LƯỠI KHÔNG XƯƠNG
Trong tục ngữ ca dao có một câu mà người ta nói lên tầm quan trọng của cái lưỡi, nó có thể làm cho người ta đòan tụ, cũng có thể làm cho người ta ly tan. Lưỡi người độc quá đuôi ong,
Xui người tan hợp rút lòng nghĩa nhân.
Cái lưỡi không cứng như đá, không sắc nhọn như dao, vậy mà lưỡi độc quá đuôi ong, tức là độc hơn cả nọc ong. Lưỡi nói xấu ai thì người ấy mất bạn bè, mất danh giá; lưỡi vu khống ai thì người ấy bị tù bị tội, mất cơ nghiệp, có thể mất cả tính mạng.
Người ta cũng thường nói:"Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" chỉ với ba tấc lưỡi, con người có thể bóp méo mọi việc, mọi sự vật, mọi hiện tượng.Con người ta có thể giả dối bất cứ lúc nào.
Con người có miệng có môi để diễn tả tâm tình khi vui khi buồn: buồn thì khóc, vui thì cười. Ca dao có câu:
Người ta có miệng có môi,
Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.
Nhưng môi miệng chỉ có thể diễn tả được tâm tình chứ không diễn tả được tư tưởng, vì lời nói mới có thể diễn tả được. Người ta chỉ có thể diễn tả tư tưởng bằng lời nói, mà muốn nói thì phải có cái lưỡi. Ai không có lưỡi thì không thể nói được. Như vậy lưỡi là một cơ quan vô cùng quan trọng để phát ra tiếng nói. Lời nói được phát ra có thể đúng sai, hay dở, có lợi hay có hại. Do đó người ta khuyên phải dè chừng cái lưỡi.
Đã là con người, thì không ai tránh khỏi nói dối (nói láo). Nói dối chơi, nói dối thật, nói láo để trốn nợ, nói láo để tránh một ai đó, nói láo để ăn nhậu không phải tốn tiền, nói dối để che mặc cảm nghèo hay thua kém người khác, để tránh né công việc, để... v.v. Nói chung thì có hàng ngàn, hàng vạn lý do khiến cho người ta nói dối. Với cái lưỡi lắt léo thì người ta nói thế nào cũng được, người ta có thể nói hay nói dở, nói xuôi nói ngược, miễn là có lợi cho mình. Câu chuyện sau đây chứng tỏ điều đó.
Truyện : Cái mâu và cái thuẫn.
Mâu là cái giáo, thuẫn là cái mộc (thời xưa khi ra trận dùng để chống đỡ gươm giáo).
Có người nước Sở vừa làm nghề bán mộc vừa làm nghề bán giáo.
Ai hỏi mua mộc thì anh ta khoe rằng :
- Mộc này của tôi làm thật chắc, không giáo gì đâm thủng.
Ai hỏi mua giáo, anh ta khoe :
- Giáo này của tôi làm thật sắc, không có gì đâm không thủng.
Có người nghe nói đến hỏi rằng :
- Thế bây giờ lấy giáo của bác để đâm và lấy mộc của bác để đỡ, thì sẽ thế nào ?
Anh ta nghe rồi, mặt đỏ gay lên, không biết làm sao trả lời được.
Có rất nhiều trường hợp còn nguy hiểm hơn, người ta còn gọi là: Đâm bị thóc, thọc bị gạo hay là giết người không gươm giáo, súng đạn, họ chỉ cần cái lưỡi để hại người, như câu truyện: Mượn dao cắt mũi
Hàn phi Tử có chép : Ngụy vương dâng tặng cho Sở vương một tân nhân, Sở vương. rất yêu thích cô gái lắm. Phu nhân là Trịnh Tú rất ghen với người con gái này. Nhưng giả vờ như mình cũng quí mến người con gái, nên người con gái ấy muốn trang điểm, ăn mặc, thích gì, phu nhân cũng chiều ý sắm cho đầy đủ cả.
Sở vương khen : “Phu nhân biết ta yêu thương người đẹp mới đến kia, vậy mà phu nhân thích người đẹp còn hơn cả trẩm, thật có khác nào như người con có hiếu thờ cha mẹ, như một tôi trung thờ vua”.
Khi phu nhân đã chắc bụng, vua nghĩ mình không là người ghen, nhân dịp mới bảo tân nhân rằng :”Vua yêu em lắm, nhưng ghét cái mũi của em, giá như từ nay, mỗi lần gặp nhà vua, em nên che cái mũi lại, thì vua yêu được mãi đấy”.
Thế là người con gái theo lời, từ đó mỗi khi trông thấy vua, là che ngay mũi lại. Vua thấy thế bảo với Trịnh Tú rằng: “Tân nhân trông thấy ta, mà che mũi là có ý làm sao ? Trịnh Tú thưa rằng: “Thiếp không được rõ”. Đợi vua gạn hỏi mãi, thì Trịnh Tú mới thưa rằng: “Thiếp nghe đâu như tân nhân có nói, hơi vua khí nặng, lấy làm khó chịu”. Vua phát giận bảo: “À, nếu thế thì xẻo mũi nó đi”! Vua vừa nói vậy thì một viên quan hầu cận, đã được phu nhân dặn trước, liền đem dao ra xẻo ngay cái mũi tân nhân”.
Trong cuộc sống thực tế hàng ngày, có những người phải đối diện với nhiều sự việc dối trá rất thường xuyên. Từ việc giả dối nhỏ cho đến những việc dối trá lớn và nghiêm trọng hơn như vì lợi ích cho bản thân hay để hạ danh giá hoặc để mưu hại kẻ khác v.v…
Tóm lại, trong cuộc sống thực tế đầy dẫy những mâu thuẫn, nói dối hay nói thật là "sự lựa chọn" của lương tâm mỗi người. Có lẽ, cách tốt nhất khi phải đối diện với sự lựa chọn giữa "giả và thật" thì ta nên dùng cái đầu để gạn lọc những gì cần nói ra và dùng trái tim gạn lọc lại thêm một lần nữa những điều phải nói.... Mặc dù "thuốc đắng đả tật" nhưng "lời thật cũng có thể mất lòng". Và không nói sự thật thì không nhất thiết là đồng nghĩa với nói dối hay nói sai sự thật. Trong quan hệ giữa người và người có lẽ tốt nhất là nên nói sự thật với một tấm lòng thương yêu. Một lời nói mà giúp ích được cho người khác thì mình cũng cảm thấy hạnh phúc.
Pet. Trần Đình Hiến
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.