Nhắc đến năm 1945, đã là người Việt Nam từ già đến trẻ không ai lại “vô tâm” không biết nạn đói khủng khiếp làm chết vô số người Việt! Khoa, con nhà “kẻ sĩ” hẳn hoi, bố làm thầy đồ dạy học tại gia, mẹ là cô hàng sách tại thị trấn “Bãi Vọt” thuộc Hà Tĩnh. Khoa và em gái tên Cử tuy con nhà nho nhưng lại theo học chữ Quốc ngữ. Bởi vì cái thời:
Cái học nhà nho đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy Khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.
(Trần Tế Xương)
Chữ Quốc ngữ thịnh hành, dễ học, dễ kiếm việc. Trong khi chữ Nho mai một, học cũng không “thực tiễn” trong nếp sống mới. Nên nhà nhà chuyển sang học chữ Quốc ngữ :
“Chữ Quốc ngữ là chữ nước ta
Con cái nhà đều phải học
Miệng thì đọc, tai thì nghe”
Nhưng nạn đói 1945, thì không trừ ai, không đói ít thì cũng đói “le lưỡi”. Nói chung cả miền Bắc chịu ảnh hưởng đói. Nhà Khoa thuộc diện nhà giáo, bố Khoa thức thời, chuyển sang học rồi dạy chữ Quốc ngữ tại nhà. Mẹ Khoa vẫn nghề cũ, chuyển từ bán sách Nho, sách nôm sang kinh doanh sách báo Tiếng Việt, bút ngòi, bút chì…. Đói, nên cũng chẳng ai thiết học, thì sách cũng không biết bán cho ai? Nhà “kẻ sĩ” lúc đói:
Nhất sĩ nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông nhì sĩ
Gia đình Khoa, bố mẹ và em Cử “chạy rông” tìm miếng cơm, không thiết manh áo! Một chiếc xe quân sự của Tây của Nhật gì đó, cán chết gần cả nhà chỉ sót lại Khoa! Thời đó “thời da beo” nên cũng không Chính phủ nào chịu trách nhiệm. Khoa trở thành mồ côi, đơn thân sống trên cõi đời này. Khoa tiếp tục hành trình …rồi lọt vào vườn mía nhà ông Câu, họ Đạo Đông Trung. Ông Câu phát hiện ra đứa trẻ con trạc 14, 15 tuổi đang đói lả bên bụi mía. Ông đưa vào nhà cho ăn. Khoa trở thành con nuôi nhà ông Câu từ đó. Thật may mắn cho Khoa, nhập thân vào một gia đình đạo đức, hết lòng thương người! Bố mẹ nuôi có ba người con ruột, ba con nuôi, Khoa là con út. Ba đứa con nuôi ông Câu cưu mang đều thuộc diện mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một đặc điểm hiếm thấy trong thế gian, đó là cánh “đàn ông” con đẻ, con nuôi đều thuận tay trái, ngoại trừ bà Câu và cô con gái.
Năm 1950, Cậu út Khoa vừa tròn tuổi hai mươi, tuổi “đủ lông, đủ cánh”, bố mẹ nhờ người mai mối cho cô con gái mười tám, đẹp người, đẹp nết, con nhà tử tế ở làng trên cũng thuộc diện nghèo. Ông bà Câu cất cho vợ chồng Khoa một căn nhà tranh hai gian cũng như mọi anh em trên khu đất gần bãi sông. Từ đó hình thành nên một xóm mới có tên là xóm “Năm Căn” kề đường sang họ “Yên Bài”. Xóm mới này không có nhà cô con gái. Cô gái cưng lấy chồng trên Phố Châu.
Khoa, tuy con nuôi nhưng có chữ nghĩa hơn các anh em trong nhà (Khoa đã học xong lớp 3 trường Tiểu học Pháp). Cất nhà vừa tròn hai năm, Khoa được Xứ chọn vào chức vụ Thư ký Ban Hành Giáo Xứ. Công việc kiến thiết, sửa sang Nhà Thờ cũng chiếm mất nhiều thì giờ của Các Vị trong Hội Đồng và cả của Giáo dân. Nhưng không ai thoái thác, mọi người hồ hởi “thi đua” góp công, góp của vào Nhà thờ phượng Chúa.
Vợ Chồng anh Khoa chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, không biết trước trai hay gái, vì thời đó chưa có siêu âm nhưng theo kinh nghiệm dân gian, bà con thân thích dự đoán là con trai. Trưa hôm nọ, anh Khoa xách câu liêm (giống như cái tỉa thanh long, nhưng cán to như cán cào, dài bốn, năm mét Tây, lưỡi bản to, tròn hơn) sang nhà bác Trưởng Họ Đạo xin một ít cây tre về làm đòn tay nhà dưới. Nhà bác Trưởng Họ đang lai rai vừa uống rượu với lạc rang, vừa bàn chuyện lớn, chuyện bé. Lạc rang, món đặc sản của Nghệ Tĩnh, rang lên, bóc vỏ, hai ngón tay xoay xoay cho hạt lạc bay lớp lụa ngoài, thẩy vào miệng, nhắp hớp rượu gạo. Vùa bùi, vừa đặm hương vị. Ngon tuyệt! Kẹo lạc “Cu Đơ”, đặc sản Nghệ Tĩnh nổi tiếng khắp cả nước, nghe nói Mỹ, Tây, Tàu, Phi nhập khẩu, tạo công ăn, việc làm cho hàng vạn người trong tỉnh. Nói chung các vị đang bàn chuyện ngoài lề… công việc xây Nhà Thờ. Lạc rang hấp dẫn, không ngồi vào bàn cũng tiếc, hơn nữa là chỗ thân quen, từ chối, biết đâu ông Câu giận, lại chỉ cho vài cây tre cong. Nên anh Khoa hưởng ứng ngay. Các vị có tư cách, sôi nổi bàn việc nhưng không “chén thù, chén tạc”, rượu vào lời ra ồn ào cả một khung trời. Đang vui vẻ… “Ông Tr… ơi, bò nhà ai phá mía nhà ông”- mấy tiếng gọi của trẻ chăn trâu. Ông Trưởng Họ, hình dung ra ngay: đám mía đến thời vun gốc, tỉa chồi, nếu bò, trâu ăn mất ngọn, thì cũng giống như trồng trễ hai tháng! Lóng mía ngắn, cây không phát triển cao được, trổ bông lau sớm …Hậu quả ít mật, năng xuất kém thì Sản lượng thấp. Quy luật dễ hiểu như : một cộng một bằng hai.
Ông ôm bọc tiền, đựng trong mo cau (mo cau dùng được nhiều việc : gói tiền, gói đồ ăn đi rừng,…Cơm tẻ, gói bằng mo cau, thêm mè, lạc rang giã nhỏ, rắc thêm muối, lăn nhuyễn, khi không còn dáng hạt cơm. Dân “cá gỗ” khỏi phải nấu cơm, chấp luôn ngành Giáo dục tổ chức “Thi Hương”,“Thi Hội” bất cứ ở đâu? Bất cứ bao lâu? Vừa làm bài, vừa ăn cơm vắt. No bụng văn chương lai láng, làm bài vô tư, khỏi lo phạm húy?- mánh khóe này, giờ mới tiết lộ.) vòng ra nhà ngang, tay cầm roi cày chạy trước. Anh Khoa thả đũa, với lấy cán câu liêm chạy theo, tranh thủ giật mấy cây cao trong bụi tre, kề đám mía. Đến nơi thấy đàn bò vô chủ trên dưới hai mươi con, đang tung hoành cả đám mía. Đúng là “ngu như bò”! Mía xanh tươi như nhau, dàn hàng ngang, ăn từ ngoài vào trong. No bụng quay ra ruộng trống, nằm nhai lại, khỏe re!? Vì dốt, lòng tham, đứng núi nầy trông núi nọ (The grass is always greener on the other side of the fence.), bọn chúng ăn ít, phá nhiều. Ông Câu điên tiết, cầm roi cày rượt đuổi. Lũ bò khờ, chạy loạn xạ, trêu ngươi! Mượn cái câu liêm, ông ra lệnh : “Khoa, con chạy lên phía trên đuổi giùm chú.” Anh Khoa, bẻ nhánh cây cam, quất lia, quất lịa chém gió. Bọn bò ngu, sợ quá, bung chạy. Cả đàn bò “lui quân’” chiến bại! Chiến thắng giặc - lũ bò - ngoại xâm, Khoa hài lòng vội quay tứ phía tìm ông Trưởng họ. Ông ta trốn đâu nhỉ? Hay bị bò húc? Réo gọi to : Ông Trưởng ơi! mấy lần…. Người nhà và bốn vị BHG Họ chạy ra: “Kêu chi rứa?”. Mọi người tá hỏa, dàn hàng tìm ông Trưởng Họ…. Ông Trưởng Họ nằm sấp, máu me lênh láng phía sau cổ? Cái câu liêm dính máu ở một bên. Mặt tái xanh, xúm vào, cúi xuống xé áo băng vết thương. Vết thương sâu, dài, máu cứ rỉ ra. Anh Khoa và mọi người ngơ ngác, chuyện chi lạ vậy!
Các vị phân công nhau: Anh Thủ quỹ, trẻ người lấy xe đạp chạy lên Nhà Xứ mời Cha, ông Phó Ngoại kiếm võng gai, để khiêng người bị nạn đi cấp cứu, ông Phó Nội và ông Thư Ký Họ cùng Khoa thay nhau “Kêu tên Cực Trọng”. Gia đình nằm vật vã than trời. Ông Trưởng Họ, miệng ú ớ không nói được nhưng Ông còn tỉnh. Hy vọng sẽ qua khỏi? Cha xứ xuống trước trong khi ông Phó ngoại chưa tìm được võng! Cha nói to, hỏi Ông có nghe không? Ông vẫy ngón tay ra hiệu có! Cha xứ khuyên Ông giục lòng ăn năn tội và xưng tội, miệng Ông mấp máy xưng tội. Cha Xứ giải tội xong rồi Ngài ban Bí tích Xức dầu kẻ liệt cho Ông. Chung quanh, mọi người đọc kinh Ăn năn tội, kinh cầu cho ơn chết lành,…Ông lấy hết sức bình sinh, tay chỉ vào hướng nhà (cũng là phía Khoa ngồi): t..i..ề..? Hai tay Ông kịp ôm cây Thánh Giá mà ông Phó Ngoại cầm từ trong nhà ra. Ông Trưởng Họ trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay Cha xứ, anh em BHG Họ đầy đủ, vợ con….
Công An vào việc, anh Khoa lập tức bị giải về Huyện. Anh khai sự thật, có sao khai vậy. Ai tin? Người làm chứng - các vị trong bàn tiệc - cũng thấy sao nói vậy. Các vị thuộc và thực hành điều răn thứ tám dạy: “Chớ làm chứng dối”.
…………..
Tòa tuyên án: Bị cáo Khoa bị tù chung thân! Bởi:
-Cái câu liêm của bị cáo Khoa! Ai cũng thấy Khoa cầm chạy theo sau ông Câu. Dấu vân tay đầy khắp cán cầm.
- Bọc tiền, đựng trong mo cau, ông Câu mang theo khi chạy đi tìm cái roi cày đuổi bò ở đâu? Tại sao trước khi chết, ông Trưởng vừa nói t..i..ề.. vừa tay lại chỉ vào Khoa?
- Trong đám mía, ngoài lũ bò bị đuổi, lúc đó, không có ai ngoài hai người?
- Bị cáo Khoa thuận tay trái, vết câu liêm cắt cổ ông Câu cũng từ phía bên trái qua? - Mặt đối mặt, không thể thực hiện được với người thuận tay phải?
- Anh Khoa, không có bà con thân thích, lại “có học…ắt có nhiều toan tính”?
Lời khai của Khoa thiếu thuyết phục. Tòa xử “đúng người, đúng tội”. Cha, thầy, BHG Xứ và Họ, mặc dù tin chắc anh Khoa vô tội thế nhưng lấy gì mà biện hộ! Giáo dân tiếc nuối, một con người thật thà, đạo đức, nhiệt tâm công việc chung mà sớm bước chân vào chốn lao tù. Vài ba kẻ “bảo thủ” như cái thời nhà Vua Lê Ngọa Triều, vễnh râu, đắc ý không ưa gì cái thằng con nuôi lọt vô chức Thư ký, nay lại có cớ thêm mắm, thêm muối vừa “mai mỉa” cho đã cái mồm vừa có dịp hạ thấp uy tín mấy vị Hội Đồng, không biết chọn mặt gửi vàng? Ai đời cho cái thằng Khoa “Đạo theo” lên làm chức to trong xứ!
Phần Khoa, chưa được học Kinh Thánh nhiều nhưng lại thuộc Kinh, Bổn trừ bìa. Tin Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, là Đấng thông minh vô cùng, Đấng chân thật chẳng lừa dối ai…Trong tù, Anh Khoa ngày đêm “Cầu cứu” Chúa. Xin Chúa soi sáng cho “Nhà chức trách” sớm xem xét lại vụ án của Anh, để Anh được trắng án, mau về với vợ con, nhất là về gặp đứa con trai đầu lòng mà Anh chưa hề thấy mặt từ lúc lọt lòng mẹ. Cha mẹ, anh em và nhất là vợ Anh Khoa khóc lóc thảm thiết, thương cho đứa con ngoan, người chồng tốt mà chịu cảnh tù tội. Vợ Khoa bụng mang, dạ chửa, ngất xỉu trong phòng ngay ngày dự phiên xử án.
Sinh con xong, vợ anh Khoa quyết cùng cha mẹ hai bên, tìm người chữ cao nhờ giúp làm đơn xin Tòa xét lại. Anh Khoa cũng vận dụng hết lập luận, tình tiết có lợi cho mình cũng viết đơn kháng án. Tòa theo luật, xử lại “vụ án mạng”! Ngày Tòa xử được thông báo rộng rãi trên mọi “phương tiện” thông tin đại chúng.
Chủ bò, sau khi tom bò về chuồng, chứng kiến cảnh ông Trưởng Họ “bị chém đầu”, ông khiếp sợ, mất tinh thần, lại nghĩ đến cảnh tù tội, ông ta ốm cả năm trời. Rồi trở thành kẻ điên- điên thật! nằm liệt một chỗ, Ngày càng nặng, gia đình vội mời Cha xứ Ban các Phép cho kẻ liệt. Sau khi xưng tội, Cha biết rõ nguyên nhân “Vụ án”. Cha giải thích để ông ta an tâm là ông ta không hề phạm tội. và động viên ông ta đi khai báo với chính quyền. Sau khi lãnh các Phép và lời khuyên bảo của Cha, ông ta khỏe lại cả phần xác lẫn tinh thần. Hết điên!?
………………
Phiên Tòa khai mạc, “bị cáo” bị áp giải vào Vành móng ngựa. Ông chủ bò, ngồi ở hàng ghế đầu. Sau khi Tòa đọc cáo trạng, lấy hết bình tĩnh, ông trình bày chi tiết “vụ án mạng” : Ông ta thấy ông Trưởng Họ và anh Khoa đang đuổi bò, sợ phải bồi thường mía, ông ta núp vào lùm bụi rậm và thấy ông Trưởng Họ, tay phải cầm roi cày, tay trái cầm cán, lưỡi câu liêm ở phía sau, lao mạnh vào bầy bò. Cái lưỡi câu liêm hướng về phía trong và cắt mạnh vào ót ông Trưởng Họ. Ông ta chạy một mạch về nhà trốn. Lời khai của chủ bò khớp với lời khai của anh Khoa. Tòa hoãn xử án, tiến hành điều tra lại. Các nhân chứng được triệu tập, khai thêm tình tiết: ông Trưởng cầm cái mo cau gói tiền chạy vội ra nhà ngang, vật chứng quan trọng. Công an huy động một lực lượng hùng hầu, lật tung từng vật dụng trong nhà, xem xét mái nhà, soi mói phên lá,..không thấy! Bác Thượng sĩ già, nhớ lại khi xưa thường thấy bố cất giấu giấy tờ trong ống tre. Bác ra lệnh: khám từng ống tre như: đòn tay nhà, thanh ngang để nẹp, cột phên…Một anh công an tân binh la lớn: đây rồi!
Anh Khoa được trả tự do. Anh ra mộ ông Trưởng Họ đọc kinh xong mới về nhà. BHG Xứ và Họ, cả xóm, cha mẹ, anh em, vợ tay ẵm con nhỏ đón chờ anh chật kín cả sân vườn. Thằng nhỏ vừa tròn một tuổi, một tay ôm cổ mẹ, một tay vẫy vẫy, miệng a,.. a : Cha, Cha, Cha./. Pet. TB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.