Kiến tha lâu đầy tổ
Ông “Từ” Nhà xứ An Vinh có cái tên là lạ: Xúng, năm nay đã vượt ngưỡng tuổi Thất thập cổ lai hy. Dáng người gầy gầy, khuôn mặt xương xương, vầng trán cao thể hiện sự thông minh tiềm ẩn, sống mũi dọc dừa, có hàm răng trắng đều đặn - nhìn kỹ hóa ra giả, hai má hơi hóp, mái tóc cắt vừa để tự nhiên, ít khi thấy chải chuốt. Ông sống chan hòa với mọi người, nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói!
Ông Xúng, sau khi con cái thành thân có đôi có lứa, công việc nặng nhọc thì vợ con không cho đụng tay, thành thử Ông nhàn thân mà “nhân thân vi bất thiện”! Cứ chiều chiều Ông lại nhớ chiều chiều : sương sương ít ly à “……” rượu gạo. Hưởng tuổi già kiểu nhàn cư như vậy thấy không hợp lẽ đời? Ông nhận công tác Nhà Xứ : đóng mở cửa Nhà thờ, kiêm luôn cổng Nhà xứ ; tưới cây, tỉa cành…Đôi khi Cha Xứ đi vắng Ông làm thêm chức “Lễ tân” tiếp khách lạ. Anh em Hội Đồng gọi Ông bằng Bác hay bằng Chú nghe có vẻ thiếu thân thiện! Gọi bằng Ông lại càng khách sáo? Ông Chủ tịch quen gọi là “Thầy Sáu” vừa thể hiện sự tôn trọng mà lại thích hợp nơi tôn nghiêm. “Thầy Sáu” được gán cho tên gọi của Ông là ý nói: Ông là bố 6 đứa con? Các con gọi Ông là Thầy. Anh em Hội Đồng thêm tiếng sáu, Ông chết với tên mới : “Thầy Sáu”
Thầy Xúng lúc trẻ cũng làm Thầy, không phải Thầy dạy học mà là Thầy Cai kiểm lâm. Sau 75 Ông sợ vào “lâm trường” nên nhập xứ An Vinh, rồi khi vào làm ông “Từ” Nhà thờ, Thầy Sáu trở thành kẻ thứ hai sau Cha Xứ! Một số Cha trẻ, trước đây làm Thầy giúp xứ nhà, gặp lại Ông cũng không quên hỏi thăm : “Thầy Sáu” có khỏe không? Một vài Cha lạ, khi về dự Lễ Tang Linh Mục qua đời, nghe gọi Ông là “Thầy Sáu” cũng ngỡ ngàng, thắc mắc “sáu” gì đây?
Cha Xứ An Vinh vừa trẻ vừa khỏe vừa năng nổ, Ngài “thích” xây dựng. Nhìn thấy cảnh thiếu nhi chen chúc học Giáo lý dưới gốc cây, trong nhà kho cũ, trong các nhà Lục Giác, mái ngói mục nát…Ngài kêu gọi Giáo dân quyết tâm xây Nhà Giáo Lý mới. Thợ thầy Công nhân và Giáo dân có đến ba, bốn chục người lao động trên công trường mỗi ngày. Thầy Sáu tuổi đã cao, Cha không cho Thầy tham gia công việc nặng. Cha thấy những cái đinh bốn, năm phân… đám thợ đóng giàn giáo xây dựng thải ra vung vãi khắp công trường. Ông Xúng góp công xây dựng trường kỳ bằng ngày ngày lượm đinh trên công trường! Vừa tránh cho người ta không đạp phải đinh vừa “tiết kiệm” vật tư cho Nhà xứ? Cái lập luận thứ hai của Thầy Sáu, một số anh em xem như chuyện đùa! Ông khẳng định như đinh đóng cột : “Kiến tha lâu đầy tổ” , Thầy Sáu lặng lẻ với công việc thầm lặng hằng ngày: Lượm đinh: Một chú kiến thợ siêng năng!
Kiến (tên khoa học: Formicidae) là một họ côn trùng thuộc bộ Cánh màng. Người ta ước tính có khoảng 22.000 loài, nhưng hiện nay chỉ phát hiện được hơn 12.000 loài? Người ta tính tỷ lệ dân số giữa người và kiến trên một phạm vi nào đó mà phỏng đoán dân số loài kiến trên quả địa cầu khoảng 10.000 tỷ con ??? (nguồn Internet)-Có ai đếm không mà biết?
Trong xã hội loài kiến cũng có thành phần giai cấp: kiến cái, kiến thợ, kiến lính. Kiến cái thì ai cũng biết làm thiên chức gì rồi? Kiến thợ làm đủ mọi công việc: kiếm mồi, xây tổ, cung phụng kiến Chúa, nuôi con cái, chịu thương, chịu khó, cần cù…Kiến lính chuyên đánh trận, dĩ nhiên ắt phải có chỉ huy ? Lính thủy, lính bộ, không hiểu có lính không quân? Một nghiên cứu mới : “Địa vi” của kiến thợ không như ta tưởng trước đây! Kiến thợ phát huy vai trò then chốt xây dựng trật tự và hòa giải mâu thuẫn trong xã hội loài kiến? Kiến thợ còn có vai trò lựa chọn kiến cái? |
Kiến chúa |
Thông thường có khoảng 10.000 con kiến trong một đàn nhưng tất cả chúng chỉ có một mẹ (kiến chúa).Như vậy kiến theo chế độ mẫu hệ. Kiến chúa cái sống trong cung điện ở giữa tổ, Lãnh đạo quần thần và đẻ trứng suốt đời. Kiến ăn đủ loại từ cá thịt tươi đến ươn thối, từ đồ hộp Tây, Mỹ, Tàu đến sữa bò, sữa dê, đường cát, đường táng. Một số ăn hạt giống: gạo, ngô, khoai,…, có loài săn động vật khác và có cả loài ăn nấm... nhưng hầu hết chúng thích đồ ngọt! …. kiến thợ tìm mồi ở khắp mọi nơi, đôi khi lấy của các tổ khác. Việc vận chuyển thức ăn của kiến, xem ra cũng khôi hài. Nhìn một đàn kiến tha mồi chẳng hạn một chú dế mèn bị chết, đầu tiên mươi lăm con tha không nổi, lính “truyền tin” báo quân tiếp viện, chúng tăng viện từng nhóm. Nhưng không hè nhau kéo chiến lợi phẩm về một phía, mà phân ra tứ phía, mươi lăm con khôn hay khờ trèo lên cả trên lưng dế, cuối cùng theo bản năng (một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là cách nâng con mồi lên để tránh chướng ngại dọc đường đi), con mồi cũng được rìu về tổ thành từng đàn, theo từng hàng lối nghiêm chỉnh. Kiến có linh tính cao! Khi sắp có mưa to, bão lụt, họ hàng nhà kiến di tản chiến thuật, gùi trứng, con cái, thực phẩm. Một số kiến cụ to như cỗ xe tăng, chở trên lưng các anh lính bị thương hay đau ốm! Kiến thợ xúm nhau kiệu kiến Chúa di chuyển chầm chậm. Vòng trong vòng ngoài là các toán kiến lính, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ tính mạng cho Kiến chúa! Kiến chúa Chết cả đàn tan nát! Người nhà nông, mỗi khi thấy đàn kiến hành quân từ thấp lên cao sẽ biết : ắt sắp có mưa lớn! Ông Thầy Sáu nhà xứ cũng cần mẫn, dò tìm từng cái đinh hỏng. Thầy giáo Thu, một người bạn, cột vào cái gậy mấy cục nam châm, công việc rà đinh của Thầy có hiệu quả cao hơn! Đôi khi Thầy còn kiếm được những thanh sắt dài ba bốn tấc thừa. Thầy lượm bỏ vào bao xi măng không, Thầy quan niệm : “tích tiểu thành đại!” Công việc của Thầy Sáu liên lỉ, bền bỉ, âm thầm…ngày này qua tháng nọ cả hơn một năm trời! Rồi Nhà Giáo Lý được Đức Giám Mục về cắt băng Khánh Thành.
Ông Xúng, “Thầy Sáu”, trình Cha xứ và Hội Đồng năm bao đinh, sắt mà thợ xây loại bỏ nay cân được chính xác 327 kg, gấp 8 lần trọng lượng của Ông! Tiền bán sắt Cha Xứ biếu luôn cho Ông. Ông muốn dâng cúng lại cho Xứ. Bao thư tiền đang được ông Thủ Quỹ cất giữ.
Mùa Vọng, mùa hết mưa, cỏ xung quanh nhà, ngoài vườn bắt đầu khô. Gió từ Lào sang thổi mạnh. Một gia đình Giáo dân trong Xứ, nghèo lại gặp eo: Cháy nhà! Nhà cháy thì của cải cũng thành tro! Ông tỏ lòng thương người gặp cảnh bần cùng : “Thương người như thể thương thân”. Chúa và Giáo Hội cũng dạy : “Cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc”, Ông xin Cha Xứ trao toàn bộ số tiền bán đinh cho gia đình nhà bị cháy. Cha đồng ý và kêu gọi cả Giáo Xứ giúp đỡ họ làm lại ngôi nhà mới.
Hy vọng, trong Đêm Chúa Giáng Sinh, gia đình người gặp nạn có mái ấm tươm tất không bị cảnh lạnh lẽo như Hài Nhi Thiên Chúa được sinh ra trong một đêm đông giá rét! Thầy Sáu - ông Xúng tuy làm một việc nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn! ./.
Pet. TB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Bài viết hay lắm. Cho hỏi một chút nhé: Hình như Ông Xúng này là anh em sinh đôi với ông Sính phải không tác giả? Súng-Sính...hi hi...
Trả lờiXóa