Trên những nẻo đường gian truân!
Đứng trên sân thượng Nhà Giáo lý xứ An Vinh, nhìn về núi Con, chệch qua mạn sườn núi phía Nam một chút, ta sẽ thấy bạt ngàn thanh long “trùng trùng điệp điệp nối tiếp tận chân mây! Xa xa thấp thoáng sau những lũy tre, hàng dừa xanh mướt một mái nhà nho nhỏ như chuồng chim câu. Đó là ngôi nhà của ông Đường - Trưởng Ban Điều Hành Giáo họ Giuse.
Nhà ông Đường cách Nhà Thờ theo đường chim bay độ trên vài ki lô mét . Nhưng từ nhà ông đến Nhà Thờ thì có cả hàng chục con đường đất như kiểu con đường nào cũng đến La Mã! Đi trên những con đường nầy, Ông luôn thở than với anh em : “Trên những nẻo đường gian truân!” Đúng là gian truân thật! Con đường chính trước mặt tiền nhà ông ra đến đường nhựa Mỹ Thạnh gần cả cây số, được Ông gọi: “tiểu lộ kinh hoàng!” vừa nhỏ lại lầy lội, quanh co, lởm chởm,….Nghề lái xe máy chưa vững thì ít nhất cũng vài lần lọt xuống mương. Hết đoạn đường kinh hoàng đó thì theo đường nhựa xuống cây xăng Km14, vòng lên đường QL 1A, đến Nhà thờ dài khoảng 5Km. Con đường mặt sau đến Nhà Thờ gần hơn, khoảng gần 3Km, cũng không kém phần gian truân, ổ voi, ổ trâu, ổ bò, ổ gà chứa bùn non, nối tiếp nhau rải rác khắp mặt đường. Rồi lại qua khe, băng suối. Mùa nắng còn dễ đi, chỉ cần biết cách chạy số 8. Nhưng mùa mưa thì dắt xe sướng hơn là cỡi trên nó. Một con đường bên hông đi về hướng Nghĩa Trang Xứ còn gian truân gấp bội vì nó ưu tiên cho bò, dê đi chứ đâu dành cho xe máy, liều mạng đi con đường này, thì được tới bệnh viện hoặc tới Nghĩa trang trước khi đến được Nhà Thờ. Đúng là khổ ải!
Ông Đường rất hiếu khách, nhưng mọi nẻo đường gian lao như vậy, anh em cũng ngại đến nhà Ông chơi? Người ta có câu :
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Anh em mến vợ chồng Ông chẳng lẽ cứ mãi đầu môi chót lưỡi (xin xem bài : “Lưỡi không xương”) rủ nhau vào thăm nhà Ông một bữa cho ra hồn! Anh em chọn con đường gần nhất, con đường sau Cung Thánh. Sáu anh em trên ba chiếc xe máy, lên ga, đạp thắng liên hồi, đẩy xe qua suối kẻo nước theo bô chui vào buồng nhớt. Có đoạn kẻ ngồi người đẩy, thà xuống dắt bộ vừa đi vừa nói chuyện an toàn hơn! Ông phó Nội “chịu chơi” chở ông Chủ tịch, xe đảo qua, đảo lại, ông CT “kêu tên cực trọng” mấy lần - kêu trong vô thức, tự phát không cố ý chắc không có tội! Mãi chậm như rùa, người đi bộ vẫn tới đích trước thỏ (xe). Chạy xe vòng qua con đường vào cổng chính cho oai.
Hai bên đường từ cổng vào nhà, hoa thanh long thơm lừng nở trắng xóa bắt đầu khép cách sau một đêm “hoan vui lạc thú”.Những tia nước trên các vòi tự động tách tách như cánh quạt máy bay trực thăng, chêm nước vào những gốc thanh long. Hàng cây cảnh đủ dáng: Cuông, công, hạc, phượng hoàng, nai, rồng… chào đón quý khách! Bầy chó săn, sủa inh ỏi như chực cắn xé sáu vị khách quý! Căn nhà mái bằng, rộng thênh thang, bên trong được bài trí văn minh nhưng thoáng rộng. Bàn thờ Chúa được đặt chính diện, Tượng Chúa uy nghi, tượng Đức Mẹ huyền diệu, bộ sa lông to, hoa văn lạ mắt, dàn máy vi tính được đặt nơi góc học tập của các cháu, bên trên dán đầy giấy khen nhà trường. Anh em ngắm sơ qua rồi ra phía sau để rửa ráy. Một hồ cá rộng vài trăm mét vuông. Ông Thủ quỹ bốc một nắm thực phẩm vung xuống hồ, cá trê, cá lóc nhảy qua mặt nước tranh giành thức ăn, bầy cá con lăn tăn kiếm mồi phía ngoài. Trong hồ những bông hoa súng, hoa sen vươn cao khoe sắc, khung cảnh thật nên thơ! Bên kia hồ là một hàng ớt tiêu, trái chín đỏ rực trên cành, mấy chú chim lén bay tới ăn trộm ớt. tiếp đến là cây sả, riềng thơm thơm mùi thịt “cây còn”. Một giàn mướp loại trái dài lủng lẳng sắp chạm mặt nước phía góc hồ. luống rau cải, rau muống mơn mởn xanh non, vồng khoai lang lá xanh rì, chi chít những ngọn khoai, lá xếp lại còn e! … vô vàn cây nhà lá vườn. Phía bên hông nhà, một chuồng chim bồ câu to, mái lợp tôn xi măng, xung quanh được rào kín bằng lưới thép. Con gù, con ấp, con mớm mồi cho chim non… có đến cả trăm cặp. Ông Đường ứng một bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bĩnh Khiêm:
Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cay ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”
Ông Nguyễn Bĩnh Khiêm thì hưởng nhàn, còn ông Đường thì không hề nhàn! Bĩnh Khiêm cho mình là “dại”, nhưng ông Đường thì lại quá khôn! Ông chọn nơi vắng vẻ, thâm sâu cùng cốc để trồng thanh long, năm thiên trụ có lẻ! Nhà ông chỉ độc cây cuốc và sơ sơ năm máy cắt cỏ ; sáu, bảy cái bình xịt. Một máy điện đặt bên bờ hồ, phòng khi điện Nhà nước cúp. Ba bình điện hạ thế loại to hết cỡ treo trên các cột bê tông to. Cả ngàn bóng tròn, bóng trắng treo xen kẻ dưới dây điện giữa các lối cây. Ông Bĩnh Khiêm không cần phú quý nhưng trái lại ông Đường thích làm giàu một cách chính đáng!
Anh em thấy cảnh vườn quá đẹp, gió lồng lồng, chọn cái bàn tròn dưới gốc nhãn, cành lá xum xuê để có hứng làm thơ! Vợ Ông chụm củi lò than, những chú cá trê râu ria tua tủa giãy đành đạch trên lửa. Ông xách ra hai thùng bia Tiger đặt dưới bàn tròn. Ông Phó nội ra bài toán: Số bia chia cho 7 thì thiếu 1 lon, bớt 6 lon rồi cũng chia cho 7 thì vừa chẵn. Hỏi hai thùng có bao nhiêu lon bia? Ông Thũ Quỷ quen nghề tính toán chẳng cần bút giấy trả lời đúng phóc: 48 lon. Ông Đường gật đầu xác nhận. Cá trê nướng, chấm với muối tiêu hoặc mắm gừng tùy khẩu vị, ngọn Tuyệt! Bia được khui, vợ ông Đường lại mang ra hai trái bầu non, cài nắp đậy giống như bình nước trà, mở nắp ra hai chú cá lóc chín nằm trong ruột. bầu non được thấm gia vị và thịt cá vừa vị ngọt của bầu vừa vị thơm tươi của cá, ai không ăn thì dại.
Nhà thơ Đường (không phải Đường luật) chơi thêm một bài thơ khác:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
(Nguyễn Khuyến)
Đúng quá! Vườn thanh long bao la, rào thưa thật, nhưng làm gì có gà mà đuổi? cà, cải sao ngon bằng cá? Trầu có ai ăn nữa mà lo? Hai thùng bia quá dư “ta với ta”. Vợ ông Đường cứ hoài mang thêm thức ăn : hai đĩa chim cu chiên có đến cả chục cái mỏ quay nhìn thực khách, mắt ứa lệ! nhìn kỹ hóa ra cọng tỏi! Ông Hội Phan sinh thích nói ngược, quay sang vợ ông Đường, đang cười tít mắt : răng Hoài, em cứ mang thức ăn? (răng em cứ mang hoài thức ăn)? Chị vợ có tên Hoài từ đó!?
Bắt đầu thực khách tuôn thơ. Và trong thơ có trao đổi chuyện sửa đường trong Xứ, cả trong Giáo Họ Giuse. Ông Đường có kế hoạch bê tông hóa con đường đi bên hông nhà xe (Nhà Thờ) để bà con trong họ bán thanh long không bị mất giá. Ông nói được thì làm được! Ông có sức thuyết phục mọi người hưởng ứng. Nhưng khâu quy tiền đóng góp cho mỗi gia đình thì không hề dễ. Ông nhờ ông Thủ quỹ và anh em bàn bạc, cân nhắc… để khi họp dân, ông Đường trình bày thế nào để thu phục nhân tâm đạt hiệu quả cao nhất? Đang lúc anh em nhiệt tình trình bày quan điểm riêng, Cô vợ lại hoài thêm nồi cháo bồ câu con, đúng giờ ngọ có chén cháo đặc biệt, không ai nỡ từ chối?
……………..
Bụng no, không thể nạp thêm bia vì thức ăn cứ hoài được đem ra, hết cháo thì đến dừa non. Anh em cũng rán chiếu lệ và mặt Trời bắt đầu hạ trên đỉnh núi, cũng là lúc anh em “nhổ neo”! Vợ chồng, con cái tiễn khách, chúc : “thượng lộ bình an”!
………….
Hai tuần sau, người ta thấy những chiếc xe ben nối đuôi nhau đổ đất trên đường, xe ủi, xe lu bang, cán phía sau. Rồi hai tuần sau đó, xi măng xếp từng chồng cách trăm mét một ; cát, đá đổ từng đống cao kề chồng xi măng. Khi phân bố vật tư xong, người ta lại thấy ông Đường cùng công nhân tiến hành dùng máy trộn đổ bê tông đường. Nhờ cơ giới hóa, và đội công nhân rành nghề, bà con chỉ đứng xem là chính. Không bao lâu, một con đường bê tông, rộng 4m chạy dài từ QL vào suối có đến 600 mét dài. Dĩ nhiên con đường được thành hình là do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó công lao đóng góp của ông Đường không nhỏ!
............
Anh em đang uống cafê sáng, một người đàn ông bên lương hớt hơ hớt hải vào tìm ông “trưởng Đạo” họ Giuse. Thì ra ông mới bán lứa thanh long trên 5 tấn, không bị ép 5 giá như mấy năm trước, vị chi ông ta kiếm thêm 2 triệu rưỡi! Mà tiền đóng góp vừa qua, ông ta chỉ được quy có 5 triệu! Ông ta muốn đóng thêm số tiền đó. Khi hiệu quả con đường bê tông mang lại thấy trước mắt, người ta khen ông Đường - ông Trưởng Đạo nhìn xa thấy rộng! tuổi nhỏ mà tài cao!
Khi làm được một công việc có ích cho đời, người ta cũng cảm thấy mình có “oai”, oai với lương tâm, oai - tức bằng lòng với chính mình! Dĩ nhiên ông Đường khiêm hạ phục vụ dân sinh.
Ông Trưởng hội Gia trưởng đề xuất gọi ông “Đường” thành “Đạo”, gọi vợ của Ông là “Hoài” để nhắc đến bữa tiệc nhớ đời mang “Hoài” thức ăn! Tên Đạo để nhớ con đường bê tông “Hoàng Đạo” xuyên qua Giáo Họ Giuse!
Cha xứ luôn Giáo huấn: Phúc Âm hóa chính là lấy tinh thần Phúc Âm làm những công việc có ích cho đời! ./.
Pet .TB (thân tặng vợ chồng anh chị Đạo - Hoài)
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Bạn Văn Quang và bạn Minh Hằng thân mến! Trước hết, cám ơn các bạn đã đoc những bài viết của Gx Vinh An. Bạn Minh Hằng chắc đã biết tớ rồi? Riêng bạn Văn Quang, bạn hỏi thì tớ xin mượn câu thơ của ND: "... nghỉ cũng thường bậc trung" trở xuống. Và xin thưa : Tớ chỉ là ông "Tháo giày" già (60 tuổi). Đi giày thì chỉ biết xỏ giày, cột dây, chùi giày chứ không biết đóng giày đâu! Mong các bạn góp ý, nhận xét để chúng tớ sửa sai. Chúc các bạn một Mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc. Chân thành cám ơn các bạn.
Trả lờiXóaXin lỗi Minh Hằng! Mình là người quen của thầy Pet. Mình thử xem thầy trả lời thế nào thôi? Thầy giáo già hồi đáp cũng khá thú vị. Xin lỗi anh bạn Pet! Lần sau không đùa nữa. Chúc viết hay hơn
Trả lờiXóaCó thể vì bài viết quá hay, hơn nữa phong cảnh nhà Ông Đường thơ mộng nên anh Văn Quang mới hứng chí như vậy thôi. Hai chị em mình mong bạn thông cảm. Đừng buồn nữa nhé.
Trả lờiXóa