức Phaolô V đã suy tôn
ngài lên bậc chân phước. Năm 1622, Đức Grêgôriô XV suy tôn lên bậc hiển thánh,
tuyên thánh cùng với thánh Inhaxiô và đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Nguồn: Theo vết chân Người
BPV Giáo xứ
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.