TRI ÂN THẦY!
Sáng hôm qua (12/8/2014), tôi nhận được
tin buồn Thầy Phêrô Trần Văn Đoan đã về với Chúa lúc 3 giờ 30 trước vài giờ! Dù
biết trước “cái ngày này” sẽ đến, nhưng khi được tin Thầy mất, lòng tôi vẫn
dâng trào xúc động, tiếc thương!
Khi
Thầy đau yếu, dù không gian cách trở, nhưng tôi đã kịp đến thăm Thầy. Thầy
không nói được nhiều và nói cũng không rõ tiếng, nhưng qua ánh mắt ngấn lệ và
cử chỉ Thầy nắm chặt tay tôi không rời, tôi biết Thầy cũng cảm động khi có một
học trò cũ đến thăm! Tôi có một chút “khiếu” gợi chuyện với người bệnh và mặc dầu
cơ thể của Thầy đau lắm nhưng Thầy vẫn mĩm cười với tôi !
Thầy
của tôi đã ra đi vĩnh viễn!
Học sinh cũ sao quên được Thầy xưa,
Kể ơn mãi đâu thể nói là thừa,
Thầy vẫn là Thầy con tri ân mãi.
Nhớ ơn Thầy mới chính là lẽ phải!
Thầy, kẻ lái đò đưa khách qua sông.
Cây lớn lên cũng do bởi người trồng.
Trò nên người phụ công Thầy, không thể.
Niên học 1965 - 1966 tôi học lớp
Thầy Đoan (lớp Nhất - lớp 5). Lúc bấy giờ học trò quen gọi tên Thầy giáo thay
cho tên lớp: Lớp 6 - ông Công ; lớp 5 - thầy Luyến ; lớp 4 - thầy Thọ ; lớp 3 -
thầy Mai ; lớp Nhì - thầy Ngoạn ; lớp Nhất - thầy Đoan. Rồi các Thầy dạy Tiểu
học cho tôi (thầy Luyến ?) đã trở thành “người thiên cổ”! Thầy dạy lớp cuối cấp
nên Thầy ra đi cuối cùng !?
Lớp Nhất của tôi vỏn vẹn đủ 20 học
sinh: Nam: Bảng, Nhã, Khởi, Thọ, Tha, Đình, Nhàn (mất),
Huế (mất), Thường (Sơn), Thủy, Vân, Trưng, Lan (mất), Trị (mất) ; Du (BMT) ; Nữ:
Huế, Hương, Quy, Tân, Tình (chuyển học PT). Một lớp học lý tưởng! Lớp không có
Ban cán sự, Thầy phân công trực nhật theo dãy bàn và Thầy tự điểm danh luôn.
Trường Tiểu học Tư thục Thọ Ninh
cũng chỉ có sáu lớp. Một dãy 4 phòng - mặt hướng sang Nhà thờ cho các lớp 6, 5,
4, 3 ; dãy 2 phòng - hướng ra cổng cho lớp Nhì, Nhất. Các lớp dưới đông học
sinh hơn, lên cao “rụng” dần do bị ở lại lớp!
Chúng tôi đi học không mang nhiều
sách như học sinh bây giờ. Hình như chỉ có ba cuốn sách: Khoa học Thường thức,
Lịch sử, Địa lý ; dăm sáu cuốn vở: Tập làm văn, bài tập Toán, chính tả, tập vẽ-tập
viết, tập ghi chung,…. Thầy mang theo sách Tập đọc (Tiếng Việt) và cuốn nội
dung giảng dạy các môn. Thành thử học sinh cũng chẳng cần sắm cặp, học môn nào
thì mang vở môn đó.
-Môn Toán: Thầy dạy
đến đâu học đến đó, cấu trúc bài dạy, vẽ hình, quy tắc, công thức… đều do Thầy
“nghĩ” ra dạy - không theo sách. Phần bài tập khá nhiều, học sinh làm bài tập
toán đố phải chia làm hai phần: phần tính và phần giải.
Chúng tôi được học rất kỹ: Toán động
tử chuyển động ; lối đi, trồng cây, trồng hoa; toán vòi nước ; toán thể tích
hình khối… Có thể nói học nhiều và khó
hơn bây giờ.
-Môn Tập đọc:
Chuyền tay nhau đọc sách của Thầy, kèm học Từ ngữ và Ngữ pháp…
-Môn Chính tả: Thầy
đọc, trò viết. Sai một lỗi nhận một roi! Học sinh viết rất ít sai lỗi chính tả!
-Môn TLV: Tập làm
các bài văn nghị luận khá cao: Kiến tha lâu đầy tổ, một cây làm chẳng nên non, có công mài sắt...
-Môn KHTT, LS, ĐL:
Học sinh dựa vào câu hỏi soạn bài trước ở nhà. Đến lớp Thầy giảng và rút ra nội
dung chính bài học. Phương pháp này thế mà lại hay: gọi là chủ động học tập.
Hiện nay, đang có khuynh hướng dạy theo pp này.
-Các môn Vẽ, Tập
viết: thầy vẽ, viết mẫu trên bảng, trò vẽ viết theo. Đôi khi Thầy đặt vật mẫu
cho trò tự vẽ theo vị trí mắt nhìn. PP này rất hợp lý, không rập khuôn.
-Môn Thủ công: Trò
tự kiếm đất thó (sét) mà nặn, tự tô màu. Trò được hướng dẫn cách xếp chữ để cắt, dán chữ vào
vở, to nhỏ tùy ý miễn đẹp.
- Giờ ra chơi : Cho
chơi bi, đá banh, nhảy dây, chơi chọi gụ, đá thun,… Cấm chơi đánh khăng, cấm ra
sông tắm, cấm ăn quà vặt trong trường,… Đặc biệt đội Trực nhật đánh trống ra
vào lớp, chúng tôi không có đồng hồ để xem giờ, Thầy đã hướng dẫn cách đo bóng
cột cờ để tính giờ. Chính xác gần 100% vì có điều chỉnh theo mùa.
Tuy phương tiện và điều kiện dạy và
học không bằng ngày nay nhưng “Dạy” kiểu như Thầy xem ra lại hợp lý hơn. Nó
phát huy được tính tích cực chủ động học tập của học sinh; phát huy được năng
lực tư duy sáng tạo. Không cần học thêm, học trước, mớm trước, … mà vẫn lĩnh
hội được kiến thức bài học! Ba tháng hè vui chơi thỏa thích, nghỉ hè đúng nghĩa:
chơi khăng, đá banh, thả diều, đánh đáo, bắn bi, nuôi chim, tắm sông, ….hòa
nhịp với tiếng ve gọi “nghỉ hè”!
Thầy hơi khó! Khó cũng phải vì Thầy
dạy lớp cuối cấp, áp lực thi Tiểu học buộc Thầy phải quan tâm nhiều đến học
sinh. Đêm đêm Thầy rảo quanh làng, theo dõi học sinh của Thầy có ngồi vào bàn
học không? Bắt đầu giờ học, việc đầu tiên là học sinh trình bài soạn và bài tập
ở nhà cho Thầy xem. Không làm bài hoặc không thuộc bài thì “ăn roi”. Các lớp
đàn anh của chúng tôi thường có kết quả thi Tiểu học đạt tỷ lệ từ 80 – 95% cao
rất nhiều so với tỷ lệ toàn tỉnh. Riêng lớp tôi là lớp cuối cấp đầu tiên được
miễn thi Tiểu học nhưng Thầy vẫn giữ “chế độ kiểm soát” gắt gao!
Chúng tôi không đủ thời gian để
“điều tra” nhưng nếu chúng ta đọc kỹ cuốn Kỷ Yếu của Gx Thọ Tràng năm 2005 cũng
như trên thực tế, chúng ta thấy học sinh cũ của Trường Tư Thục Thọ Ninh có bằng
cấp từ Trung học trở lên chiếm trên 90%; có bằng Tú tài (I và II) cũng trên
50%.
Con số này thật đáng tự hào! Trong đó, có Thầy – người lái đò đã chèo
đưa chúng con qua một khúc sông! Công lao của thầy không hề nhỏ? Chúng con cám
ơn Thầy! Nhờ “cái roi mây” được đặt trên bàn Thầy mỗi khi vào lớp, nhìn vào nó,
chúng con sợ nên phải học (con nít mà) ! Nhưng tâm huyết của Thầy mới đáng trân
trọng! Chúng con nay đã là ông bà nội ngoại, chúng con thấy được điều đó và
luôn ghi nhớ công ơn của các Thầy!
Nay Thầy đã vĩnh biệt ra đi về Nước
Chúa, để lại bao đau đớn và tiếc thương cho gia quyến và cả chúng con nữa!
Chúng con xin tri ân Thầy. Riêng con, con nguyện noi gương Thầy: Tận tình, tận
tâm, tận tụy với học sinh thân yêu.
Chúng con cầu xin Chúa qua lời bầu
cử của Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, Thánh cả Giuse Quan thầy Giáo xứ, Thánh
Antôn Quan thầy Giáo họ đưa Linh hồn Phêrô sớm về hưởng thánh nhan Chúa!
Xin vĩnh biệt Thầy!
Pet Trần Bảng
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.