TÌNH YÊU TUỔI GIÀ
Mây đen nghịt ùn ùn kéo đến, những tiếng sấm sét liên hồi nổ to, ánh chớp kéo dài như muốn xé tan bầu trời. Gió ào ào thổi (cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9…), hàng cây nghiêng ngả. Mưa! Mưa rào rào ập tới. Mấy nông dân đang cày bừa nhanh chân, bỏ nông cụ dắt bò chạy thẳng về nhà. Các bà, các chị còn tiếc của, lượm lại thúng mũng, vội vã chạy theo sau. Bọn trẻ con gom đàn trâu, bò lại, rượt đuổi mau về chuồng. Tiếng gọi nhau í..ới chạy! chạy! tránh bão vang cả cánh đồng. Mưa! mưa như trút nước, càng ngày càng nặng hạt, gió càng mạnh hơn. Nước sông, nước suối đã ở mức báo động, bắt đầu dâng cao. Các cây cầu gỗ, cầu tre bắc qua suối từ từ chìm trong nước. Mọi người đã về làng an toàn, duy chỉ còn hai Cụ?...
|
Ảnh minh họa |
Sau cơn mưa trời lại sáng, lá hoa như được tắm gội sạch, ngưởng đầu lên khoe sắc. Đàn bướm trắng, vàng,… trốn, chui dưới tán cây nay nhởn nhơ bay đùa giỡn. Chim sẻ, chích chòe, chào mào ríu rích gọi nhau tìm mồi tiếp. Đàn gà con núp ấm dưới bụng mẹ trong cơn mưa, hết mưa rồi, tung tăng chạy nhảy. Những chú gà trống bay lên đống củi vươn cao cổ ò ..ó ..o tiếp tục khoe giọng to, khỏe. Những chú chó bắt đầu cãi nhau tranh giành lãnh địa. Mọi người kéo đến những căn nhà tốc mái, giúp đõ nhau lợp lại. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường…. Ủa, căn nhà Cụ Quýnh sao lại cửa đóng, then cài ?- Một ai đó chợt hỏi. Họ kéo vào thềm réo gọi Cụ. Không một tiếng trả lời. Nghi hai cụ có chuyện chẳng lành, họ mở cửa ra. Căn nhà trống hoe? Ông Năm Thanh, gọi cụ Quýnh bằng chú thốt lên : “Thôi, chết rồi! Chắc hai ông bà con kẹt ngoài vườn na?”
….. Vườn na của ông bà Quýnh ở bên kia Cầu Gỗ. nước suối dâng cao, chảy xiết, những bụi tre hai bên bờ đang chìm trong nước. Ai bơi qua, khác nào tự tìm cái chết! Cả xóm huy động lực lượng, phượng tiện “cứu” hai cụ. Bốn thanh niên dùng hai cái đòn, khiêng cái nốc nhà ông Khang - từ thiện: dùng làm đò ngang chở người già đi Lễ Cả (trọng)- theo sau hai chiếc võng đã cột sẵn vào đòn khiêng. Có cô tinh ý xách cái cà mèn đựng cháo… Họ tiến về suối Cầu gỗ. Bên này suối, họ ơi! hỡi! gọi to tên hai cụ. Không gian vẫn im lìm! Mặc! Họ thả thuyền, bốn người vượt dòng lũ, Anh cầm chèo, thuộc loại tay ngang không chèo nốc ngang được. Hoảng hốt, ba anh còn lại lấy tay thay chèo khoát nước. Thế mà lại hay, nốc cũng vào được vườn na. Họ bước vào chòi. Một hình ảnh quá sức cảm động!... hai ông bà đang run lập cập, bà nằm co ro trên đùi ông, miệng rên hùi hụi. Ông khoác tấm ni lông - thay áo mưa của nhà nông - cởi trần, người cúi xuống sát vào bà, tấm áo của ông đang đắp cho bà. Một anh thanh niên mở cà mèn, lấy cháo đút cho bà ăn….
Bà cụ Quýnh bị gãy chân! Khi bầu trời tự nhiên sẫm tối, ông biết chắc cơn mưa sắp tới, ông vội giục bà cùng ông ra về. Nhưng ngay ngõ vườn, cỏ che kín một lỗ hổng, chân trái của bà sụp xuống, ông nghe rõ tiếng “rắc” bà đau van trời, van đất! Rồi ông ẵm bà quay lại chòi lá. Gọi to ứng cứu! nhưng mọi người đang hối hả trốn mưa, nên cũng không nghe. Bất lực ông đành ôm bà chống chọi : hai thân già trong bão bùng, mưa to, gió lớn thật tội nghiệp. Thật tội nghiệp! Họ đặt ông bà vào võng khiêng vào nốc chèo tay trở về bên kia để về nhà. Mọi người hiểu ra sự việc, ai ai cũng không cầm được nước mắt!
………………………
Ông bà cụ Quýnh cưới nhau trên năm mươi năm nay, Ông bà sinh được hai người con. Ông bà cho con ăn học đến nơi đến chốn. Khi tới tuổi trưởng thành, người con trai, được Chúa gọi vào dòng tu Phước Sơn, nay là Linh Mục Phanxicô. Người em gái nối gót anh, vào Dòng kín Nha Trang, nay là soeur Têrêxa. Thành thử hai cụ được coi như “son sẻ”.
……………………..
Anh Phêrô Quýnh con nhà gia giáo hẳn hoi, bố và mẹ làm nghề cắt thuốc Bắc ở chợ Choi, sinh được ba anh em trai. Các anh học xong Tiểu học thì nghỉ ở nhà giúp bố mẹ. Còn Quýnh sáng dạ hơn được lên tỉnh học trung học. Thời bấy giờ, chưa có Nhà trọ cho thuê, mà nếu có, học sinh cũng không đủ tiền thuê. Thành thử, bố mẹ gởi gạo, thêm tiền xin ở nhờ nhà người quen. Tiện cả đôi điều, vừa có nơi ăn chốn ở, vừa có người tin cậy quản lý, nên bố mẹ càng an tâm. Lúc này Quýnh đã lên tuổi 18.
Chị Anna Loan, con chủ nhà, đang học năm cuối Tiểu học (tuổi 16), đã biết nấu cơm, rửa rau… phù giúp cha, mẹ. Trai tài, gái sắc, lại đến tuổi “Yêu” ở chung nhà, thì tình cảm cũng nảy sinh (khi xưa nam nữ thụ thụ bất thân). Nên vài năm trọ học, anh và chị:
“Lòng trong như đã, mặt ngoài còn e” (truyện Kiều)
… Ra trường, anh dạy học trên tỉnh. Hai năm sau, chờ chị ra trường, anh và chị cưới nhau. Đám đưa dâu của vợ chồng anh chị lớn nhất làng. Có ba, bốn chiếc ô-tô to, nhỏ chở họ nhà gái tiễn cô dâu Loan về nhà chồng. Người già, người trẻ, con nít trong xóm đứng vây quanh ô-tô vòng trong, vòng ngoài. Cô dâu tỉnh thành khắc hẵn cô dâu thôn quê một trời một vực! Cô dâu tỉnh mặc áo dài lụa, đầu quấn khăn hồng, đẹp lỗng lẫy. Chú rể Quýnh cũng tươm tất trong bộ áo vét Tây, giày Gia Định bóng (như giày của Tú tài Trần Tế Xương), sánh bước bên cô dâu. Một đám cưới vừa “to” vừa lạ mắt. Làm dâu vài tuần cho biết cảnh sống nông thôn, anh chị lại đưa nhau về tỉnh.
Biến cố 1945, anh và chị nghỉ dạy học trường Tây. Chị nối nghiệp bố mẹ chồng, cắt thuốc Bắc. Còn anh vừa dạy tư, vừa dạy Tiểu chủng viện Xã Đoài.
Năm 1955, ông bà và hai con vào miền Nam sinh sống. ông làm công chức tại Tòa tỉnh. Chị mở tiệm thuốc Tây mặt tiền trước nhà. Năm 1963, hai con lần lượt vào dòng tu, cũng đã đến tuổi nghỉ hưu, ông bà về quê bán thuốc tể, thuốc phong, thuốc cam,…, nuôi gà, chăm lợn, trồng na sinh sống cảnh điền viên. Hai người con lần lượt : em khấn trọn ở dòng kín, chỉ có bà con dòng họ ra giữ Lễ Khấn, dự tiệc trong Dòng rồi về, không làm tiệc “to” tại nhà. Thầy (người anh) tiến lên chức Linh Mục, Cả Xứ, cả họ tổ chức lớn vì có con em trong xứ (xứ mới) lần đầu tiên được làm Cha!
Cụ Quýnh lúc mới về quê, cũng là thành viên Ban Hành Giáo Họ và Xứ. Khi cao tuổi, Cha Xứ nhờ dạy Giáo lý dự tòng. Chưa ai nghe và thấy hai cụ to tiếng cãi cọ với nhau từ khi mới cưới ở ngoài Bắc cho đến bây giờ tận trong Nam. Hôn nhân thì làm sao tránh được chuyện vợ chồng giận hờn, ghen tương…Nhưng một là vì hai cụ có lòng Đạo Đức, Thờ phượng Thiên Chúa, biết thực hành lời Chúa dạy “Kính mến Chúa và yêu thương người”, hai là tính cách đã được hình thành tốt lúc tuổi vị thành niên, ba là hai cụ muốn nêu gương tốt cho con cháu, bốn là…Thành thử làng trên, xóm dưới, người Đạo, người lương, ai ai cũng kính trọng hai cụ.
Sau biến cố, cụ bà vừa phải chữa cái chân gãy cả năm trời không đi lại được vừa đến tuổi “Bát tuần” nên đổ bệnh. Cha Phanxicô về thăm vài lần, mỗi lần cũng vài, ba ngày rồi cũng phải trở về lo việc kiến thiết Dòng. Cụ bà héo mòn thể xác nhưng tinh thần vẫn sáng suốt. Một buổi chiều buồn, khi cơn mưa phùn lất phất, xóm làng đến càng lúc, càng đông đọc kinh cầu cho kẻ liệt. Cả hai Cụ (cụ bà và cụ ông, theo nguyện vọng của ông) đã chịu các Phép trước cả một tuần nay, cụ bà ước ao rước Mình Thánh Chúa như của ăn đàng. Cha đưa Mình Thánh xong, bà “Ra đi” bình an!
Thánh Lễ An táng của cụ bà, không vòng hoa nhiều. Nhưng người đưa tang đông vô kể! Các Cha, các Thầy ở nhà Dòng, và trong Hạt về dự tang khá đông. Đức Viện Phụ Chủ sự Thánh Lễ Đồng tế. Mọi Người chờ đợi Đức Viện Phụ (Tiến sĩ Thần học) giảng, chắc là sẽ “hay” lắm đây! Bài giảng của Ngài vỏn vẹn 5 phút, không nghe Ngài ca ngợi gì nhân đức của cụ bà hay ca ngợi hai cụ có hai “bông hoa” dâng cho Chúa. Ngài chỉ khai thác đoạn Tin Mừng theo Thánh Maccô: “…Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi”? Ngài đưa tay qua Cha Phaxicô, chỉ xuống linh cữu cụ bà, có ông cụ ngồi xe lăn bên cạnh, có Soeur Têrêxa đang quỳ phía sau. Chỉ xuống Cộng đoàn, Ngài giảng tiếp, Chúa dạy: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Amen!
Sau Khi cử hành Nghi Thức làm phép Huyệt, đọc kinh cầu nguyện, ông CT BHG Họ đọc một bài “Điếu văn” thật cảm động. Cha xứ cũng vắn gọn chia buồn với thân nhân, đặc biệt với hai người con: Cha và Soeur. Cha Phanxicô, thay mặt cho em (soeur) nói lên lời cám ơn Cha xứ và Cộng đoàn, rồi Ngài cúi đầu cảm tạ, những giọt nước mắt nhỏ xuống mồ. Soeur Têrêxa quỳ dưới chân mẹ thì thầm cầu nguyện. Không có tiếng khóc lóc thảm thiết, nhưng ai cũng cảm động ứa lệ.
Ngày hôm sau, sau khi hai anh em ruột và thân nhân dùng bữa cơm tối ảm đảm chia tay, trước giờ đọc kinh cho cụ bà, khuôn mặt ông cụ có vẻ khang khác, dọng nói không rõ, đứt quảng… Cha Phaxicô có linh tính, ngài vội lấy sách Thánh Vịnh ra đọc. Soeur Têrêxa quỳ phía đầu của Cụ, tay cầm ảnh Chuộc Tội, bà con tới một lúc, một đông vừa đọc cầu kinh nguyện cho Linh hồn Anna được mau về hưởng Thánh nhan Chúa, vừa cầu nguyện cho cụ ông được ăn mày chết lành. Cha xứ cũng vừa đưa Mình Thánh vào miệng Cụ. Cụ ông cũng Bình An ra đi, linh hồn Phêrô về với Chúa, sau cụ bà đúng hơn bốn ngày!
Trong Thánh Lễ An táng, mọi người lại chờ đợi nghe Bài giảng của Cha dòng nhạc sĩ. Sau bài Tin Mừng, Ngài cất lên lời hát : “ Khi Chúa thương gọi tôi về…” và “Ai gieo trong lệ sầu…”. Ngài cũng chẳng kể công trạng gì của cụ ông trong đời sống Đạo? Ngài chia sẻ… “Ngoài hai bó lúa thơm do chính hai Cụ gieo và chính hai Cụ gặt, hai Cụ chẳng có thể mang gì theo về Nước Chúa! (cũng chỉ 5 phút).
Sau việc tang, người ta tìm được hai tờ Di Chúc, bút tích của cả hai Cụ, một bằng Tiếng Việt để lại cho Giáo Họ và các cháu. Một bằng Tiếng Pháp để lại Cho hai con. Không ai biết bản Tiếng Pháp viết gì ngoài Cha Xứ, Cha Phaxicô, Soeur Têrêxa! Còn bản Tiếng Việt, hai cụ hiến toàn bộ “gia tài” cho Giáo họ, Giáo Xứ. Trong đó có khoản tiền bán na mà năm, sáu năm trời, hai cụ tích lũy! Riêng căn nhà, hai cụ tặng lại cho đứa cháu nuôi.
Đời sống hai Cụ cũng bình thường, bình thường như bao gia đình khác. Ngoài hai người con hiến dâng cho Chúa (cũng thường tình). Như Đức Viện Phụ chia sẽ : Hai cụ đã biết nghe và thực thi lời Chúa dạy. Như Cha dòng Nhạc sĩ nói : Hai cụ đã gieo và gặt được những bó lúa thơm mang về nạp cho Chúa!
Và chỉ có vậy!
Pet. TB
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.