ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG – QUẢNG BÌNH
Chúng
tôi vừa có một chuyến du lịch năm ngày đêm ở các tỉnh phía bắc - miền Trung trở
về. Trong các danh lam thắng cảnh mà chúng tôi đã tham quan thì một địa điểm
gây ấn tượng và thú vị nhất là ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG ở Quảng Bình!
Động được ca ngợi là: “hoàng cung
trong lòng đất” hay là “Thiên Đường” đúng như tên gọi của nó. Chúng tôi nghe
giới thiệu động Thiên Đường là một trong những kỳ quan đẹp và huyền ảo bậc nhất
trên thế giới! Động Thiên Đường thuộc xã Sơn Trạch,
Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm thành phố Đồng Hới chừng 70km
về hướng Tây Bắc, cách động Phong Nha chừng 25km. Động được phát hiện vào năm
2005 và được đưa vào khai thác du lịch vài ba năm gần đây thôi.
Du khách
từ các ngả đi đến Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và để tới Động Thiên Đường sẽ
đi trên con đường nhựa uốn lượn, hai bên là các ngọn núi hình thù kỳ dị tiếp
nối tiếp nhau rất đẹp mắt. Chúng tôi thấy có hai ngôi nhà thờ Công Giáo, tháp
khá cao nhưng không nhớ tên Giáo xứ.
Đến địa điểm đỗ xe, dù hai bên là núi cao, nhưng ở đây
không khí mát rười rượi và giống như có mưa phùn. Nhưng không phải mưa mà gió
thổi hơi nước từ trên ngọn núi rơi xuống.
Điểm bán vé có một chút vui, với người lớn thì không phải đo chiều cao,
nhưng với trẻ em thì phải sắp hàng đo, những em nào cao trên 1,3m thì phải mua
vé như người lớn. Những em nào cao dưới 1,3m và trên 1,1m thì phải trả ½ vé
người lớn, còn dưới 1,1m thì miễn phí. Chúng tôi thấy có mấy em bé cũng khá
khôn là đứng hơi khòm khòm lúc đo, du khách được một trận cười! Mấy người lùn
không nhận mình là người lớn cũng xin được đo!?
Sau khi
qua cổng soát vé, du khách có hai lựa chọn: hoặc đi bộ theo đường riêng hoặc đi
xe điện. Tài xế xe điện toàn là các O (cô gái) Quảng Bình xinh xắn lái xe điêu
luyện, bon bon đưa du khách vào núi.
Từ chân
núi lên tới Cửa Động, du khách cũng có hai con đường lên: Con đường bậc đá khá
dốc có đến trên 500 bậc. Con đường thứ hai bằng bê tông thoai thoải hơn, không
bậc cấp nhưng dài có đến 1km. Chúng tôi chọn đi lên theo đường này. Leo núi tuy
hơi mệt nhưng thật là vui! Đường đi len lỏi dưới những tán cây, gió núi mát,
khung cảnh đẹp, lòng người náo nức và thân thiện. Các O thợ ảnh đi theo đoàn,
miệng nói những câu dễ thương bông đùa, động viên : Các enh nợ (các anh ạ), cố
lên! Đèo cao thì mặc đèo cao, nhưng các enh cứ thẳng lên! Một vài enh cũng đùa
lại: lên đèo cả mấy chục phút rồi mà “kim đồng hồ” cũng chỉ dừng lại đúng “sáu giờ”!
Các O thợ ảnh Quảng Bình cũng đáo để lắm, đối đáp: rán đi enh nợ, leo đến “cựa”
thì kim chạy ngay! Một vài anh miền Nam cứ cố tình ghẹo các O mãi:
-Các O ơi! Kim vẫn cứ đứng mãi 6 giờ.
-Cấy nớ là em nỏ chộ? (Cái ấy là em không thấy)-một O trả lời.
Một O khác hiền lành hơn: -Em nỏ... (I' m not)-Em không...
-Cấy nớ hư rồi, nếu có vạt vô trữa cươi hay quăng ra ngoài đàng thì nỏ có ai mô thèm lặt, nỏ khác chi cục đớ.(một O bạo miệng)
Mấy anh chàng miền Nam ú ớ, chẳng hiểu chi. Còn mấy anh gốc miền Trung thì cười thích chí giải thích: Cái ấy hỏng rồi, nếu có vứt ra giữa sân hay ném ra ngoài đường thì chẳng có ai đâu thèm lượm, không khác gì hòn đá! Khách và chủ càng thân thiết, đùa vui vượt lên đoạn đường
dốc.
Động Thiên đường có chiều dài trên 31km, có thể sang tận
bên nước Lào? Cửa động ở lưng chừng núi và hẹp nên du khách chỉ có một lối đi
xuống động bằng cầu thang gỗ. Bậc thang dốc
dẫn xuống nền động dài khoảng15m. Vào sâu bên trong thì lòng động khá rộng, dao
động từ vài ba chục mét đến 100m, có nơi rộng có đến trên 150m. từ nền đến trần
động nơi thấp vài chục mét, nơi cao gần 100m. Trần động giống như vòm trời
nhưng đẹp một cách thật tráng lệ và huyền ảo! Hang
động là một hệ thống măng đá, nhũ đá có vẻ đẹp lung linh, mê hồn, ngây ngất, kỳ
bí, kỳ vĩ,.. không thể tưởng tượng của du khách… Động được cấu tạo rất cầu kỳ
với vô vàn hạt thạch nhũ: nhỏ, to, tròn, vuông, đa giác,…; hình sao, dáng
người, dáng muôn thú; cảnh ao hồ, cảnh núi hùng vĩ; cảnh tiên, cảnh “Thiên
Đàng”...Dưới ánh sáng của những ngọn đèn
điện, vách động càng huyền ảo, càng lung linh mê hoặc lòng người!
Đặc biệt trong động có những hình ảnh giống biểu tượng văn
hóa các vùng miền, nhiều thớ đá thoải ra, tạo bậc thang rất uyển chuyển, dài
hun hút và phân bậc như ruộng bậc thang, giữa động có những ô như biểu trưng
của văn minh lúa nước, nhiều cột thạch nhũ hình tháp Champa điểm rất đẹp. Có
nhiều dấu tích sập đổ, ngổn ngang những cột thạch nhũ như thể vừa trải qua một
đợt kiến tạo. Độc đáo là Cung Quảng Hàn, nơi khối thạch nhũ rũ xuống trông như
bức rèm the của tiên nữ hay Cung Quần Tiên hội tụ. ấn tượng nhất là Tháp Liên
Hoa với hình thù đặc sắc mà dưới mắt mỗi người, ở mỗi góc nhìn đều mang những
hình thù khác nhau. Thật ra đó là khối thạch nhũ được hình thành từ những giọt
nước bắn tung tóe không theo quy luật nào đã tạo nên vẻ đẹp huyền bí cho động
Thiên Đường. So với động Phong Nha thì thạch nhũ ở động Thiên Ðường có nhiều
hình thù hơn. Thỉnh thoảng lại bắt gặp một triền nhũ đá dốc như mới hình thành,
còn ẩm ướt hơi nước, bước lên nghe rào rạo tiếng vỡ dưới chân. Có đám khi rọi
đèn vào sẽ ánh lên như kim tuyến, nhấp nháy như muôn vàn ánh sao đêm. Phần lớn
nền động là đất dẻo, rộng và khá bằng phẳng,nhiệt độ trong động chỉ
20-21 độ C.
Hệ thống cầu thang gỗ dẫn
đưa khách tham quan có đến 1km vào sâu trong động. Nghe MC giới thiệu: Nếu du
khách nào muốn thám hiểm thêm thì chi phí trên 2 triệu sẽ có người dẫn đường,
tha hồ ngắm cảnh!
Trên cầu thang, du khách mang máy ảnh thì chớp cho nhau.
Nhưng máy ảnh kỹ thuật số loại nhỏ thì hậu cảnh trong ảnh lại bị tối vì ánh
sáng trong Động mờ mờ ảo ảo. Tốt nhất, nên nhờ các O thợ ảnh chụp cho mấy kiểu
làm kỷ niệm.
Thời gian không cho phép, đoàn chúng tôi ngắm cảnh “chưa
đã” chừng 2 giờ thì phải rời động rồi theo đường bậc thanh xuống núi. Đi xe
điện ra cổng, nhận ảnh và tạm biệt các O, nhân viên dễ thương của khu du lịch,
tạm biệt Động Thiên Đường!
Thỏa thê với cảnh “Thiên Đường” trần gian, hai đứa chúng
tôi trong đoàn là Công Giáo, chúng tôi nói với nhau: Thiên Đàng thật trong Nước Trời thì đẹp gấp
triệu triệu của triệu triệu của tỷ tỷ… lần!
Chúng tôi xin đề xuất một chuyến du lịch 5 ngày như sau:
1.: Khởi hành:
-Lúc 18 giờ (6 giờ tối) –đêm
đầu không tính, tại các xứ - Hàm Thuận Nam. Đi suốt đêm suốt ngày, cứ hai
ba giờ, nghỉ dọc đường đi vệ sinh. Xe đi đến đâu ăn sáng hoặc ăn trưa tại đó.
2. Tham quan (hành hương)
Quảng Trị:
-Chiều hoặc chập tối ngày
hôm sau (ngày thứ nhất), xe sẽ đến Thánh Địa La Vang. Chúng ta đặt ăn tối và
nghỉ đêm tại nhà nghỉ của Thánh Địa.
Sáng ngày thứ hai, ăn sáng xong, chúng ta
hành hương Thánh Địa, tham quan di tích Thành Cổ,…Ăn trưa tại Quảng Trị.
3. Tham Quan động Phong
Nha hoặc Động Thiên Đường:
-13 giờ, chúng ta lên xe
ra Quảng Bình, trên đường đi dừng chân tại câu Bến Hải cũ – sơn hai màu (cái
cầu phân chia Bắc-Nam) chụp ảnh, rồi đi thẳng ra Đồng Hới nghỉ ngơi, ăn tối,
dạo phố.
-Sáng ngày thứ ba, chúng
ta tham quan các Động, ăn trưa và rời Quảng Bình về Huế nghỉ đêm.
-Ban đêm tại Huế đi dạo
phố, đi thuyền trên sông Hương,…
4.Tham quan Huế:
-Sáng ngày thứ tư, chúng
ta tham quan Huế: Tòa Tổng Giám Mục, các nhà Thờ; Đại nội, các Lăng Vua,…
5. Tham quan Đằ Nẵng hoặc
Quy Nhơn:
-Chiều khoảng 1 giờ, rời
Huế, tiến về nghỉ đêm tại Đà Nẵng.
Dạo phố, tham quan các cầu
bắc qua sông Hàn.
|
Hầm đèo Hải Vân
|
-Sáng ngày thứ năm tham
quan Đà Nẵng: bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ Non Nước, núi Bà
Nà,…
-Nếu bỏ Đà Nẵng về Quy
nhơn thì hơi tối, sáng ngày thứ năm tham quan mộ Hàn Mạc Tử, Tháp Đôi,…xong thì
tiến về nhà trong đêm.
Pet Trần Bảng
(Trong bài viết có trích một số
đoạn chữ màu xanh của Du Lịch Quảng Bình)
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Cảm ơn về bài viết, đội ngũ Media Quảng Bình đã đồng hành và ghi lại vô số khoảnh khắc ấn tượng cho quý khách hàng.
Trả lờiXóa