GIÁNG SINH AN HÒA
Gia đình cụ Tư Cao và gia đình cụ Sáu Mập vốn kình chống nhau từ cái thời gieo mạ, cấy lúa vào những năm trước 1960. Hai gia đình còn có bà con xa xa nhưng lại mang hai dòng họ khác nhau: Trịnh - Nguyễn. Truyền kiếp còn lưu lại ở một xứ Đạo nhỏ nhoi này là : hai dòng họ thường “ganh” nhau trong mọi lãnh vực, kể cả việc Tôn Giáo! Ganh nhau theo nghĩa tích cực để kiến thiết xứ sở ngày càng văn minh, tiến bộ, phát triển. Đạo Giáo được mở mang thì vẫn cần được khích lệ. Nhưng ganh để rồi ghét nhau, kình chống nhau thì đáng bị lên án. Vì không những trái với đạo lý ở đời mà hơn nữa còn trái với tinh thần Phúc Âm!
Cha xứ mới, Ngài gốc một tỉnh khác, không dây mơ rễ má với bất cứ ai trong Xứ Đạo. Sau quá trình “chăn dắt” đoàn chiên “bướng”, Ngài thực hiện chương trình cải cách theo kế hoạch 5 năm nhằm thay đổi “tư duy” cỗ lỗ xỉ.
Năm đầu, Ngài khuyến khích các Giáo họ bỏ cái tên “cũ” một thời lưu luyến nay còn mấy ai luyến lưu? Ngài gợi ý đặt tên theo Thánh Quan Thầy. Bước I : Thành công!
Năm thứ Hai, Ngài dẹp bỏ các tên xóm ở tận miền Nam mà lại lấy theo tên Họ Đạo ngoài Bắc năm mươi năm trước! Như Nầm, Kẻ Gà, Kẻ Vịt, Chợ Choi, Chợ Chuối … Người già còn có đôi chút luyến tíếc cái tên thân quen gắn bó từ cái tuổi chăn trâu, nhưng lớp trẻ thì hưởng ứng mau lẹ! mãi các vị cao niên cũng thuận theo. Bước II : Cũng thành công!
Năm thứ Ba, Ngài khuyến khích tổ chức việc mai táng là do Ban tang lễ của Xứ lo liệu, lập đội “Nội Cữu”, Chia phiên đọc kinh cầu nguyện cho Linh hồn người mới qua đời do các Hội Đoàn đảm trách. Nhiều ý kiến có tính xây dựng, xin Cha duy trì Ban tang lễ của Giáo Họ để giảm bớt gánh nặng cho Giáo Xứ. Thấy hợp lý, Ngài đồng thuận. Bước III : Tạm thành công!
Năm thứ Tư, Ngài thành lập nhiều Ca đoàn: Bà mẹ, Gia trưởng, Giới trẻ, thiếu niên, ấu nhi (như Gx Vinh An) để phong phú hóa lời ca tiếng hát. Bước IV : Lại thành công!
Đầu năm cuối của kế hoạch 5 năm, Ngài sơ kết 4 năm qua cũng như tiết lộ những thay đổi mang tính “Cách Mạng” của Ngài:
- Sở dĩ Ngài bãi bỏ tên Giáo Họ cũ để không còn phân biệt gốc này, gốc nọ… lắm chuyện ở cái thế kỷ 18, nay chỉ còn một gốc là gốc Đạo thờ Chúa.
- Bỏ tên xóm cũ khỏi phải chê nhau giọng cao, giọng thấp, dấu ngã, dấu nặng.
- Đọc kinh theo Hội Đoàn để cả xứ có trách nhiệm chung: “cầu cho kẻ sống và kẻ chết”.
- Thành lập nhiều Ca đoàn để có nhiều bè… khi có dịp Lễ lớn, Thánh Lễ sẽ thêm phần long trọng. Đồng thời đào tạo lớp trẻ, tạo nguồn, kế tục sự nghiệp : “tre già, măng mọc”.
Nhưng một “vấn đề nan giải” mà Cha Xứ bận tâm hơn là ảnh hưởng của hai dòng họ khá mạnh không những trong cuộc sống Đạo mà cả đời. Hai dòng họ “Nguyễn –Trịnh” vừa đông nhân khẩu vừa mạnh “thế lực” hơn các họ khác. Hơn bốn năm Cha nhận xứ, hai họ tuy không mấy chung tay nhưng đã đóng góp công, của trong việc xây dựng, kiến thiết và phát triển Xứ nhà rất mạnh. Các công trình mới vừa hoàn thành như Đài Đức Mẹ được xây trên bệ rộng xấp xỉ 50m2 , dự kiến sẽ là Cung thánh tạm khi Nhà thờ cũ được tháo gỡ để xây lại, cũng vừa làm “Sân khấu” khi tổ chức Diễn Nguyện…Tượng Đức Mẹ cao 3m do họ Trịnh dâng. Đài Thánh Giuse, Quan thầy Giáo xứ được đặt trên đồi cao, đối diện với Nhà thờ, tượng Thánh cao 4m do họ Nguyễn cúng. Các họ khác, ít người nên dâng cúng tùy tâm.
Nghe đâu, trước những năm 1960, khi Nhà thờ hiện nay được thay cho Nhà nguyện tạm, mái tranh vách cót, hai họ Trịnh-Nguyễn thi đua lập Thành tích. Họ Nguyễn Chuyển tới 10 cái cột cao 8m, bán kính 20cm, thì họ Trịnh chở đến cũng 10 cột cao 8,5m, bán kính nhỏ nhất cũng 22cm. Tội nghiệp cho các bác phó thợ mộc phải đẽo, phải cưa, phải bào cho hai bên bằng nhau!
Cũng nghe nói thời hai “Chúa” Trịnh - Nguyễn chưa gây hấn nhau, còn phò vua Lê, thì hai họ thuận hòa, đoàn kết. Khi “Chúa” Nguyễn chạy vào Nam, họ Trịnh giành đất, chiếm đai của họ Nguyễn. Khi Gia Long lên ngôi vua, họ Trịnh yếu thế, bị họ Nguyễn chiếm lại. Nhưng thực ra, hai họ Trịnh-Nguyễn này “dựa hơi ăn có” chứ có rễ má dây mơ gì dòng tộc hai “Chúa”.
Hai vị tộc trưởng của hai Họ: họ Trịnh là cụ Trịnh Tư Cao, họ Nguyễn là cụ Nguyễn Sáu Mập lại có xích mích chuyện ruộng trên, ruộng dưới khi mới chọn chốn này làm quê hương. Thành thử con cháu vạ lây, chứ thế hệ sinh sau đẻ muộn đâu mấy quan tâm tranh tiếng, giành danh!
Càng về sau thế hệ xưa càng ít bớt, thế hệ mới chiếm phần đa. Hỏi cưới nhau khác họ khỏi ảnh hưởng “gen” di truyền cận huyết! và nhất là làm mất đi cái “gen” trội : thù hằn!? Tội nghiệp cho cô dâu, nếu có lỡ vì trót yêu mà lấy phải anh chồng thuộc cái dòng họ “đối đầu”, khi các cụ rượu vào, ngôn xuất đụng chạm phía bên ngoại, cũng tủi thân, ngậm đắng nuốt cay! Càng về sau nữa, các họ khác cũng “mạnh” lên. Nhờ Xứ Đạo biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa, ngô, mè…năng xuất kém, giá cả thấp sang trồng cây thanh long mà kinh tế càng vươn cao, toàn Giáo xứ không còn người nghèo! Giáo dân biết làm giàu một cách chính đáng, Cha Xứ cũng mừng. Nhưng cái làm Ngài trăn trở : làm sao tạo được mối đoàn kết trong Giáo Xứ, Giáo dân thực sự yêu thương nhau như con một nhà và là con một Cha trên trời! Chính Chúa Giêsu cũng dạy: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con, Chúa cũng mong “… chúng trở nên một”…
Mùa Giáng sinh năm cuối Kế hoạch 5 năm, Ngài quyết tâm xóa bỏ nạn chia rẽ trong Giáo Xứ. Ngài không kêu gọi các Giáo Họ đóng góp, không nhận tài trợ của các họ tộc. Ngài có phương án riêng…. Ngài giao cho giới trẻ đảm trách thiết kế Hang Đá Bêlem giữa con sông nhỏ, có tên Lam Hồng, ngăn cách hai họ Trịnh-Nguyễn.
Con sông Lam Hồng, mùa khô nước róc rách chảy luồn qua những bãi đá, có đoạn tạo thành những dòng thác cao vài ba mét. Cây rù rì mọc xen trong đá, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng! Hang Đá to, làm bằng giấy xi măng, quét sơn phù hợp màu đá, xếp lẫn vào những hòn đá thiên nhiên, hình thù kỳ dị. Đứng xa độ dăm mét trông giống như Hang Đá thật! Các tượng Chúa Hài Nhi, Đức Mẹ và thánh Giuse to bằng người. Riêng chiên, bò, … giảm bớt kích thước để đề cao chủ đề (nghệ thuật cách điệu). Thời đó, chưa có điện nông thôn, người ta tạo sánh bằng đèn hình ngôi sao, trái trám…dán giấy bóng đủ màu, bên trong thắp nến hoặc đèn dầu, ánh sáng lung linh, huyền ảo... Một ngôi sao lớn được treo trên cây cao phía Đông, có đuôi như sao Chổi hướng về Hang Đá. Đèn được giăng đầy mặt sông, hai bên đường từ đôi bờ đi xuống sông gặp nhau nơi Chúa Giáng Sinh!
… Ở hàng đầu - ghế danh dự, người ta thấy Cha Xứ ngồi giữa, bên trái Cha là cụ Tư, bên phải là cụ Sáu , tiếp theo là các vị BHG Xứ và Giáo Họ, các vị tộc trưởng các họ khác, các vị cao niên. Con cái, cháu chắt, đứng phía sau. Trong bài Diễn văn Khai mạc, Ngài quãng diễn Mầu Nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm Người. Ngài nhắc lại lịch sữ phân ly Đất nước thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, lấy Sông Gianh (Quãng Bình) làm ranh giới đối đầu. Nay Ngài làm một Hang Đá Bêlem, cũng giữa dòng sông để cả Xứ Đạo chúng ta tụ họp về nơi đây cùng với các Thánh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời” và xóa tan lòng vị kỷ, sự đối nghịch giữa các con cái Chúa. Nên giáo Xứ chúng ta phải hòa bình, trí có hòa thì lòng mới an! Để xứng đáng đón nhận lời cầu chúc của Thiên Thần : “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Lời giảng của Cha khấy động vào tim can mọi người, một số chị em (đã từng chịu cảnh dâu con) khóc thút thít. Không gian im ắng như tờ khi lời giảng của Cha đầy cảm xúc với cả tấm lòng và một mong muốn : Giáo xứ đoàn kết và yêu thương nhau. Cộng đoàn thấy các cụ bắt tay nhau làm hòa. Hai cụ Tư-Sáu ôm nhau trước sự chứng kiến của Cha. Tiếng vỗ tay rộn ràng cả khúc sông.
….Đoàn người bước sau Cha xứ tiến vào Nhà Thờ dâng Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh.
Đêm nay hòa với niềm vui chung của nhân loại Mừng kỷ niệm ngày Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm Người đem bình an, hạnh phúc, hy vọng…cho nhân trần! Giáo xứ có một đêm Diễn nguyện thật độc đáo, có một không hai: “giữa dòng sông” có nước chảy róc rách, có hàng cây rì rào, có bầu trời quang mây, có đèn sao sáng trưng chiếu rọi tận mây xanh! Một Đêm Giáng Sinh đầy ý nghĩ: cả Giáo xứ hát khen “Mừng Chúa Giáng Sinh ra đời” trong bầu khí tha thứ, yêu thương và an hòa./.
Pet. TB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.