TRỐNG - CỒNG - CHIÊNG
Sáng nay, vào đầu giờ Lễ kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn mạng của HĐMV, ông Phó nội tay xách, tay mang một bộ cồng-chiêng ra tiền sảnh Nhà thờ để Đội trống đánh trong buổi Lễ.
Theo thầy Lê Hùng, thầy dạy nhạc, sau một lúc truy cập mạng cho biết: Cồng Chiêng Tây Nguyên là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc. Là nhạc cụ độc độc đáo của các dân tộc: Ê đê, Jarai, Ba Na, Mạ, Lặc...ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Ở Tây Nguyên, bao gồm: cồng chiêng, nhạc phát ra bằng cồng chiêng, nghệ sĩ chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, địa điểm tổ chức các lễ hội thì người ta gọi là Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005., đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, gắn bó với Nhà Thờ Công giáo, gắn bó với Chùa chiền, Lễ Hội…là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả tấm lòng nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ Tổ tiên…Tiếng trống chiêng được đánh ra trong các ngày Thánh Lễ lớn, đánh động vào các Tín hữu nâng tâm hồn lên hướng về Chúa! Tiếng trống chiêng tiễn biệt người thân yêu về nơi an nghỉ ngàn thu, não lòng kẻ ở lai! Tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng thân quen với người Việt từ ngàn xưa đi chung với niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của người Việt.Một bản nhạc hòa tấu có tiếng cồng, tiếng chiêng làm cho ta, mỗi người mỗi suy nghĩ, người thì liên tưởng hình dung các cô gái Tây Nguyên mặc xà rông, đang tắm, nô đùa dưới dòng nước chảy róc rách hay đang múa ca bên đống lửa trại bập bùng hoặc hai, ba, thậm chí bốn cô gái với những cái chầy cao giã chung một cối gạo “cắc, bùm bum”. Các chàng trai cỡi trần, mang khố dàn hàng ngang tay nhịp trên núm cồng “Beng beng” cho các cô gái nhảy múa, hay những chú voi Bản Đôn nghênh ngang, vòi lắc lư kéo gỗ; một già làng, miệng ngậm tẩu thuốc là, tay dương cung bắn nỏ…. Tiếng cồng chiêng làm rộn ràng cả một không gian, làm cho lòng người quên đi bao nỗi ưu phiền, hướng về điều thiện, hòa nhập vào khung cảnh thiên nhiên hoang dã. Mừng kính Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm nay, Giáo xứ mua thêm một cái cồng mới thứ thiệt. Chiếc cồng này xuất xứ từ tỉnh Kon Tum hẳn hoi. Một người bà con với ông trưởng Hội Gia trưởng, có được chiếc cồng trên là do ông ta bán thiếu rượu cho dân làng xứ Đạo (toàn người dân tộc Jarai) tổ chức tiệc Mừng Lễ Giáng sinh đúng một “Phi” -120 lít. Sau Lễ, Già làng (Trùm xứ) trả tiền thiếu rượu một chiếc cồng. Ông Trưởng Hội gợi ý Giáo xứ mua lại với giá 1.500.000 VND. Thế là ông Quản (quản Nghĩa Trang), một tay đánh trống Nhà thờ, có ông sui ở tận Đắk Nông. Lên thăm ông sui bệnh một tuần, ông học được nhiều điệu trống - cồng - chiêng hay ở Giáo xứ của ông xui. Ông ước ao Giáo xứ nhà có thêm chiếc cồng để ông thực hành. Và ông được toại nguyện! Bộ trống - cồng - chiêng đã sẵn sàng! Tiếng hát hào khí, ca ngợi sự trung kiên của các Thánh Tử Đạo VN được cất lên cùng với tiếng bộ ba: “Tùng” à “Phen”à “Beng” tăng thêm sự bi hùng cho bài hát khiến lòng người các Tín hữu đau nhói nhớ đến cảnh chém đầu, cảnh voi giày hổ xéo thân thể của các Thánh. Các Thánh đã phải chịu đầu rơi, máu chảy, thân hình nát tan để minh chứng một chân lý, một Đức Tin: Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người Cứu chuộc nhân loại. Dù cho vua, chúa, quan quyền không tin, nhưng chân lý vẫn cứ là chân lý! Các Thánh thà “ vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người”. Các Thánh Tử Đạo VN mà HĐMV nhận làm Bổn Mạng cũng giống như Chiếc “cồng” đáp lại Lời mời gọi của Thiên Chúa (Tiếng trống). HĐMV là cái “chiêng” lặp lại “Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến của Các Thánh! - Một cụ ông liên tưởng qua biện pháp tu từ: so sánh!? Ta cũng có thể lấy hình ảnh “Trống - cồng - chiêng” mà suy tưởng (dĩ nhiên là khập khiểng) : Đức Trinh nữ Maria đã đáp lại lời “Xin Vâng” với Thiên sứ mà nhân loại được đổi thay! Chúa Giêsu Kitô đã giải phóng loài người thoát khỏi ách xiềng xích, nô lệ của tội lỗi, Cứu chuộc nhân thế đang đi theo con đường của ma quỷ mà trở thành Con Cái của Thiên Chúa! Và Thế giới có ngày Kỷ niệm : Mừng Chúa Giáng Sinh.
Tiếng trống vang “Tin Mừng, Tin Mừng”, tiếng cồng đáp “nghe theo, nghe theo” và tiếng chiêng lặp lại “ Thực thi, thực thi”! Một bộ Trống - Cồng – chiêng thật lý tưởng! ./.
Pet. TB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Vào những ngày lễ trọng, hầu như các nhà thờ Thiên Chúa Giáo thường sử dụng tiếng Trống - Cồng - Chiêng để tăng thêm vẻ linh thiêng uy hùng, khơi dậy tâm hồn mỗi người tín hữu tập hợp hướng lòng lên tới Chúa. Ước gì Thánh Lễ (Thánh Lễ Misa có giá trị bằng nhau) mỗi ngày, khi nghe tiếng Chuông nhà thờ(Trống - Cồng - Chiêng) như thúc giục mời gọi, thì tất cả mọi tín hữu cũng đều quy tụ đông đủ, hiệp dâng Thánh Lễ sốt sắng, có như thế thì ngày nào cũng trở thành ngày lễ hội.
Trả lờiXóa