Vào đầu tháng 9/21 vừa qua, trên mạng xôn xao về “Câu chuyện và phát biểu”
của bà Phương Hằng, một doanh nhân ở Bình Dương, liên quan đến Bí Tích Hoà Giải
(Giải tội, Sám Hối, Thống Hối) trong Đạo Công Giáo. Chúng tôi không nhận định
phát biểu ấy là vô tình hay cố tình, nhưng nhìn khách quan trong thực tế, phát
biểu ấy đã bị nhiều người, cả những người không công giáo, cho là hành vi châm
biếm, báng bổ và xúc phạm đến Đạo, Giáo lý Công Giáo và niềm tin của tín đồ vào
một trong những điều thánh thiêng nhất của Công Giáo là Bí tích Hoà Giải.
Mục đích của bài viết nầy không phải để nêu
quan điểm hay phán xét về sự kiện đã xảy ra, nhưng chúng tôi coi như một dịp
để chúng ta ôn lại những điều đã biết và đối với những người không có điều
kiện tìm hiểu về giáo lý, có cơ hội học hỏi thêm, để việc cử hành bí tích Hoà
Giải đạt được ý nghĩa và mục đích mà Chúa và Giáo Hội mong muốn.
Dầu
cho người khoẻ mạnh thì cũng có lúc bệnh tật hay bị thương tích, và cần đến bác
sĩ, thuốc men cũng như nỗ lực của chính mình để được chữa khỏi. Trong cuộc sống,
dầu có hứa, có cam kết thề nguyền thì cũng có lúc không giữ lời, làm mất lòng,
và cần khắc phục bằng việc sửa chữa lại lỗi lầm, nếu không niềm tin và tình
nghĩa có thể bị hủy hoại. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Còn sống ở trần
thế, mang bản tính con người nên dầu đã cam kết thề nguyền quyết tâm với Chúa,
nhưng vẫn có nhiều lúc yếu đuối sơ sẩy, làm những điều trái ý Chúa và gây thiệt
hại, xúc phạm đến người khác. Những sai lỗi nầy, người công giáo gọi là “tội”.
Tội có nhiều hình thức được tóm kết lại trong Mười Giới Răn của Chúa và Năm điều
luật của Hội Thánh[1]. Những tội phạm làm thương
tổn đến đời sống thiêng liêng của người tin Chúa.
Thấy trước được điều nầy, với
tình thương của Vị Mục Tử Tốt Lành, Chúa Giêsu đã thiết lập phương thế chữa
lành và phục hồi đó là Bí Tích Giải Tội. Để hết sức dễ dàng thực hiện hoà giải
và lãnh nhận ơn tha thứ, Chúa đã trao cho Hội Thánh quyền tháo bỏ mọi ràng buộc
tội lỗi cho người thật lòng sám hối. Trong bí tích Hoà Giải, không phải linh mục
tha tội với tư cách là con người, nhưng chính là Thiên Chúa (x. Mt 16,19; Ga
20,21-23). Do đó, Toà Giải tội (nơi hối nhân trình bày tội của mình)
không phải là Toà Án luận tội, nhưng là nơi con người làm hoà với Chúa và Người
bày tỏ lòng nhân từ, yêu thương, tha thứ[2].
Chúa thực hiện điều nầy qua các Tư tế được uỷ quyền hợp pháp[3].
Công thức tha tội nói lên ý nghĩa đó: “Thiên
Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao
hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội; xin Chúa dùng tác vụ của Hội
Thánh, mà ban cho anh (chị) ơn tha thứ và bình an. Vậy, tôi tha tội cho anh (chị)
nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”[4].
Sách Giáo Lý Công Giáo nhắc nhở thừa tác viên :
Số 1465 : Khi cử hành bí tích Thống Hối, tư tế chu toàn thừa tác vụ của vị Mục Tử nhân lành đi tìm chiên lạc, của người Samaritanô nhân hậu băng bó các vết thương, của người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng và đón nhận nó khi trở về, của vị thẩm phán công chính không thiên vị ai, và xét xử vừa công bằng vừa hay thương xót. Tắt một lời, tư tế là dấu chỉ và là dụng cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân[5].
Số 1466 : Vị giải tội không phải là chủ nhân, nhưng là thừa tác viên của ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thừa tác viên của bí tích nầy phải gắn bó mình với ý hướng và tình yêu của Đức Kitô […]. Ngài phải cầu nguyện và đền tội cho hối nhân, trong khi phó thác họ cho lòng thương xót của Chúa[6].
Giáo Luật năm 1983 quy định:
Điều 959 : Trong bí tích Sám Hối (Giải Tội), các tín hữu nào thú tội mình với một thừa tác viên hợp pháp, ăn năn về những tội ấy và quyết tâm sửa mình, thì nhờ việc xá giải do chính thừa tác viên ấy ban, họ được Thiên Chúa tha thứ các tội đã phạm sau khi chịu phép Rửa Tội, và đồng thời được hoà giải với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội[7].
Điều 965 : Chỉ có tư tế là thừa tác viên bí tích Sám Hối[8].
Điều 978 : § 1-Khi giải tội, tư tế phải nhớ rằng nhiệm
vụ của mình vừa là thẩm phán, vừa là lương y, và đồng thời mình đã được Thiên Chúa đặt làm thừa tác viên của
công lý và của lòng nhân hậu của Chúa, để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ
các linh hồn.
§ 2-Với tư cách là thừa tác viên của Giáo Hội, khi ban bí tích, cha giải tội phải trung thành theo sát giáo huấn của huấn quyền và những quy tắc do nhà chức trách có thẩm quyền thiết lập[9].
Điều 990 : Không cấm xưng tội qua một thông dịch viên, nhưng phải tránh những lạm dụng và gương xấu, miễn là vẫn giữ nguyên điều 983 § 2[10].
Điều 991 : Mọi Kitô hữu có trọn quyền xưng tội với cha giải tội nào đã được chuẩn nhận cách hợp thức mà mình thích, mặc dầu vị ấy thuộc một lễ điển khác[11].
Bí mật Tòa Giải Tội (Ấn Toà Giải Tội)
Bí mật Toà Giải Tội thường được gọi là Ấn Toà Giải Tội hay Ấn Tín Bí Tích.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo1992 xác định việc thừa tác viên phải giữ ấn toà giải tội:
Số 1467 : “ Vì sự thánh thiêng và cao cả rất hiển nhiên của thừa tác vụ nầy và vì sự tôn trọng phải có đối với con người, Hội Thánh tuyên bố rằng mọi tư tế nghe xưng tội, bắt buộc phải giữ bí mật tuyệt đối về các tội mà hối nhân đã xưng với họ, nếu lỗi phạm sẽ bị những hình phạt nghiêm khắc nhất. Các linh mục cũng không được sử dụng những hiểu biết do việc xưng tội cung cấp cho họ về đời sống của các hối nhân. Bí mật nầy không chấp nhận các luật trừ, được gọi là ấn tín bí tích, bởi vì tất cả những gì hối nhân đã bày tỏ với linh mục, đều được niêm ấn bởi bí tích”[12].
Bộ Giáo Luật 1983 quy định cụ thể việc giữ bí mật và hình phạt cho những người lỗi Ấn Toà Giải Tội:
Điều 979 : Khi đặt những câu hỏi, tư tế phải tiến hành cách khôn ngoan và kín đáo, phải lưu ý đến địa vị và tuổi tác của hối nhân và tránh đừng hỏi tên người đồng loã[13].
Điều 983 § 1- Ấn tín bí tích là điều bất khả xâm phạm, vì thế, tuyệt đối cấm
cha giải tội không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác,
và vì bất cứ lý do gì.
§ 2- Thông dịch viên, nếu có, và tất cả mọi người đã biết được tội bằng bất cứ cách nào, do việc thú tội, cũng đều buộc phải giữ bí mật[14].
Điều 984§ 1-
Tuyệt đối cấm cha gỉải tội dùng những kiến thức biết được trong lúc giải tội để
làm hại hối nhân, mặc dù không có nguy cơ tiết lộ nào.
§ 2- Người cầm quyền không thể dùng những kiến thức biết được bất cứ lúc nào do việc giải tội, để lãnh đạo ở toà ngoài[15], bằng bất cứ cách nào[16].
Để bảo đảm việc xưng tội không ảnh hưởng đến nhận định của những người có trách nhiệm về con người và ơn gọi, Giáo Luật cẩn thận quy định.
Điều 985 : Vị giáo tập và cộng sự viên của mình, giám
đốc của chủng viện hoặc của một cơ sở giáo dục khác, không được giải tội cho học
sinh cư ngụ trong nhà mình, trừ khi những học sinh ấy tự nguyện xin điều đó trong
những trường hợp đặc biệt[17].
*Hình phạt cho việc lỗi Ấn Toà Giải Tội hoặc lạm dụng việc giải tội:
Điều 1387 : Tư tế nào dụ dỗ hối nhân phạm tội nghịch điều răn thứ sáu của Thập Giới trong khi giải tội, hay nhân dịp giải tội, hay viện cớ giải tội, thì phải bị phạt vạ huyền chức, cấm chế, bãi nhiệm tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm, và phải bị sa thải khỏi bậc giáo sĩ trong những trường hợp nghiêm trọng hơn[18].
Điều 1388 § 1- Cha giải tội nào trực tiếp vi phạm ấn
toà giải tội, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết được dành riêng cho Tông
Toà; còn vị nào chỉ vi phạm cách gián tiếp, thì phải bị phạt tuỳ theo mức độ
nghiêm trọng của tội phạm.
§ 2- Thông dịch viên và những người khác được nói đến ở điều 983 § 2, vi phạm bí mật, thì phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả vạ tuyệt thông[19].
Giáo Hội thêm một vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Toà : Những ai dùng máy thu âm ghi và phổ biến nội dung việc xưng tội (x. Bộ Giáo lý Đức tin 22/9/1988).
Điều 1378§2,2o: Người nào dám ban bí tích giải tội, hoặc nghe xưng tội như bí tích, mặc dù không thể ban bí tích giải tội cách thành sự, bị phạt vạ cấm chế tiền kết hay bị vạ huyền chức, nếu là giáo sĩ; và §3: tuỳ mức độ nghiêm trọng của tội phạm, có thể thêm những hình phạt khác nữa, kể cả vạ tuyệt thông[20].
*Giải thích về vạ tuyệt thông[21]
I. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo năm 1992 xác định:
Vạ tuyệt thông là hình phạt nặng nhất theo giáo luật, cấm không cho nhận lãnh các bí tích và không được thi hành một số tác vụ trong Hội Thánh. Vạ nầy dành cho một số tội nặng đặc biệt. Theo Giáo luật, chỉ có Đức Giáo Hoàng, các giám mục địa phận hay vị linh mục được uỷ quyền, mới có quyền tha vạ. Trong trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn có thể tha hết các tội và tha mọi vạ tuyệt thông (số 1463).
II. Giáo luật 1983
1/ Vạ tiền kết
Gọi là vạ tiền kết (latae sententiae) khi phạm
tội là tự động mắc vạ ngay do chính sự kiện phạm tội, chứ không do người có thẩm
quyền tuyên kết.
Bc.- Dành cho Tông Toà: chỉ Toà Thánh
mới có quyền giải vạ.
2/ Vạ hậu kết
Gọi là vạ hậu kết (ferendae sententiae), nghĩa
là không ràng buộc phạm nhân, cho tới khi cơ quan thẩm quyền áp đặt thì mới bị mắc
vạ (x.đ.1314).
3/ Hình phạt
dành cho những người bị vạ tuyệt thông (đ.1331)
a/ Cấm người bị vạ tuyệt thông:
-
cử hành Hiến Tế
Thánh Thể và các bí tích khác;
-
lãnh nhận các bí
tích;
-
cử hành các á bí
tích và những lễ nghi phụng vụ khác;
-
dự phần một cách
chủ động vào những cử hành nói trên;
-
thi hành các giáo
vụ, các nhiệm vụ, các thừa tác vụ và các chức vụ thuộc Giáo Hội;
-
thực hiện những
hành vi lãnh đạo.
b/ Nếu vạ tuyệt thông hậu kết đã được áp đặt
hoặc vạ tuyệt thông tiền kết đã được tuyên bố, phạm nhân:
-
phải bị loại ra,
nếu muốn hành động nghịch lại quy định của § 1,1o-4o, hoặc
hành động phụng vụ phải bị đình chỉ, trừ khi có một lý do nghiêm trọng chống lại
điều đó;
-
thực hiện vô hiệu
những hành vi lãnh đạo, mà chiếu theo quy tắc 1,6o ởtrên, đã trở thành bất hợp luật;
-
bị cấm hưởng dùng
những đặc ân đã được ban cho trước đây;
-
không được nhận những
thù lao có được do danh nghĩa thuần túy Giáo Hội;
- không có khả năng nhận những giáo vụ, nhiệm vụ, thừa tác vụ, chức vụ, quyền lợi, đặc ân và các tước hiệu danh dự.
Chúng tôi trình bày đầy đủ Giáo Huấn của Giáo Hội về Bí tích Hoà Giải,
với mục đích:
-
Giúp
chúng ta thấy rõ tình thương bao dung, tha thứ không có giới hạn của Thiên Chúa
và Giáo Hội đối với mọi người, đặc biệt với tội nhân.
-
Qua những
quy định nghiêm túc và chuẩn mực cùng những hình phạt, đặc biệt với thừa tác
viên giải tội, cho thấy sự tôn trọng và quyết tâm bảo vệ nhân vị con người cùng
với phẩm giá thiêng liêng cao quý của họ, kể cả tội nhân.
- Giúp chúng ta thấy Giáo Hội quý trọng và bảo vệ một trong những món quà thánh thiêng mà Chúa ban, đó là Bí Tích Hoà Gỉải.
Khi nhận thức được đầy đủ những giáo huấn trên, chúng ta sẽ không e ngại,
nhưng coi là một niềm vui khi được đến với Chúa trong bí tích Giải Tội để nối lại
mối giây thân tình cha con đã bị mất hoặc bị nguy hại do tội lỗi của chúng ta.
Như vậy, di xưng tội cũng là biểu lộ tâm tình khiêm tốn chân thật. Ngoài ra, hiểu
biết đúng được ý nghĩa của bí tích Hoà Giải, sẽ giúp chúng ta tỉnh táo loại bỏ
những phát biểu xuyên tạc, sai lầm và có chủ ý xúc phạm đến sự thánh thiêng của
Giáo Hội, đồng thời yêu mến và siêng năng đến với bí tích Hoà Giải một cách trọn
vẹn, không những để được ơn tha thứ, mà còn nhận được ơn thánh hoá của bí tích.
[1]x.Sách Giáo lý Công Giáo.
Sáu Điều Luật của Hội Thánh nay lược lại thành Năm Điều.
[2]x.Lm. Nguyễn Công Vinh,Thiên Chúa Nguồn Sống và Hi Vọng, NXB
Tôn Giáo, 2000, tr. 81-82.
[3]x. Sách Giáo Lý của Hội
Thánh Công Giáo 1992 (GLHTCG) số 1441-1445- In jure và a jure.
[4]Nghi thức Thống Hối, 46.55 (Typis Polyglottis Vatcanis 1974) 27.37 –GLHTCG số
1449.
[5] Sách GLHTCG 1992, (bản dịch
HĐGM.VN), NXB Tôn Giáo 2010.
[6]Id.
[7]Code de Droit canonique, Bilingue et annoté, 1999, Collection Gratianus –
HĐGM Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, NXB TG, Hà Nội 2007, đ.959.
[8]Id.
[9]Id.
[10]Id.
[11]Id.
[12]Id.
[13]Id.
[14]Id.
[15]Nói một cách tổng quát, Toà
ngoài liên hệ tới tổ chức hữu hình của Giáo Hội (cộng đoàn của các tín hữu) và
dự trù những biện pháp để bảo vệ hoặc xét xử những ai vi phạm trật tự quen gọi
là “tội phạm” (delictum); Tòa Trong thì chi phối mối liên hệ giữa lương
tâm với Thiên Chúa, xét đến cả tính cách luân lý của sự vi phạm, xét đến những
“tội luân lý”, “tội lỗi” (peccatum). Người ta nói đến Tòa Trong bí tích,
thí dụ việc xưng tội, và Tòa Trong ngoài bí tích, thí dụ việc linh hướng…
[16]Id
[17]Id.
[18]Id.
[19]Id.
[20]Id,
[21] X. Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh, Tìm Hiểu Giáo Luật Về Hôn Nhân & Gia Đình q.2, NXB Tôn Giáo,
2009, tr. 70-73.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.