Tập bay - Rèn luyện nhân cách
Ông Suốt, thực ra Ông được bố mẹ đặt cho cái tên rất đẹp, nhưng anh em Hội Đồng Giáo Xứ thích gọi nhau bằng tên “mới” nghe thân mật hơn. Bởi vì “suốt” ngày, đến giờ nghỉ ngơi là Ông nghe đài (radio). Ông già rồi, mon men tuổi bảy mươi, nên Ông cũng chẳng thiết vi tính, điện thoại di động, Ông chỉ thích nghe đài. Đặc biệt là đài phát thanh Công Giáo. Trước đây Ông có cái đài Nhật, hiệu “Na-ti-ô-nan” nghiêm chỉnh, nhưng quá cũ kĩ, hộc pin máy bị hư nên Ông độ lại hộc pin khác bỏ trong túi áo hoặc quần, nối dây điện vào máy. May mà Ông ở Việt Nam chứ Ông ở Iran hay Irắc thì có lẽ bên an ninh người ta lầm tưởng là tên “khủng bố” tự sát? Chiếc máy tuy xưa lắm rồi nhưng âm thanh rất trong, Ông thường khoe “năm mươi năm vẫn nghe tốt”! Thế rồi một ngày nọ Ông mang đài ra bờ hồ vừa nghe tin tức vừa sửa máy chạy nước tưới cây. “Ủm”, chiếc đài gắn bó với Ông 50 năm như gương với lược, nay chìm nghỉm dưới đáy hồ sen, hỏng rồi! Một người bạn thân tặng Ông cái radio đời mới. Lần này rút kinh nghiệm, Ông nhớ suốt đời không mang theo radio ra hồ nữa? Rồi sáng, trưa, chiều, tối hễ rảnh là Ông nghe đài.
Ông là người khiêm nhường, làm những việc hèn mọn, không công giúp Nhà xứ : Nấu nước trà và pha cafê cho anh em, sau Lễ ra bàn tròn ngồi nhâm nhi, bàn đủ chuyện trên trời dưới đất. Thế mà lại hay? Anh em học hỏi lẫn nhau về cung cách làm ăn, bàn công tác Nhà xứ. Có tin tức liên quan đến Giáo Hội hoàn vũ hay Giáo Hội Việt Nam, Ông thông tin lại cho anh em nghe ; hết giờ tư tác Ông về Nhà Xứ chạy mô tơ tưới nước, bón phân cho “Ông” cây bóng mát, bắt sâu cho “Cô” cây cảnh.
Hôm nọ, Ông đang nhổ cỏ dưới gốc bàng, đôi “anh chị” chim Chích từ trên cây lao xuống mổ vào đầu Ông, “la hét” ỏm tỏi . Thấy chuyện lạ, Ông ngó nghiêng, ngó dọc rồi phát hiện tổ chim nằm trong chiếc lá bàng cuộn lại. Hai “em bé” miệng há to đòi ăn! Ông làm mẹ gắp sâu đút mồi, đôi chim non ăn no bụng nhắm mắt vô tư nằm ngủ. Sở dĩ Ông xưng với cây cối, chim chóc là ông, anh, cô, chị,… vì Ông “Tu tại gia” thuộc Dòng Phan Sinh Tại Thế. Ông yêu người, yêu thiên nhiên cỏ cây, yêu chim muông, cầm thú… ; Yêu mặt trời mặt trăng, khe suối, sông ngòi noi gương Cha Thánh Phanxicô Assidi, đấng sáng lập Dòng. Ngày ngày, hai bé được Ông bồi dưỡng thêm lớn nhanh, biết vỗ cánh tập bay. Vợ chồng anh chị chim Chích cũng tỏ ra “biết ơn” không xua đuổi Ông nữa. Ông nói chuyện chăm chim cho thầy Thu nghe. Thầy Thu - cử nhân dạy đại học, tuổi cao Thầy về dạy phụ đạo cho con em trong Xứ đủ bốn môn: toán, lý, hóa, Anh văn từ cấp 2 đến cấp 3, luyện thi đại học ; dịch thuật tiếng Anh cho các gia đình đi Úc, đi Mỹ. Thầy cũng như Ông Suốt, yêu môi trường, môi sinh… Hai Ông núp dưới tán cây bên kia, rình xem vợ chồng chim Chích tập tành cho con cái biết bay như thế nào? Hai vợ chồng nhà Chích, mỏ ngậm hai con mồi, đứng nhánh cây khác, lí nhí chích chích động viên con vỗ cánh bay sang ăn mồi. Hai chim non vỗ cánh mấy lần và hình như chưa đủ tự tin, chúng lại xếp cánh! Hai chim Bố Mẹ thương con, vội bay qua đút mồi cho con. Ăn xong mồi, hai con nhảy nhảy theo Bố Mẹ. Chờ mãi, kiến cắn mà không dám phủi, hai Ông thất vọng lẻn ra về.
Ngày mai, hai vị rảnh rang, ra gốc cây nhìn lén họ nhà Chích tập bay, rồi cũng “bất kiến” (không thấy). Ngày Nhà Giáo Việt Nam, học trò nghỉ học, hai Ông cũng như hai ngày trước: dòm ngó Chích non tập bay. Lần này bố Mẹ Chích không có mồi, đứng trên nhánh cây xa hơn : chích chích chích Chích! Hai Chích con, hít sâu can đảm, vỗ cánh mạnh mẽ bay qua với Bố Mẹ. Chích! Chích! Mẹ trao mồi, Bố bay trước nhập đàn, ba mẹ con được Mẹ dìu bay theo đậu sang cây bàn khác. Họ hàng nhà Chích : “Chích chích chích ăn mừng” có hai Chích non trưởng thành! Nối nghiệp nghề cha truyền con nối : Hai Chích đã là người lớn cùng với họ hàng bắt sâu cho người!
Thầy Chu, Nhân cách hóa: họ nhà Chích “Rèn luyện Nhân cách” cho con!
Nhân cách con người được hình thành lần lần từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành và cả suốt đời! nhân cách là phẩm giá của một người. Không hẳn tự mình đánh giá mình mà được đánh giá bởi người khác, bởi làng xóm, bởi xã hội… qua mối quan hệ, gặp gỡ, quen biết. Nhân cách của riêng cá nhân mỗi con người, được thể hiện cả bên trong lẫn bên ngoài nhưng là cái nhìn của xã hội nên nó mang tính xã hội!
Vì con người, không ai sống riêng lẻ mà sống với gia đình, với xã hội nên Nhân cách được xây dựng và hình thành trong sự giáo dục của gia đình, của môi trường sống, của xã hội và cả của môi trường thiên nhiên? Nhân cách tốt do hiệu quả giáo dục tốt, nhân cách xấu cũng do giáo dục kém? Dĩ nhiên nhân cách còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố : gia đình hạnh phúc hay bất hạnh? Làng xóm đoàn kết hoặc chia rẻ? Thôn xã an ninh hay mất trật tự : xì ke, ma túy…? Rồi nó còn tùy thuộc vào mỗi con người : tiếp thu nhanh hay chậm? …
Nhân cách là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ giữa người với người. Mối quan hệ thường ngày : gặp nhau nói chuyện phiếm, uống trà, uống cafê, vài ly bia bàn công việc làm ăn, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp…; con cái đối xử với cha mẹ, vợ chồng trò chuyện với nhau…; quan hệ thầy trò, quan hệ nghề nghiệp, buôn bán kinh doanh…; quan hệ con chiên với Cha xứ, giữa Thầy giảng với thiếu nhi… muôn hình muôn vẻ. Trong mối giao lưu đó, nhân cách quyết định thành công hoặc thất bại. Nhân cách được thể hiện qua cung cách ứng xử của mỗi người đối với sự việc hoặc với người khác. Nhân cách còn thể hiện bản chất, tình tình và cả trình độ văn hóa của từng cá nhân.
Con người là một tế bào của xã hội nói chung và của Hội Thánh nói riêng. Xã hội có ngành Giáo dục định hướng nhân cách, mục tiêu là đào tạo con người toàn diện! Góp phần xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc! Hội Thánh, theo lệnh Chúa, rèn luyện người tín hữu trở nên con cái của Chúa để ngày sau được hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng!
Người Tín hữu có nhân cách sẽ chọn cho mình con đường đi phù hợp nhất, đúng nhất! Là người Công Giáo chúng ta chọn con đường của Chúa “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Người thiếu nhân cách sẽ mất phương hướng, chọn con đường đi không chính đáng - “cành nào lìa cây sẽ khô héo”. Chưa phải trễ! Ở bất cứ độ tuổi nào : bé con, thiếu niên, thanh niên, trung niên và cả tuổi xế chiều cũng đều có thể làm lại từ đầu: tập bay – rèn luyện nhân cách! Người có nhân cách quyết tâm không đi chệch hướng!
Tập bay - rèn luyện nhân cách để trở thành một người Công Giáo tốt!
Pet. TB (thân tặng các bạn thiếu niên)
Bạn có thích bài viết này...?
|
Nhận tin miễn phí hằng ngày!
|
Follow us!
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Giáo xứ đã nhận được góp ý, nhận xét, bài gửi của Quý vị
Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị.